Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thận trọng hơn trong bỏ biên chế giáo viên
Thứ bảy: 20:49 ngày 17/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngay sau khi Bộ trưởng GD&ĐT cho biết đề xuất chuyển dần giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh cần thận trọng trong thay đổi.


PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Theo bà, đề xuất bỏ biên chế trong ngành giáo dục có tăng tính tự chủ cho các trường, thu hút giáo viên trình độ cao?

Cá nhân tôi rất quan tâm đến chất lượng giáo dục. Tôi nghĩ mỗi giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành cần ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình. Chúng tôi cần sự tôn trọng, cần được đối xử như những người đang thực thi “quốc sách hàng đầu”, nhưng chúng tôi cũng cần một cơ chế làm việc để mọi người đều nỗ lực, hoàn thành chức trách đúng như cống hiến và năng lực của  mình, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, vì chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

“Đập cũ, xây mới” nhiều trong giáo dục sẽ gây ra hoang mang, lo lắng?

Sản phẩm của giáo dục là con người, khó đo đếm như những sản phẩm hữu hình khác. Vì thế, những thay đổi cần thận trọng hơn rất nhiều.

Người ta thường khuyến cáo “không được phép sai” trong bất cứ quyết sách giáo dục nào. Những thay đổi giáo dục phải tính đến “cái cũ”. Cái mới chỉ thành công khi giải quyết từ từ các mâu thuẫn tồn tại, là sự cộng hưởng của các yếu tố tác động lên quá trình giáo dục. Nhiều cải cách tiên tiến nhưng thất bại, bị chống trả bởi “cái cũ” và những con người chưa sẵn sàng tiếp nhận cái mới.

GS. Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT): Tôi rất ngạc nhiên khi nghe đến việc sẽ thí điểm xóa biên chế giáo viên ở trường phổ thông. Tôi không tán thành và cho rằng đó là đề xuất vô bổ, nặng hơn là nguy hại. Đề xuất này không làm phát triển, nâng cao phong trào, chất lượng giáo dục, mà có thể làm nát hệ thống giáo dục.

Phần lớn các quốc gia có nền giáo dục lâu năm như Mỹ, Đức đều không bao giờ có chuyện trường công lập bỏ biên chế giáo viên.

Các nước chỉ tự chủ đại học chứ không có nguyên tắc tự chủ phổ thông. Giáo viên phổ thông đều thuộc biên chế và hưởng lương của Nhà nước.

Chúng ta đã có quá nhiều bài học đắt giá trong cải cách giáo dục mấy năm gần đây như “Dự án Ngoại ngữ quốc gia”, “Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN)”… Vậy đã đến lúc để xóa bỏ biên chế giáo viên chưa?

Hầu hết mọi người đều trông chờ cái mới. Tuy nhiên, chúng ta lại bị sức ì và tâm lý ngại tự thay đổi. Ngành giáo dục hiện nay chỉ được chịu trách nhiệm về chuyên môn, chất lượng giáo dục chứ không được chịu trách nhiệm toàn bộ, nhất là vấn đề nhân sự. Đây thực sự là vấn đề không chỉ riêng của ngành giáo dục. Nhưng tôi hy vọng, những nỗ lực thay đổi một cách khoa học, có tính toán cẩn thận sẽ tháo gỡ được nút thắt, từ đó tạo ra sự đồng bộ; việc chịu trách nhiệm về chất lượng sẽ đi đôi với chịu trách nhiệm về lao động.

Rõ ràng, khi làm tốt khâu con người, mô hình vận hành tự chủ sẽ tạo ra nền giáo dục có chất lượng, lao động thu nhập tốt.

Có nhiều cách để nâng cao chất lượng giáo dục thay vì bỏ biên chế giáo viên?

Chuyển chế độ lao động của cả đội ngũ hơn một triệu người là một thách thức, sẽ cần lộ trình dài hơi cùng nỗ lực nghiên cứu, tính toán của nhiều cơ quan chức năng để đảm bảo những người làm trong ngành tránh được những xáo trộn tâm lý.

Nhà giáo cần được tôn trọng và nên dựa vào chất lượng giáo dục, tiêu chí đánh giá công việc là cách xử lý công bằng nhất.

Có kinh nghiệm gì từ các nước trong việc này không, thưa bà?

Tư liệu từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UNESCO và báo cáo mới đây của Đại học Chính trị London hợp tác cùng Đại học Oxford cho thấy, hầu hết các quốc gia đều dùng ngân sách để chi trả lương cho giáo viên và những người lao động trong ngành giáo dục.

Ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển, ngành này có quyền tự chủ rất cao, trong đó, có tự chủ trong sử dụng tài chính, tuyển dụng và phải đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cơ chế tự chủ đòi hỏi cả nhà quản lý lẫn giáo viên đều phải nỗ lực hết mình trong công việc. Đặc biệt, giáo viên rất chủ động trong học tập để nâng cao chuyên môn, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp.

Nghề giáo là một trong những nghề khắt khe nhất trong tuyển dụng và đào tạo, đòi hỏi phải tự bồi dưỡng không ngừng. Các nước quan tâm đến bảo vệ giáo viên đều có Luật nhà giáo, Hiệp hội các nhà giáo,... để cùng chính phủ xây dựng chuẩn nghề nghiệp, giám sát thực thi và bảo vệ chất lượng của ngành.

Xin cảm ơn bà!

Cô Lê Thị Hồng - Giáo viên trường THPT Hoằng Hóa 2, Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa: “Tôi thấy có rất nhiều việc cần làm để nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải là việc bỏ biên chế giáo viên. Cứ cho là bỏ biên chế để tạo ra sự cạnh tranh nhưng tôi hoàn toàn không tin tưởng vào sự cạnh tranh lành mạnh. Chắc chắn sẽ không tránh khỏi tiêu cực nên hiệu quả của bỏ biên chế sẽ ngược lại, thậm chí là “lợi bất cập hại”.

Giáo dục là ngành đặc thù, cần tính ổn định chứ nay thay đổi cô này, mai thay đổi thầy cô khác sẽ không tốt cho học sinh. Bản thân giáo dục mấy năm qua đã thay đổi quá nhiều. Không ít chủ trương bỏ dở hoặc “tự chết yểu”.

Nguồn Baoquocte

Tin cùng chuyên mục