Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khảo sát công tác quản lý Nhà nước về di tích:
Thận trọng với việc cấp “sổ đỏ”
Thứ hai: 06:57 ngày 03/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc lập hồ sơ cấp giấy “đỏ” đối với những di tích có liên quan đến cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể, đối tượng và ranh giới để cấp giấy.

Tháp cổ Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên). Ảnh: Lê Văn Hải

Trong ba ngày từ 27-29.8, Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành đợt khảo sát về công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh. Ðoàn khảo sát đã làm việc với UBND các huyện Gò Dầu, Tân Biên, TP. Tây Ninh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Theo đó, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, di tích xuống cấp và một số bất cập trong phân cấp quản lý quan tâm trong đợt khảo sát lần này.

Di tích chưa thu hút ÐƯỢC KHÁCH

Tại UBND huyện Gò Dầu, lãnh đạo địa phương này cho biết, trên địa bàn đã có 7 trên tổng số 8 di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng di tích gò chùa Cao Sơn (còn gọi là Cao Sơn tự) chưa được cấp giấy. Lý do, trụ trì chùa này không đồng ý để UBND huyện đứng tên đăng ký quyền sử dụng di tích.

Theo bà Trương Thị Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, Quyết định 23 ngày 14.7.2016 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh có một số nội dung không trùng khớp với công văn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch về phân cấp quản lý các di tích lịch sử, văn hoá, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung.

Vẫn theo bà Phú, chính quyền địa phương sẽ tiếp cận một cách thận trọng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Cao Sơn. Về sử dụng kinh phí, bà Phú cho biết, kinh phí Nhà nước cấp chỉ sử dụng cho những công trình, di tích lớn, còn các di tích nhỏ, việc sửa chữa trùng tu được xã hội hoá.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát lưu ý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Cao Sơn cần được xem xét, rà soát kỹ, vì trong thực tế, có những cơ sở thờ tự thuộc hình thức tu tại gia, qua nhiều đời.

Do vậy, việc cấp giấy tờ, chủ quyền đất cũng nên tiếp cận bằng thái độ thận trọng, đúng luật. Ðại diện Sở GD-ÐT đề nghị chính quyền địa phương kết hợp với nhà trường cho các em học sinh, sinh viên thăm viếng, chăm sóc, quét tước những khu di tích hiện có trên địa bàn, đó là một cách giáo dục có hiệu quả.

Trong buổi làm việc với UBND TP. Tây Ninh, ngoài những vấn đề chung, một vị quản lý đình Hiệp Ninh đề nghị xem xét có biện pháp chống mối mọt cho một số hạng mục của ngôi đình này. Ðại diện Phòng Văn hoá - Thông tin TP. Tây Ninh kiến nghị có chế độ cho những người trông coi các khu di tích.

Ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh phát biểu, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu di tích là do có một số hộ dân lấn chiếm đất, UBND TP. Tây Ninh sẽ sớm khắc phục tồn tại này.

Tại Tân Biên, thành viên đoàn khảo sát nêu một số ý kiến xung quanh việc quản lý di tích. Ví dụ, việc thành lập ban quản lý di tích trực thuộc UBND huyện đối với những di tích quan trọng, có quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện không có tiêu chí nào để xếp hạng di tích lớn, quan trọng. Vậy UBND huyện có thành lập ban quản lý không, hoạt động như thế nào? Liên quan kinh phí để trùng tu tôn tạo, ngân sách Nhà nước chi ra cho việc này như thế nào, có đủ không, việc quản lý tiền công đức ra sao….

Theo giải trình của UBND xã Trà Vong- nơi có lăng mộ Quan lớn Trà Vong, tiền công đức phúng viếng, sau khi trừ chi phí, xã gửi vào tài khoản ngân hàng, việc chi tiêu được thực hiện đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ. Lãnh đạo xã Tân Phong- nơi có tháp Chót Mạt, chính quyền xã bố trí hai người trông coi, dọn dẹp.

Hiện nay, đường vào tháp Chót Mạt đã hư hỏng, dù được sửa chữa nâng cấp nhiều lần. Lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin Tân Biên thông tin thêm, tại khu vực lăng mộ Quan lớn Trà Vong, ngày thường không sao nhưng ngày lễ, nơi đây thiếu bãi đỗ xe, đề nghị nghiên cứu mở rộng bãi đỗ xe, đồng thời nâng cấp hoặc xây mới cây cầu bắc qua con suối để bảo đảm an toàn cho du khách.

Ông Lê Thiện Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên phát biểu, địa phương này có nhiều di tích lịch sử, văn hoá nhưng theo phân cấp, huyện được giao quản lý ba di tích, những di tích này ít có khách thăm viếng. Về tài chính, ông Lê Thiện Hồ cho biết, Nhà nước không trực tiếp quản lý tiền công đức, thăm viếng. Ban quản lý các khu di tích được giữ khoản tiền này, khi có việc gì cần chi tiêu thì họ báo cáo, xin phép chính quyền. Ðến nay, chưa nghe điều tiếng gì.

XÁC ÐỊNH RÕ TIÊU CHÍ DI TÍCH LỚN, QUAN TRỌNG

Chiều 29.8, đoàn khảo sát làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Theo lãnh đạo Sở, qua 2 năm thực hiện Quyết định số 23 ngày 14.7.2016 của UBND tỉnh, việc quản lý di tích đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ tỉnh đến cơ sở đã thống nhất, xác định trách nhiệm các ngành, các cấp trong việc quản lý di tích trên địa bàn, hằng năm, các ngành, các cấp có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Nhiều di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia do địa phương, đơn vị quản lý đã được trùng tu, tôn tạo từ ngân sách của địa phương và nguồn xã hội hoá. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phát huy giá trị di tích ngày càng được nâng lên, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá được chú trọng.

Một số địa phương đã thực hiện việc phân cấp quản lý cho cơ sở, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Cán bộ làm công tác văn hoá thông tin, bảo tồn, bảo tàng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được cập nhật thông tin về pháp luật và nghiệp vụ; các vụ việc vi phạm, xâm hại di tích được xử lý đúng theo Luật Di sản văn hoá. Công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích luôn được chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm.

Tuy nhiên, công tác quản lý di tích còn có một số mặt chưa được. Cụ thể, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ. Nguồn ngân sách bố trí cho việc trùng tu tôn tạo các di tích còn hạn chế, công tác xã hội hoá còn hạn chế.

Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, chỉ có một số di tích được trùng tu, tôn tạo; và còn 44 di tích cần được trùng tu, tôn tạo nhưng còn khó khăn về kinh phí. Việc lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích vẫn còn chậm, hiện còn 44/89 di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên nhân chủ yếu là phòng chuyên môn của các huyện, thành phố chưa tích cực tham mưu cho UBND các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

Việc lập hồ sơ cấp giấy “đỏ” đối với những di tích có liên quan đến cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể, đối tượng và ranh giới để cấp giấy. Ví dụ như di tích nằm trong khu vực đất do người dân quản lý như ngôi mộ Trương Quyền. Ðất này do cháu ông Trương Quyền đứng tên quyền sử dụng đất và mồ mả dòng họ của ông Trương Quyền được chôn chung khu đất di tích.

Ngoài ra, một số di tích đã xuống cấp nhưng hiện nay chưa có kinh phí trùng tu, tôn tạo (đình Hiệp Ninh, chùa Khmer - Khedol, chùa Phước Lâm, đình thần Phước Hội, gò Cổ Lâm...) đã ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích.

Tháp cổ Chót Mạt ở huyện Tân Biên.

Sau các buổi làm việc với các địa phương và ngành chức năng, ông Võ Văn Sớm- Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội đánh giá, thời gian qua, các địa phương và ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác quản lý di tích. Ông đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, bảo vệ di tích, đồng thời đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá để có kinh phí trùng tu, sửa chữa; cần làm tốt hơn việc thu hút du khách đến với các di tích lịch sử, văn hoá; thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, tôn tạo di tích. Mặt khác, cần chú ý công khai minh bạch tài chính, tại các cơ sở thờ tự theo đúng quy định.

Về một số vấn đề đặt ra, trong đó xác định rõ thế nào là khu di tích lớn, quan trọng, đoàn khảo sát đề nghị Sở VH, TT&DL tham mưu UBND tỉnh làm rõ các tiêu chí, định lượng để phân loại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. Ðồng thời, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần quan tâm giải quyết một số vấn đề như di tích xuống cấp, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh