Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Cục Thống kê, tháng 10 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng như cả nước, dịch Covid-19 được kiểm soát, nhờ đó kinh tế xã hội trên đà phục hồi tốt.
Hoạt động sản xuất ở một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phước Đông (ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, do những tác động từ bối cảnh chung, biến động giá năng lượng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường thế giới có phần hạ nhiệt, tác động đến đầu ra của sản phẩm, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có phần chững lại, ảnh hưởng đến nhịp độ tăng trưởng những tháng cuối năm.
Do vậy, sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tháng 10 có xu hướng chững lại. Chỉ số sản xuất ước giảm 3,42% so với tháng trước, kéo theo luỹ kế 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,04 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Có thể thấy, so với tháng trước, ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng chủ yếu tập trung ở những ngành có thị trường tiêu thụ trong nước. Với những ngành mà nguồn đầu ra đa phần là xuất khẩu thì tháng này lại giảm so tháng trước do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, lượng đơn hàng của một số doanh nghiệp có sự sụt giảm đáng kể.
Luỹ kế 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá cao (+17,48%) so cùng kỳ, nhưng thấp hơn mức tăng của 9 tháng (+19,52%).
Về sản xuất nông nghiệp, do thời tiết không thuận lợi nên tiến độ gieo trồng vụ mùa có chậm lại. Dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển tích cực, nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tăng. Sản xuất nông nghiệp, diện tích cây trồng hằng năm duy trì ổn định, vụ Đông Xuân cao hơn cùng kỳ, còn 2 vụ Hè Thu và Mùa ở mức tương đương hoặc thấp hơn chút ít.
Tiến độ gieo trồng vụ mùa chậm, một phần do ảnh hưởng thời tiết, mặt khác còn do yếu tố thị trường, giá vật tư, phân bón đều tăng cao. Tình hình chăn nuôi tiếp tục chuyển biến tích cực, tỉnh thu hút được nhiều dự án quy mô vốn lớn. Thị trường nông sản các tháng cuối năm cũng thuận lợi hơn nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, do giá cả một số sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất.
Về sản xuất lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới đã vượt kế hoạch, công tác quản lý, bảo vệ rừng được bảo đảm, sản lượng gỗ, củi khai thác có giảm nhẹ so cùng kỳ.
Cũng theo Cục Thống kê, thu ngân sách trên địa bàn tháng 10 đạt khá, một số khoản đã vượt dự toán năm. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 10 ước đạt 940 tỷ đồng. Luỹ kế 10 tháng năm 2022 thu đạt 9.817 tỷ đồng, đạt 97,98% dự toán, tăng 15,63% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 8.442 tỷ đồng, đạt 96,52% dự toán, tăng 15,78% cùng kỳ năm trước.
Chi ngân sách bảo đảm hoạt động thường xuyên, chương trình mục tiêu, nhiệm vụ. Chi ngân sách tháng 10.2022 ước đạt 793 tỷ đồng. Luỹ kế 10 tháng chi ngân sách đạt 8.108 tỷ đồng, đạt 77,99% dự toán năm, bằng 99,89% so cùng kỳ năm trước.
AN KHANG