Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến các huyện biên giới có chiều hướng gia tăng so với tháng trước, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu dùng khẩu trang y tế của người dân tăng cao.
Nổi lên trong tháng là tình hình các đối tượng buôn lậu cấu kết với các Trung tâm bưu chính viễn thông để vận chuyển hàng hóa nhập lậu với số lượng lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi (các đối tượng nhập lậu hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam, cất giấu nhiều nơi, đóng gói thành từng kiện, sau đó làm thủ túc ký gửi bưu kiện tại các Trung tâm Bưu chính viễn thông huyện để vận chuyển đi tiêu thụ).
Một vụ buôn lậu khẩu trang y tế qua Campuchia bị Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài bắt giữ trong tháng 3.2020.
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 các đối tượng buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép khẩu trang y tế với số lượng lớn từ Việt Nam qua các đường mòn, tiểu ngạch để xuất lậu sang Campuchia tiêu thụ; mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, rượu, bia, nước uống có ga, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô, hàng điện tử, xe đạp, nguyên liệu ngành may mặc, sắt phế liệu, thuốc tân dược, tinh dầu thuốc lá điện tử…
Đối tượng buôn lậu chủ yếu là cư dân biên giới qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa; một bộ phận là các đầu nậu chuyên mua gom hàng của cư dân biên giới; tài xế, phụ xế và một bộ phận hành khách xuất nhập cảnh trên các phương tiện vận tải liên vận.
Với phương thức, thủ đoạn chia nhỏ hàng vận chuyển theo các đường mòn, lối mở dọc hai bên cánh gà cửa khẩu; cất giấu hàng lậu trên phương tiện vận tải vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ; lợi dụng hành khách xuất nhập cảnh mang hộ hàng hóa trong định mức miễn thuế; gia cố mô tô, xe buýt...
Riêng đối với mặt hàng khẩu trang, các đối tượng sử dụng phương tiện xuất cảnh (xe 2 bánh, xe 4 bánh), xe chở hàng hóa, xe buýt của các công ty liên vận cất giấu khẩu trang y tế vào trong các thùng carton để trên xe buýt liên vận để xuất khẩu trái phép qua biên giới.
Song song đó, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý trong tháng 3 diễn ra tương đối phức tạp do ma túy là loại hàng gọn nhẹ, dễ cất giấu, lợi nhuận cao, các đối tượng có thể cất giấu trong người, phương tiện hoặc lẫn trong hàng hóa gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.
Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng các khu vực đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu nơi có ít lực lượng chống buôn lậu canh gác để vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam. Trong tháng, Công an huyện Bến Cầu bắt giữ 3 vụ, 11 kg ma túy do đối tượng người nước ngoài vận chuyển qua khu vực chốt Nam Hiệp Thành, Tà-Peng và Cầu Trắng.
Trong địa bàn nội địa tình hình các đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng diễn biến phức tạp, các mặt hàng chủ yếu là: bột ngọt, đường cát, nước ngọt...
Trong tháng, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố phát hiện và bắt giữ 94 vụ/63 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá khoảng 3.465,62 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu: thuốc lá điếu (34.926 bao), ma tuý (304 gam), khẩu trang y tế (1.466.379 cái), đường cát (900 kg),… Các lực lượng khởi tố 6 vụ/7 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, dự báo trong tháng 4.2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, thuốc lá,...) từ Campuchia vào Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Thế Nhân