Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 22.11, ông Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (CCHC), Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Đề án Xác định CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030 và Kế hoạch xác định chỉ số CCHC năm 2022.
Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng phát biểu từ điểm cầu Bộ Nội vụ
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Châu Thu Vân và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai Đề án theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ một cách đồng bộ, thống nhất. Năm nay triển khai sớm hơn mọi năm, hy vọng kết thúc quá trình đánh giá sớm để công bố chỉ số này cùng lúc với các chỉ số khác, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quản lý của các cấp lãnh đạo.
Theo Vụ trưởng Vụ CCHC, Đề án có sự đổi mới theo hướng tinh gọn hơn, chuẩn xác hơn, đồng bộ với việc đánh giá các mục tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương; do đó các đại biểu cần tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung của Đề án, nhất là mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện ở địa phương, trên cơ sở triển khai của Bộ Nội vụ nắm vững vận dụng vào thực hiện, khắc phục những hạn chế của năm 2021.
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt, triển khai các nội dung tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10.11.2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án Xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030 và Quyết định số 878/QĐ-BNV ngày 10.11.2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Đề án có một số điểm mới hướng tới mục tiêu đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng kết quả CCHC hằng năm của các bộ, các tỉnh; có tính định lượng kết hợp với định tính, đa chiều, thu hút được nhiều đối tượng tham gia đánh giá; tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác đánh giá. Đề án cũng đã lược bỏ đi khá nhiều nội dung như thực hiện ISO, dịch vụ bưu chính công ích; bổ sung khá nhiều tiêu chí khác như xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số… Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần.
Công tác đánh giá được thực hiện theo 2 phương pháp cơ bản, gồm: tự đánh giá của các tỉnh, thành phố (được thực hiện trên phần mềm triển khai từ năm 2017 đến nay) và đánh giá thông qua điều tra xã hội học (khảo sát 4 nhóm đối tượng).
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Theo Kế hoạch triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đầu tháng 4 năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ công bố chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố.
Hội nghị còn trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất xung quanh việc thực hiện đề án và kế hoạch CCHC; lấy ý kiến dự thảo văn bản hướng dẫn chấm điểm xác định chỉ số CCHC năm 2022.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức công tác tự đánh giá chấm điểm thật nghiêm túc và trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ với các sở ngành để có kết quả phản ánh trung thực, khách quan về kết quả chỉ số CCHC; phối hợp thật tốt với Bộ Nội vụ trong thực hiện điều tra xã hội học, đúng yêu cầu tiến độ theo kế hoạch đã ban hành.
Vụ trưởng còn lưu ý, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hình thành hệ thống thông tin đánh giá đồng bộ,bảo đảm hệ thống dữ liệu được tổng hợp một cách đầy đủ chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình, kết quả thực hiện CCHC trên địa bàn.
C.T