Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng bảy cấy lúa ruộng giồng
Chủ nhật: 19:06 ngày 15/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuối tháng sáu âm lịch, cánh đồng bưng rộng lớn quê tôi đã được cấy xong. Những đám ruộng rẻo cao và những đám “xướng mạ” (gieo mạ) lấp đầy lúa mới cấy. Bước qua đầu tháng bảy, chủ ruộng lầy lo chăm sóc, bón phân cho lúa đang phát triển; chủ ruộng gò đi giậm lúa mới cấy bị tróc gốc trôi nổi.

Lúc này, cánh thợ cấy (công cấy), một số đi đánh bắt cá, một số đi làm thuê những công việc ngoài nghề nông, còn một bộ phận tìm đến các địa phương lân cận cấy thuê, trên những cánh đồng ruộng giồng. Trong số những người đi cấy thuê có tôi, một cậu học sinh cấp ba trường huyện, tranh thủ những ngày hè kiếm thêm chút đỉnh lo cho việc học tập trong năm học mới.

Xưa kia, chưa có hệ thống thuỷ lợi như bây giờ. Những cánh đồng ở vùng cao (gọi là ruộng giồng), không có kênh rạch nên thiếu nước, rất khó sản xuất. Vào mùa nắng, ở những khu vực có mạch nước ngầm tốt, nông dân đào giếng lấy nước tưới hàng bông (hoa màu), hoặc trỉa đậu, trồng cây thuốc lá kéo rê (không phải thuốc lá vàng như ngày nay).

Còn ở những cánh đồng rộng, không đào giếng được, nông dân bỏ trống. Chờ đến cuối tháng sáu, đầu tháng bảy âm lịch mưa nhiều, nông dân có ruộng giồng tập trung cày, bừa làm đất, cấy lúa. Hồi đó máy cày, máy xới chưa có, hoặc còn rất khan hiếm, nông dân chủ yếu cày bừa ruộng đất bằng trâu, bò.

Ruộng giồng hầu hết là đất cát pha, đất rất mau dẽ, nên thường bừa đất xong là phải cấy lúa liền, nếu không cấy lúa không xuống được. Do nhiều nông dân tập trung làm đất cấy lúa cùng một thời điểm, nên công cấy địa phương không đáp ứng đủ. Nhiều chủ ruộng phải đi kêu công cấy ở các vùng lân cận, trong đó có người quê tôi.


Một cánh đồng ruộng giồng đang được nông dân cấy lúa bằng máy

Quen cấy ruộng đất bưng, những ngày đầu “đụng phải” đất giồng, oải lắm! Ruộng bưng nhiều nước, mặt ruộng nhiều bùn, đất mềm, còn rẽ mạ thì to, cứng rất dễ cấy. Còn ruộng giồng đất cát, độ lún rất ít, rẽ mạ nhỏ, mềm rất khó cấy.

Có chỗ mặt ruộng khô nước, chủ ruộng đứng trên bờ nhắc nhở công cấy phải vừa cấy, vừa “quẹt mũi”. Tức là cấy cây lúa xuống rồi, phải lấy ngón tay quẹt đất lấp gốc lại. Cấy lúa ruộng giồng rất đau ngón tay cái vì đất cứng. Do phải đi khá xa (có khi cả chục cây số), nên phần lớn thợ cấy quê tôi đi bằng xe đạp.

Thường chủ ruộng giồng không cho thợ cấy ăn sáng, cũng không cho ăn bữa cơm trưa. Vì vậy, ngày nào đi cấy ruộng giồng, tôi phải dậy thật sớm, lo nấu cơm ăn sáng, rồi dỡ theo để ăn trưa. Đến giờ nghỉ trưa, công cấy lấy cơm ra, của ai nấy ăn.

Ăn xong, nghỉ xíu, công cấy xuống ruộng cấy tiếp. Thợ cấy ở ruộng giồng cũng như ruộng bưng, mỗi ngày được trả một táo lúa (thùng 20 lít lúa). Nhưng cách trả công của chủ ruộng giồng khác chủ ruộng bưng là không đợi đến mùa thu hoạch lúa, rồi đong lúa khô cho thợ cấy, mà chủ ruộng giồng quy đổi thành tiền một táo lúa (tại thời điểm cấy) và trả tiền mặt liền.

Do tập trung làm cùng một thời điểm, nên khoảng thời gian cấy lúa ruộng giồng ngắn, đến khoảng giữa tháng bảy âm lịch là xong. Đến lúc này năm học mới sắp bắt đầu, tôi chuẩn bị đi học là vừa. Tuy số ngày đi cấy mướn trên những cánh đồng ruộng giồng không được nhiều, nhưng nhờ được chủ ruộng trả tiền mặt liền, nên tôi có có được khoản trang trải cho việc học hành.

Xưa kia, do chưa có hệ thống thuỷ lợi, cũng như chưa có cơ giới hoá, điện khí hoá ruộng đồng nên ruộng giồng khó sản xuất, mà năng suất rất thấp so với ruộng bưng. Từ đó, hiệu quả kinh tế trên một diện tích ruộng giồng thấp hơn ruộng bưng.

Từ khi các vùng gò giồng có hệ thống thuỷ lợi rộng khắp, rồi có giống lúa mới ngắn ngày, có cơ giới hoá, điện khí hoá và giao thông nông thôn, giao thông nội đồng thuận tiện… ruộng giồng sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa (hoặc hai vụ lúa, một vụ màu) và năng suất rất cao. Từ đó giá trị kinh tế của ruộng giồng nâng lên rất cao, vượt rất xa ruộng bưng.

Để có lúa giống tốt, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, một số chủ ruộng giồng không sạ lúa thẳng xuống ruộng nữa, mà quay lại gieo mạ cấy lúa bằng máy. Không còn cảnh thợ cấy khom lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa.

Hình ảnh đoàn thợ cấy quê tôi (trong đó có tôi) rủ nhau đi cấy thuê theo lịch trình: tháng năm cấy lúa ruộng lầy, tháng sáu cấy ruộng gò và tháng bảy cấy lúa ruộng giồng (tính theo tháng âm lịch) chỉ còn trong ký ức, xin được nhắc lại để bạn đọc trẻ tuổi ngày nay biết được phần nào về cách  làm ruộng lúa của nông dân ngày trước. 

T.L

 

Tin cùng chuyên mục