Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháng bảy đi câu
Thứ hai: 07:49 ngày 28/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước kia, nền nông nghiệp nước ta chưa phát triển, chưa có giống lúa ngắn ngày, gieo sạ mỗi năm hai, ba vụ như bây giờ. Hồi đó chỉ có giống lúa dài ngày, nông dân bắt mạ, cấy lúa mỗi năm một vụ vào mùa mưa.

Tháng ba, tháng tư âm lịch, khi trời bắt đầu đổ mưa, nông dân quê tôi làm đất, ngâm lúa giống để bắt mạ. Cánh đồng quê tôi có hai loại ruộng. Những đám ruộng trũng ven sông rạch, bùn sình nhiều gọi là ruộng lầy. Ruộng lầy, lún sâu, trâu bò không thể xuống cày bừa được, nông dân phải dùng phảng chặt năn, phát cỏ, dọn đất và cấy lúa từ tháng năm đến đầu tháng sáu. Những đám ruộng cao hơn, đất dẽ, không sụp lún, trâu, bò cày bừa được gọi là ruộng gò. Ruộng gò cấy trong tháng sáu, sau ruộng lầy một thời gian ngắn.

Tháng bảy âm lịch, mưa nhiều, toàn cánh đồng quê tôi đều đã cấy xong. Những đám ruộng lầy cấy sớm, gặp đất bùn, nhiều phù sa lúa bén, nở bụi “rẹt rẹt”. Nước dưới ruộng lên cao khoảng nửa thân cây lúa. Lúc này các loại cá tràu, rô, trê, sặc… từ sông, rạch thi nhau theo các lỗ trổ (chỗ nông dân xẻ bờ cho nước ra, vô) vào ruộng sinh sôi nảy nở.

Ðây là lúc bắt đầu giai đoạn nông nhàn. Người lớn và trẻ em như chúng tôi vào mùa cắm câu. Cắm câu hoàn toàn khác với câu cần. Câu cần là người ta dùng cây trúc dài, nhợ câu cũng dài. Khi đi câu chỉ dùng một cần, hoặc nhiều lắm là hai, ba cần. Thường thì người câu cần chỉ đi câu ở ao hồ, sông rạch.

Câu cắm được vót bằng tre, cần câu dài chừng hơn một thước, nhợ câu dài khoảng năm, sáu tấc. Khi đi câu người ta vác từ vài chục đến cả trăm cần. Ðuôi cần câu được vót nhọn để cắm vào bờ ruộng, bờ rạch (vậy nên mới gọi là cắm câu).

Mồi câu cắm thường là trùn, nhái, cá con… Vào tháng bảy âm lịch đi câu bằng mồi cá nhái là nhạy nhất. Cá nhái là gọi chung, còn nếu gọi đúng theo từ ngữ sách vở thì nó là nòng nọc ếch, nhái. Tốt nhất là dùng nòng nọc ếch- giai đoạn mọc hai chân sau. Hồi đó quê tôi đất rộng người thưa.

Ngay trên vùng gò đồng, ven rừng cũng có những ao vũng tự nhiên lâu đời. Ðầu mùa mưa ếch, nhái, cóc, ễnh ương… rủ nhau, hẹn hò đến các ao, vũng này thi nhau hoà tấu những bản nhạc riêng tư của mình, rồi bắt cặp để sinh sôi nảy nở… Anh em tôi cũng như nhiều người khác xách rổ, mang thùng đến các ao, vũng xúc cá nhái về làm mồi câu.

Cắm câu bằng mồi cá nhái, hoàn toàn khác với mồi trùn và mồi nhái. Câu mồi trùn thì thả mồi ngầm xuống mặt đất. Câu mồi nhái thì có hai cách, hoặc là móc nhái chết thả ngầm trong nước, hoặc là treo nhái sống thả nổi trên mặt nước.

Còn câu mồi cá nhái thì để con mồi sống, móc lưỡi câu ngay cậy đuôi của nó rồi thả lưng chừng trong nước, nên gọi là treo. Lúc này ruộng lúa mới bắt đầu nở bụi, còn nhiều khoảng trống cho con cá nhái bơi lội, động đậy trong nước.

Cá tràu, cá rô mề đang đói, háu ăn thấy mồi cá nhái quá ngon là đớp liền. Chúng đâu có lường được ngay phía cậy đuôi con mồi ngon lành đó là một lưỡi câu cong vòng, nhọn hoắt, lại thêm cái ngạnh nhỏ bén ngón. Mới vừa táp con mồi vào miệng, chưa kịp nuốt là bị lưỡi câu móc mép liền. Lưỡi câu có ngạnh, nhợ câu chắc, cần câu cắm cứng trong bờ, dù cho con cá có vùng vẫy kịch liệt, hay quấn chặt vào bụi lúa cũng khó thoát được (đôi khi gặp cá lớn, nó vùng vẫy mạnh, hoặc nhợ câu bị mục thì cá cũng sẩy).

Khi đi thăm câu thấy cần câu gục gặc, nhịp mạnh trên mặt nước, hoặc những bụi lúa bị cá quấn nhợ câu đung đưa, run rẩy, người đi câu thấy sướng con mắt; nhổ cần cầu, gỡ con cá bỏ vào đụt mà nghe mát cả lòng. Mang cái đụt có cá nằng nặng cũng đã cái vai! Thuở ấy, cánh đồng ruộng quê tôi nhiều cá lắm. Câu bằng mồi cá nhái rất nhạy, nên được nhiều cá. Nhờ vậy mà người dân nghèo quê tôi góp phần đáng kể trong việc cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Nông nghiệp ngày càng phát triển, giống lúa ngắn ngày thay thế lúa dài ngày. Cánh đồng quê tôi, mỗi năm làm hai, ba vụ lúa. Cách sản xuất là gieo sạ thẳng xuống ruộng, không còn bắt mạ, nhổ mạ cấy lúa nữa. Tháng bảy xưa, toàn cánh đồng là lúa vừa cấy xong.

Còn tháng bảy nay, cánh đồng quê tôi vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu. Ruộng lúa làm mỗi năm hai, ba vụ, môi trường sinh sống của con cá đồng ngày càng thu hẹp, cùng với sự săn lùng, đánh bắt cá theo lối huỷ diệt (bằng cách chích điện) của nhiều người, con cá đồng quê tôi ngày càng khan hiếm.

Trên đất gò, dân cư ngày càng đông đúc, ao, vũng đều bị san bằng để xây nhà, trồng cây trái, hoa màu… đâu còn chỗ cho các loài lưỡng cư tụ hội. Chuyện tháng bảy đi treo câu bằng mồi cá nhái hầu như chỉ còn trong ký ức của những người nay đã tóc pha sương.

T.L

Tin cùng chuyên mục