Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháng bảy tri ân.
Thứ bảy: 22:21 ngày 23/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng bảy, người ra vào viếng nghĩa trang liệt sĩ đông hơn, không gian thoáng đãng, tĩnh lặng cùng làn khói hương mờ ảo như gợi nhớ ký ức bi tráng về một thời hào hùng của dân tộc, về một “mùa hè đỏ lửa”.

Ảnh minh hoạ

Tháng bảy, Ông- người cựu binh can trường năm ấy cùng những đồng đội năm xưa trở về bên dòng sông Thạch Hãn, thắp nén hương trên ngôi mộ chung giữa lòng Thành Cổ, chiếc đèn hoa đăng được thả trên dòng sông thiêng về đêm như rực sáng hơn.

Mùa hè năm ấy, ông lên đường nhập ngũ ở độ tuổi đôi mươi căng tràn sức trẻ. Thời điểm ấy, đất nước đang lâm nguy, nhân dân khắp nơi túng quẫn, lầm than. 

Ngày tiễn ông ra trận, bà nghẹn ngào giấu những giọt nước mắt vào tim. Dẫu ra đi chẳng biết ngày trở về nhưng ông nguyện xả thân vì sự bình yên của Tổ quốc và hàng triệu người con đất Việt.

Chiến tranh là chia ly, là đau thương, mà trong đó, tột cùng của những nỗi đau là mất mát về con người, là niềm đau của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con... có người lính trở về cơ thể không nguyên vẹn với những nỗi đau trên cơ thể và cả trong sâu thẳm ký ức.

Mùa hè năm nay, ông mang những kỷ vật chiến tranh được cất trong tủ cho con cháu xem. Đôi chân chai sần từng hiên ngang trên mọi chiến trường giờ run rẩy, chậm chạp bước đi, phải làm bạn với cây gậy tuổi xế chiều. Bàn tay run run đang mân mê, lật giở từng kỷ vật một cách thận trọng, có quyển nhật ký ông viết cùng đồng đội được ép nhựa cẩn thận, để mỗi độ tháng bảy về nơi khoé mắt ông lại rưng rưng.

Ông dạy chúng tôi phải biết kính cẩn nghiêng mình để tri ân đến anh linh các anh hùng liệt sĩ- những ng­ười đã hiến trọn đời mình cho đất nước, quê hương. Ông luôn nhắc nhở cháu con về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phải biết cống hiến sức trẻ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Có những chiều hè, nắng chợt tắt bởi cơn mưa. Chiến tranh đi qua, nhưng nỗi buồn vẫn còn đâu đó trên từng đôi môi khoé mắt. Cả dân tộc luôn đời đời ghi nhớ sự hy sinh vẻ vang của các anh hùng liệt sĩ. 

Mỗi bước chân qua, mỗi bước hành quân là từng tia hy vọng, hòa bình trở về. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Họ đi qua biết bao quê hương để lại nỗi nhớ nằm lòng, tình quân dân ấm nồng như ngọn lửa. Bởi thế, nơi người lính đi qua, họ đã mang bên mình rất nhiều quê hương trong tâm trí.

Chiều tháng bảy, đôi bồ câu trắng đang chao nghiêng trên bầu trời, cỏ non vẫn mọc xanh trên mảnh đất này. Mùa hè năm ấy, họ ở đây, trên chiến trường chẳng có gì ngoài gian khổ, khắc nghiệt. Chỉ trong gang tấc, sự sống và cái chết dường như chẳng có lằn ranh. Tên các anh đã trở thành bất tử, để mỗi độ tháng bảy về ta thắp nén nhang nơi mộ phần nghĩa trang thêm ấm cúng.

Chiều tháng bảy, nghe nhắc những cái tên quen thuộc trong bài học lịch sử, về vùng đất Quảng Trị với mùa hè đỏ lửa cùng 81 ngày đêm nơi Thành Cổ; về trận càn Junction City của quân và dân Tây Ninh; về chiến thắng Tua Hai như mở màn cho cao trào đồng khởi ở miền Nam…

Nhìn lại quá khứ, dòng chảy thời gian đã gắn kết các chặng đường lịch sử. Dân tộc ta phải trải qua hàng trăm năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, đã nhất tề đứng dậy chặt hết xích xiềng nô lệ, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, sự hy sinh và những chiến công oanh liệt của các anh mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, mãi mãi được khắc ghi vào bia đá sử vàng và là điểm tựa vĩnh hằng cho thế hệ mai sau.

Những người lính thời trận mạc cũng như những người lính hôm nay, tất cả tuổi thanh xuân của họ đều hiến dâng cho đất nước. Để mỗi độ tháng bảy về, có người cựu chiến binh, một chiều viếng nghĩa trang vẫn hát vang rền khúc quân hành.

Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục