Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đất rẫy bạc ra vì nắng, nông dân cứ phải khoan giếng thật sâu, để bơm lên những dòng nước nhỏ nhoi chẳng thấm tháp chi so với cái khát triền miên của rẫy nương suốt mấy tháng không mưa.
Vâng! Đấy là một ấp của xã Ninh Điền. Xã vừa nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, vừa có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Giữa tháng tư, đất Tây Ninh nắng cháy da người, ở đâu cũng hầm hập nóng giữa trời chang chang. Thì có lẽ ở đất Ninh Điền mới thật là thênh thang gió.
Từ nhiều năm qua, cứ qua sông tới Ninh Điền là đã gặp những cánh đồng khô trắng. Đất rẫy bạc ra vì nắng, nông dân cứ phải khoan giếng thật sâu, để bơm lên những dòng nước nhỏ nhoi chẳng thấm tháp chi so với cái khát triền miên của rẫy nương suốt mấy tháng không mưa.
Kênh qua Bến Cừ và đường 796.
Vậy mà nay dường như đã khác rồi! Sang dự lễ hội Vào năm mới tại chùa Thát Rát, một bác người Khmer kể: - kênh nước đã về Thát Rát từ năm ngoái. Chỉ ra ngoài cổng chùa, rẽ trái qua rừng cao su là thấy. Quả nhiên, chạy xe chừng non cây số đã thấy một dòng kênh chạy song song với con đường 796 ngang qua trước cổng chùa. Đấy mới chỉ là một kênh nhỏ, đắp đất. Đấy là hiệu quả trước mắt của dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Dự án này, theo phóng viên Tường Linh (bài Nông dân đội nắng xuống giống vụ Hè Thu, Báo Tây Ninh ngày 20.4.2024) thì: “tổng chiều dài 117,8 km, dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông cung cấp nước tưới cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu”. Dự án, nay đã thành hiện thực, đã được nói nhiều trên Báo Tây Ninh và các báo Trung ương, địa phương. Nhưng người ta thường chỉ thấy hình ảnh cây cầu vượt qua sông. Và cùng với cầu là tuyến đường ống thép D 2400 ngời trắng- như một con rắn lượn khổng lồ vắt vẻo trườn qua sông, hoặc xuyên qua những rẫy ruộng bạt ngàn cao su và mì, lúa ngát xanh. Nhưng con kênh cụ thể bên bờ Tây sông thì chưa thấy.
Vậy cái dòng kênh mơ ước (có lẽ suốt mấy trăm năm qua) của người dân Ninh Điền đã ở ngay trước mắt ta đây. Mặt nước lặng tờ, leo lẻo trong xanh chỉ rộng chừng 3 mét. Nhưng qua đây, dường như nó hăm hở chạy giữa đôi bờ cao su ngun ngút cao xanh. Hăm hở đến nỗi đất đắp bờ kênh còn chưa kịp phủ đầy cỏ xanh, dù có những bụi cỏ đã nỗ lực vươn dài xuống mép nước.
Viết “mấy trăm năm”, là bởi Ninh Điền, cũng là một thôn làng được lập nên ngay từ thời kỳ cha ông đi mở đất. Sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) viết: “Ninh Điền là thôn thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị”. Như vậy, Ninh Điền cùng với các thôn Hiệp Ninh, Phước Hội, Đôn Thuận… đã có từ ngay sau khi triều Nguyễn lập phủ Tây Ninh (1836). Tính từ thời Thiệu Trị (1841-1847), đến nay, Ninh Điền cũng đã trải qua gần 180 năm lịch sử. Và những dòng kênh còn chưa kịp đặt tên kia, có lẽ là những dòng kênh đầu tiên trên đất Ninh Điền.
Sẽ còn ngạc nhiên hơn, khi tiếp tục chạy theo đường DT 796 thêm gần 2 cây số nữa. Bởi lúc ấy sẽ gặp con kênh lớn hơn- có lẽ là kênh chính đưa dòng nước lòng hồ vượt sông Vàm Cỏ Đông sang. Trên đường cắt ngang kênh có cống điều tiết tại lý trình K 9 + 800. Cống dài 5m40 và rộng 9m. Trên cống có 3 trụ bê tông, vút cao đỡ một sàn bê tông với cầu thang và lan can thép. Leo lên, thấy trước mắt mở ra cả một không gian xanh biếc ngập tràn.
Nhìn ngược lại con đường vừa đi thấy rặng tràm vút cao một bên con đường xa hun hút. Nhìn sang phía thượng nguồn kênh, dòng nước nhẹ uốn một đường cong tuyệt đẹp giữa đôi bờ ngun ngút cao su. Nhìn sang phía hạ nguồn, con kênh đã hăm hở vút xa quá tầm con mắt. Hai bên, nơi thì rẫy mì xanh óng, nơi thì lúa non màu lá mạ lấm tấm xanh. Vuông đất gần với cống nhất lại đang được một bác nông dân đang cắm giàn leo cho những luống dưa leo mới trồng còn đang phủ bạt. Con đường qua cống một đoạn rồi cua “tay áo” một góc vuông, lướt qua một xóm nhà với thấp thoáng mái nhà, cột điện bên những vòm cây trái mượt xanh. Hỏi bác nông dân đang cặm cụi trên ruộng dưa, bác bảo đường ấy chạy tuốt về cửa khẩu Phước Tân. Còn xóm nhà dân ven đường kia chính là Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Ninh Điền.
Ôi chà! Làng thanh niên lập nghiệp là đây ư? Thật là nghe danh đã lâu mà nay mới thấy. Mà, “bác nông dân” ấy thật ra cũng còn trẻ tuổi, bởi anh là một trong 100 hộ dân sinh sống trong làng. Anh là Nguyễn Sĩ Nam, người còn rất nhớ vào ngày 24.5.2010 lên đây nhận đất xây nhà. Mỗi cư dân của làng mới được nhận 1.000 m2 đất khu dân cư, trong đó có 400 m2 đất thổ cư. Đất sản xuất thì một héc-ta mỗi hộ. Thật là quá đỗi gian nan anh ạ! Trầm ngâm bên ly trà, trong ngôi quán trước nhà, anh Nam nhớ lại những chuyện mới đây mà như đã từ xưa. Lập làng giữa vùng đất hạn khô đầy nắng lửa. Nhà nước xây cho mỗi hộ một căn nhà kiểu “tình nghĩa” rộng 36 m2, đến nay nhiều hộ vẫn giữ nguyên như cũ. Đường sá trong làng không có.
Đến năm 2014, ông Nguyễn Thảo- Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên thăm mới quyết đầu tư, móc đất hai bên tôn cao ở giữa làm nền hạ con đường trong làng. Vậy mới có con đường phún đỏ hiện nay. Hai bên là cửa nhà phần nhiều đã được cải tạo mở rộng thêm và trồng các loài cây cho bóng mát. Ruộng thì toàn là nền rừng hoang hoá, biết bao mồ hôi nước mắt đổ ra mới thành những rẫy mì, ruộng lúa ruộng màu như hiện nay.
Làng còn được đầu tư một nhà văn hoá có cả dụng cụ tập thể thao cho người lớn và vài món đồ chơi cầu trượt, xích đu cho trẻ. Lại có cả một trường mẫu giáo hẳn hoi nhưng bỏ hoang kể cũng đã lâu rồi. Nguyên do là không đủ “sĩ số” trẻ em. Gặp một em bé đến mua đồ trong quán. Anh Nam bảo đấy là bé Thát con chị Phương Nga- cũng là một công dân của làng. Hỏi bé, thì cháu trả lời đang học lớp lá. Vậy học ở đâu?- Cha chở đi về mỗi ngày 4 lượt. Vậy lớp ấy ở đâu? Anh Nam trả lời thay:- Nó phải ra mãi ngoài xã, ở Gò Nổi, cách làng tới 15 cây số. Anh Nam cũng cho biết, làng còn nhiều hộ nghèo, nên hộ nào có kinh tế khá hơn thì chủ động tặng thể bảo hiểm y tế cho người nghèo hơn. Làng nghèo nhưng tình người lại không nghèo.
Nói về kênh mương, anh Nam cho biết con kênh cấp 1 qua đây thì dân làng sung sướng quá. Ấy vậy mà mới chỉ thoả mãn được ba phần tư. Vì một số hộ quen trồng mì, con kênh đi qua kênh đất nên thẩm thấu, có nơi làm cho rẫy mì úng làm thối củ. Lại nữa, bản thân anh có hơn 7 công đất chuyển sang sạ lúa Đông Xuân, nhưng chẳng thu hoạch được gì, do lúa phát bệnh “muỗi hành”. Vài công mì còn lại, anh cũng đang tính chuyển đổi sang trồng dưa leo hoặc rau củ quả. Nhưng, nói gì thì nói mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua. Điều gay go nhất làm dân làng không yên tâm là đã 14 năm mà cũng không có một quyết định giao đất nào cho các hộ.
Hy vọng tới đây, các khó khăn, vướng mắc rồi sẽ sớm được gải quyết, để dân cư yên tâm sinh sống làm ăn.
N.Q.V