Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thăng trầm
Thứ hai: 06:06 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đúng là chuyện đời quá thăng trầm. Tôi bảo, dù gì em cũng vẫn nể tính cách của người “biết chuyện” như anh.

Anh ngồi tỉ mẩn cắt cắt gọt gọt từng lớp vỏ của cành nguyệt quế. Nhẹ nhàng, thư thái như sợ cây mẹ thức giấc sẽ nổi trận lôi đình. Cắt xong cành nào, anh lại bôi vào vết cắt một ít vôi. Anh tiếng là bạn của anh tôi nhưng quả thật chúng tôi chỉ quen biết nhau đúng một lần. Lại là lần liên quan tới tiền bạc, giấy tờ.

Cây dao gọt trái cây mỏng đã gãy mất mũi.

Anh bảo, ừ thì bạn nhau hồi trung học, lâu lâu ra đường gặp nhau, cuối năm họp lớp gặp nhau. Chứ ngày thường anh của em làm việc văn phòng, anh là chủ vựa ve chai, chênh nhau như hai thái cực. Uý! Vựa ve chai ư? Em thích nhất mấy cái đèn măng- xông, vài chiếc bánh xe bò đấy. Hàng ve chai rẻ chán, còn mua về trang trí mắc tựa vàng. Anh làm vựa lâu như vậy chắc mấy thứ đó hàng đống. Không khéo làm giàu từ những thứ đồ tưởng như bỏ đi ấy? “Hồi trước cũng được. Đủ ăn đủ để”. Kiểu nói trầm trầm “sao cũng được” ấy mà.

Anh cắt xong mớ cành bên này cây thì xoay lưng qua bên kia cây cắt tiếp. Tấm lưng to bè gù gù đẫm mồ hôi dính vào chiếc áo lao động màu dưa cải. Nhưng người ta bảo “thuyền to sóng lớn” không sai em ạ. Bốn mươi lăm tuổi đời anh ngỡ mình đã vững vàng trên thương trường ai dè vẫn là một chú bé lơ ngơ trong dòng đời luôn cuộn chảy.

Nghe bạn bè bàn, làm ve chai có ăn cũng chỉ là ăn “cò con”, sao không làm thứ gì đó lớn hơn? Mày muốn suốt đời người ta kêu mày bằng “Thằng chủ vựa ve chai” hay “Ông chủ cơ sở sản xuất hạt nhựa?”. Huống gì nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa là từ ve chai mà ra. Bọc ni-lông, vỏ bao diêm ấy. Một vốn bốn lời. Anh êm tai quá. Vựa ve chai vẫn giữ, cốt làm “bàn đạp” cho cơ sở hạt nhựa thôi. Chủ yếu là đến các vựa khác, mua hết bọc ni-lông và bao diêm về.

Bán đứt hai mươi cao đất rẫy ông bà để lại để mua máy sản xuất hạt nhựa. Mất hơn tỷ chứ không ít. Nhựa hạt sản xuất ra ào ào. Thị trường cạnh tranh nhau mua. Có ngày anh nghe điện thoại đến cháy tai vì đơn đặt hàng. Chỉ trong vòng ba tháng, tiền thu vào đã gần nửa chiếc máy bạc tỷ ấy. Nhưng sự đời không mấy khi suôn sẻ cho kẻ thiếu hiểu biết đâu em ạ. Nguyên liệu có thì tiếp theo là chuyện xử lý nước thải.

Trước, ngày giặt vài chục ký bao, bọc bột mì, nước thải không đáng kể, có đổ ra ngấm vào đất cũng tiêu mất. Giờ hằng ngày phải giặt năm ba trăm ký bọc. Nước thải chảy đi đâu? Đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn phải mất hơn tỷ bạc. Anh làm sao có tiền nhiều thế? Loay hoay chưa xong vụ nước thải lại đến bị cúp điện. Máy đang chạy ào ào, đơn hàng ùn ùn. Xe cộ chờ sẵn chở hàng đi. Vậy mà điện cúp cái cụp. Cúp không thông báo, cúp không biết bao giờ có.

Cơ sở hạt nhựa đóng cửa từ đó. Bán lại máy móc cũng không mấy lỗ vì có “đường dây” hết rồi. Vợ anh nản, bảo không làm bà chủ vựa ve chai nữa, hôi hám chết đi được. Người ta cũng cầm tiền tỷ sao thơm tho sành điệu, tôi cũng tiền tỷ mà lem nhem lèm nhèm?

- Vậy tiền đó chị muốn làm gì?

Cho vay tiền góp. Lãi nóng, lãi lạnh, tiền đứng, tiền ngồi. Uy tín từ hồi làm vựa ve chai giờ đem ra. Anh không ý kiến ý cò gì nhé, chứ yên tâm làm xe ôm cho chị là xong. Ba tháng sau, mặt bằng vựa ve chai đã thành quán cà phê võng cho người ta mướn.

Ngoài khoản tiền mặt bằng anh chị còn có “tiền tươi” từ cho vay đáo hạn ngân hàng, tươi ngăn ngắt.

Rồi một dạo anh tìm chồng tôi, gần khuya. Hai người đàn ông ra đường rù rì. Máu nhiều chuyện của đàn bà nổi lên, tôi không nằm trong phòng với cu con mà ra nép vào trụ cổng lén nghe chuyện của hai người.

 - Tấn à, anh biết mày kẹt thật nên mới giấu con Liên mà thế anh cái giấy đỏ. Nhưng nay quá hạn hai tháng rồi. Tiền lời không có, tiền vốn không hẹn, chị mày la tao quá…

- Thông cảm cho em lần nữa đi anh Hiền… tại lúc này em đen quá, chứ đỏ lại thì bảy chục vé có là gì hả anh?

- Tao biết. Đàn ông hết mà. Nhưng tao không có tiền choàng cho mày. Kiếm mày ban ngày thì mày trốn, điện thoại không nghe máy. Cũng không muốn con Liên biết nên mới gặp mày đêm hôm như vầy. Mày mà tính không êm, chị mày tới kiếm con Liên là bể đổ hết!

- Em lạy anh. Anh cứu em lần nữa thôi. Ừm… ngày mai em sẽ cầm cái xe đóng tiền lời cho chị, anh đừng để chị tới tìm vợ em.

“Rầm”.

Tôi chỉ còn nghe tiếng cơ thể mình va vào cánh cổng là đất trời chìm vào tối tăm dù ban nãy bóng đèn ba đũa ở thềm ba vẫn sáng.

Hoá ra chồng tôi cờ bạc “lút trời” mà hai năm nay ở nhà sinh con, tôi hoàn toàn không biết. Cứ an yên cầm tiền chồng đưa còn thêm chút tự hào bởi anh biết thương vợ, thương con. Tờ chứng nhận quyền sử dụng đất bấy lâu trong chiếc tủ thờ mà tôi cứ ngỡ rằng nó vẫn an yên đó, nay không thèm đội nón cũng ra đi rồi.

Sau đó, không chỉ tiền nợ chỗ anh, mà còn nhiều nơi khác đổ bể ra nữa. Nợ cờ bạc nó có ma thật đấy. Sẽ không ai nên nhà nên cửa, nên giàu sang phú quý bằng cờ bạc cả. Tôi năn nỉ anh chị, một là sẽ sang tên luôn giấy đỏ đó cho anh chị “thối tiền” lại, tôi trả người khác. Hai là anh chị thương tình, đừng ngăn cản tôi rao bán khoảnh đất này, khi có người mua họ chồng tiền có mặt anh chị thì anh chị giao lại giấy đỏ cho tôi.

Cuối cùng nợ nần tiền bạc cũng giải quyết xong. Tất nhiên mối nợ duyên của tôi và chồng cũng chấm dứt.

Tôi về tá túc cha mẹ, ngoảnh đi gần mười năm không gặp lại anh.

***

- Rồi sao đang làm ăn tưng bừng vậy mà giờ ra nông nỗi này ạ?

- Không có gì tự nhiên ở đời hết em ơi. Sau đó ba năm, từ những đồng tiền nóng tiền nguội đó, vợ chồng anh cất nhà lầu luôn. Nhưng rồi bị giựt nợ, con gái vướng casino, con trai “đập đá” thành ra chỉ còn túp lều tranh dù không còn quả tim vàng.

- Thì mình làm vựa ve chai lại cũng được mà?

- Đất đai nhà cửa còn đâu nữa. Tài sản phải bán đổ bán tháo lấy tiền chuộc mạng con gái. Thằng con trai cai nghiện hoài không xong… Túp lều ở đậu nhà ông già vợ. Nhưng cuộc đời anh cũng chưa hết gian nan em ạ. Ông già vợ cho mượn năm cao đất, hợp đồng trồng gừng bao tiêu sản phẩm. Hai vụ trước anh cũng kiếm ăn khá, mua được một miếng đất nhỏ. Vụ thứ ba dồn hết tiền bạc và công sức thì… công ty bao tiêu không nhận hàng! Tới ngày thu hoạch, gọi mãi họ cứ hẹn lần hẹn lữa rồi điện thoại ngoài vùng phủ sóng trong vùng phủ chăn...

- Vậy… làm sao với trăm tấn gừng đó?

- Ừ… lớp khô héo, lớp thối mủn ra. Giá chợ chỉ bốn ngàn một ký. Giá thuê nhân công lặt rửa hết ba ngàn. Nhưng của đổ thì hốt thôi. Lớp bán chợ, lớp cho phòng thuốc từ thiện, lớp làm mứt bán…

Tôi bảo, có lẽ mình không nên trách người ta lừa, vì nông dân mình kém hiểu biết nên nó ra vậy anh ạ. Từ nào tới giờ xứ sở tám mươi phần trăm đất nông nghiệp này luôn như vậy, nông dân tự bơi, tự nổi hoặc tự chìm. Nên khi có “ông” nào tới hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì mừng húm mà không biết thâm ý của người ta là để họ “bao trọn gói” thì “tiêu luôn sản phẩm” phải không anh?

Anh gật. Đận đó anh chị mất đứt công sức của bảy tháng trời chăm bón. Thêm hai tháng trời gần như thức trắng để cạo, rửa, cắt, gọt, ngâm, xào… cho ra mấy ngàn hộp mứt gừng nữa.

Rồi ông già vợ thương con gái hơn nửa đời người mà cũng chưa yên nhà yên cửa nên quyết định cho hẳn một cao đất, khuyên con rể nên trồng kiểng. Ông hướng dẫn vườn kiểng mô hình nhỏ- thu nhập lớn của cô chủ ABC mà có lần ông xem qua truyền hình. Bảo anh tới mà mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm.

Rồi tôi và anh nhìn ra nhau.

Đúng là chuyện đời quá thăng trầm. Tôi bảo, dù gì em cũng vẫn nể tính cách của người “biết chuyện” như anh. Phải ngày trước anh chị mà ào ào chửi vợ chồng em đó ha, giờ chắc mình không nói chuyện được với nhau như vầy.

Anh nói, ở đời không phải ai cũng hay cũng tốt nhưng trăm lần tốt cũng có một lần xấu và ngược lại. Anh biết, không có cô vợ nào đồng ý cho chồng lấy tài sản đi cờ bạc hết. Nhưng anh mà không giữ giùm nó, thì biết đâu thằng Tấn sẽ không còn cơ hội lấy lại tờ giấy đỏ đó, bởi số tiền nó mượn có một, mà giá trị khu đất tới gấp ba lần.

Tôi cũng kể anh nghe về những thăng trầm sau ngày ly hôn của mình. Có lẽ nhờ trời thương nên con ngoan và làm ăn ngày càng khấm khá. Vườn kiểng toàn cây đinh lăng và nguyệt quế này chỉ một ngàn mét vuông thôi nhưng hằng năm cũng cho tôi dư vài chục triệu vì thân, lá đinh lăng đều làm thuốc được. Bầu đinh lăng con cũng đắt như tôm tươi. Nguyệt quế thì chiết cành bán cây con, hoa cũng có người thu mua ướp trà.

Tôi nhất quyết không lấy tiền mớ cây giống này. Xem như là tặng anh bước đầu lập nghiệp. Anh lắc đầu quăng mạnh con dao, nói đàn ông sức dài vai rộng sao lại đi nhận quà của phụ nữ?

Tôi bảo, không phải là quà, mà là giúp nhau trong cuộc sống. Ngày xưa anh đã làm người “biết chuyện” để anh em mình còn có ngày nay. Sao bây giờ anh không cho em được làm người tử tế?

Anh tành tạch máy xe chào ra về với mớ thân cây đinh lăng còn đượm mùi đất ướt và không ngớt lời cảm ơn về số cành nguyệt quế mà tôi đã cho anh chiết hôm nay.

Khói xe cay hay mùi đinh lăng đượm quá, cho mắt tôi hoe đỏ thế này…

Đ.P.T.T

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục