Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chợ Long Hoa, huyện Hoà Thành được xem là trung tâm mua bán hàng hoá, giao thương lớn nhất tỉnh, và cũng là một trong những địa điểm tham quan của du khách mỗi khi đến Tây Ninh. Thế nhưng, nhiều năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, ngôi chợ này vẫn chưa thể hoàn thành.
Khu A-B trước đây xây dựng theo mô hình trung tâm thương mại.
Buồn, vui một ngôi chợ truyền thống
Long Hoa là ngôi chợ truyền thống, được xây dựng từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Hình ảnh ngôi chợ có nhà lồng hình chữ thập, chung quanh có 8 cửa, hướng ra tám con đường trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, giống như bát quái đồ đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ người dân Tây Ninh, cũng như hàng triệu lượt du khách từng đặt chân đến đây suốt nửa thế kỷ trước.
Với mong muốn biến chợ Long Hoa thành trung tâm thương mại (TTTM) năm 2002, chính quyền có chủ trương phá bỏ ngôi chợ cũ để nhà đầu tư thực hiện dự án xây lại chợ bằng phương thức BOT, theo một lối kiến trúc mới là Trung tâm thương mại tại khu A-B. Tuy nhiên, mô hình TTTM lại không đạt được hiệu quả như mong muốn của các nhà đầu tư vì không phù hợp với thói quen kinh doanh chợ truyền thống của người dân địa phương.
Tại khu A-B, chỉ có tầng hầm và tầng trệt có tiểu thương kinh doanh, còn lại tầng 2 gần như hàng chục năm qua bỏ trống. Cũng chính vì lý do này nên khu C-D không được tiếp tục xây dựng, mục đích đưa chợ Long Hoa trở thành TTTM đã bị “phá sản”.
Anh Nguyễn Minh Tâm, ngụ khu 2, thị trấn huyện Hoà Thành cho biết, khu A-B không khai thác hết công năng vì thói quen của người dân đi chợ truyền thống, ít ai muốn leo lên lầu. Chợ truyền thống cần không gian mua bán thông thoáng chứ không phải như mô hình khu A-B hiện nay. Chính vì vậy mà tiểu thương không đăng ký kinh doanh ở tầng 2 là điều không quá khó hiểu.
Theo anh Tâm, là người dân địa phương, anh cảm thấy khá buồn vì hàng chục năm qua ngôi chợ này dang dở. Khu C-D trở thành chợ tạm cho tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nông sản trông rất nhếch nhác, chẳng khác gì chợ nông thôn. Cách đây khoảng 7-8 năm, người dân địa phương vui mừng khi thấy nhà đầu tư đến làm lễ khởi công xây dựng khá hoành tráng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, nhà đầu tư này chỉ xây dựng được vài hạng mục rồi xảy ra nhiều vấn đề, nên khu C-D vẫn cứ là chợ tạm.
Giờ thì người dân địa phương phấn khởi thật sự vì đã có nhà đầu tư xây dựng chợ Long Hoa theo dáng hình năm xưa- vốn là biểu tượng của huyện Hoà Thành. Khu C-D đã hoàn thành, không chỉ anh Tâm, mà nhiều người khác mong muốn khu A-B tiếp tục sớm được triển khai, tái hiện ngôi chợ “bát quái đồ” năm xưa.
Cần sớm hoàn thành mảnh ghép còn lại
Sau khi hoàn thành, khu C-D chợ Long Hoa được đưa vào sử dụng. Chính quyền huyện Hoà Thành, nhà đầu tư luôn mong muốn tạo sự thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, do vẫn còn một ít vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp, bố trí vị trí bán cho các tiểu thương, nên hiện tại việc kinh doanh tại khu C-D vẫn chưa vào quy củ. Trong đó có tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, lề đường diễn ra từ cửa 3 đến cửa 7, khiến người dân địa phương bức xúc.
Chính quyền huyện Hoà Thành đã tổ chức nhiều đợt ra quân chấn chỉnh tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh khu vực C-D. Nhà đầu tư đưa ra giải pháp bố trí nơi bán tạm cho tiểu thương bên trong khuôn viên chợ. Ðến nay, tình hình trên đã giảm bớt rất nhiều. Vấn đề đặt ra lúc này là, bao giờ khu A-B được xây dựng để hoàn thành hình dáng ngôi chợ năm xưa?
Anh Nguyễn Văn Thảo, ngụ ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc cho rằng, theo thông tin mà anh nghe được, có một số tiểu thương tại khu A-B không muốn di dời ra ngoài để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng theo kế hoạch đề ra. Có thể những tiểu thương này không muốn ảnh hưởng đến quyền lợi, nhưng anh hy vọng họ nên vì cái chung của huyện, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thi công. Hơn nữa, Hoà Thành sắp trở thành thị xã, việc ngôi chợ xây dựng dang dở, rõ ràng là điều không phù hợp.
Một tiểu thương kinh doanh ở khu A-B chợ Long Hoa (đề nghị không nêu tên) cũng có ý kiến, việc khu C-D đã hoàn thành, còn khu A-B chưa thể xây dựng, không khác gì hình ảnh một cô gái mặc áo dài truyền thống với… quần bò. Ông nhận thấy, việc triển khai xây dựng lại ngôi chợ Long Hoa theo mô hình chợ truyền thống phải được triển khai sớm chứ không phải đợi đến ngày hôm nay.
Khu C-D xây dựng theo mô hình chợ truyền thống.
Theo tiểu thương này, nên chăng các tiểu thương kinh doanh trong khu A-B hy sinh một chút quyền lợi của mình để góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Tuy nhiên, để các tiểu thương yên tâm, nhà đầu tư cần đưa ra giải pháp thiết thực, làm sao để bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương khi bàn giao mặt bằng ra kinh doanh tại khu vực tạm, nhất là việc bố trí lại vị trí kinh doanh cho tiểu thương khi hoàn thành khu A-B.
Theo đại diện Công ty cổ phần phát triển đô thị Tây Ninh- chủ đầu tư xây dựng chợ Long Hoa, có thể trong quá trình bàn giao mặt bằng để tháo dỡ xây dựng khu A-B, hơn 400 tiểu thương đang kinh doanh ổn định sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nhà đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tiểu thương, bố trí vị trí tạm để buôn bán trong quá trình xây dựng.
Khi xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư sẽ có những chính sách ưu đãi cho các tiểu thương cũ như giảm giá cho thuê mặt bằng 30%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chiết khấu từ 10% đến 15% đối với tiểu thương trả tiền thuê mặt bằng một lần 30 năm, cũng như có nhiều hình thức để tiểu thương trả tiền thuê mặt bằng.
Song song đó, việc bố trí vị trí kinh doanh sẽ được công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương với phương châm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tiểu thương an tâm với việc kinh doanh của mình tại chợ.
Ðược biết, thời gian qua, chính quyền huyện Hoà Thành cùng nhà đầu tư đã nỗ lực vận động, đối thoại với các tiểu thương khu A-B để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công khu A-B.
Hy vọng vì sự phát triển chung của thị xã Hoà Thành tương lai, tiểu thương và nhà đầu tư sẽ tìm được tiếng nói chung để mảnh ghép còn lại của chợ Long Hoa hoàn thành theo dự kiến.
THIÊN TÂM