Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng không thể thiếu trong hệ thống giao thông. Ở Tây Ninh, toàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh hoạt động hằng ngày với hơn 80 đầu xe. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là, xe buýt vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong khi hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng được nâng cấp đồng bộ.
Xe buýt hoạt động các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh phần lớn đã cũ.
Khó khăn chồng chất
Trao đổi với một giám đốc hợp tác xã vận tải có 2 tuyến xe buýt được xem là “ăn nên, làm ra”, vị này cho biết, gần như các HTX xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh đang hoạt động đều gặp nhiều khó khăn. Nhiều tuyến xe buýt, chủ xe đang cố gắng cầm cự mà không biết trước tương lai như thế nào.
Theo người này, cần phải nhìn nhận, phần lớn xe buýt Tây Ninh đã cũ kỹ, các tuyến đường chạy chủ yếu là quốc lộ, tỉnh lộ lớn có lượng khách còn nhu cầu. Một số tuyến đi đến các huyện, do nhu cầu của khách không nhiều, các HTX không dám xin mở tuyến; có tuyến xe buýt “ế khách”, buộc phải dừng hoạt động (tuyến thành phố Tây Ninh - Mộc Bài).
Bên cạnh đó, một vấn đề mà các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang bức xúc là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa xe buýt và “xe dù”. Một chủ xe buýt hoạt động tuyến TP. Tây Ninh - Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, số lượng hành khách đi xe buýt đã không nhiều, dọc theo tuyến đường còn bị “xe dù” cạnh tranh rước khách bất kể cự ly, nhu cầu của hành khách đi xa hay gần. Có nhiều ngày xe buýt xuất bến chạy hết tuyến chẳng được bao nhiêu khách, chủ xe phải chịu lỗ chi phí.
Phần lớn các chủ xe buýt đều thừa nhận, nếu muốn xe buýt phát triển, thu hút người dân, cần phải thay đổi phương tiện mới, nhưng đa số chủ xe không có điều kiện thay đổi phương tiện. Mặt khác, khi xe buýt thay đổi phương tiện, cũng cần tính đến việc mở thêm tuyến mới trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại. Song song đó, cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết xử lý dứt điểm hoạt động của “xe dù”. Có như thế mới tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động thuận lợi và phát triển lâu dài.
Thay đổi phương tiện - bài toán khó
Theo những hành khách thường xuyên đi xe buýt, giá vé hiện nay là phù hợp nhưng về chất lượng, hầu hết phương tiện này đã quá cũ kỹ. Chưa kể việc, hành khách phải ngồi cùng các loại hàng hoá được gửi theo xe, không ít loại bốc mùi hôi, gây khó chịu.
Anh Nguyễn Văn Trung- một cán bộ công tác ở huyện Tân Châu cho biết, do nhà ở thị xã Hoà Thành, anh thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm. Tuy nhiên theo anh Trung, việc ngày càng ít khách đi xe buýt không phải do cung cách phục vụ của nhân viên mà là phương tiện đã cũ, không có máy lạnh, có tài xế xe buýt “chạt ẩu” gây tâm lý bất an cho hành khách…
Một chủ xe buýt tuyến Tây Ninh - Củ Chi nhìn nhận, phần lớn những người đi xe là khách quen như công chức, nhân viên đi làm ở các huyện, thị xã xa thành phố, những người đi mua bán… còn khách vãng lai chẳng được bao nhiêu. Theo chủ xe buýt này, có một thực tế khách quan là, nhiều người dân Tây Ninh thích đi lại bằng xe mô tô, chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng được đánh giá là an toàn này.
Nói về việc thay mới phương tiện, một giám đốc HTX xe buýt cho rằng, các thành viên HTX đều nhận thấy phương tiện xe buýt đang hoạt động đã quá cũ, nếu không thay đổi, khó thu hút được hành khách. Tuy nhiên, các chủ xe buýt đều rất khó khăn về vốn do kinh doanh không thuận lợi trong thời gian dài nên họ gần như không có điều kiện thay đổi xe.
Xe buýt đã xuất bến nhưng trên xe chỉ có vài hành khách.
Theo vị giám đốc trên, vừa qua ngành GTVT tỉnh có cuộc họp với các đơn vị kinh doanh xe buýt, bàn về việc hỗ trợ thay đổi phương tiện nhằm phục vụ hành khách tốt hơn. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ phần lãi vay cho các chủ xe để thay mới xe buýt. Ðây là điều đáng mừng.
Thế nhưng, khó là ở chỗ, dù Nhà nước hỗ trợ lãi vay, chủ phương tiện cần có 30% vốn để mua xe, rồi vay ngân hàng 70%. Với số vốn thay đổi phương tiện 30% ban đầu, không phải chủ xe nào cũng có điều kiện để mua xe mới. Chưa kể, chủ xe phải chịu áp lực về số tiền góp hằng tháng cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, phải đồng loạt thay đổi phương tiện để tạo sự công bằng, bởi người mua xe mới sẽ bị thiệt thòi do hằng tháng phải đóng tiền vay. Việc thay đổi phương tiện để thu hút hành khách cũng không phát huy hiệu quả khi xe cũ, xe mới cùng hoạt động một tuyến. Việc yêu cầu các thành viên đồng loạt đổi mới phương tiện e rằng không dễ, vì hợp tác xã không có quyền bắt buộc các thành viên phải thực hiện.
Trước thực tế khó khăn đó, hợp tác xã sẽ có văn bản gửi ngành GTVT xem xét trước khi có chính sách hỗ trợ- vị giám đốc cho biết.
Xe buýt là loại phương tiện cần được phát triển theo hướng văn minh, hiện đại để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực phương tiện cá nhân cho hạ tầng giao thông đường bộ. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng hy vọng ngành GTVT tỉnh sẽ có những giải pháp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt hoạt động.
Thế Nhân