Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép
Tháng tư, nhớ miền đất thánh Tân Biên
Thứ hai: 00:06 ngày 25/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu mùa khô 1966-1967 đến Mậu Thân 1968, Tân Biên làm cho “Mỹ cút”, thì đến chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4.1972 lại làm cho “nguỵ nhào” trên miền đất được mệnh danh là thánh địa của cách mạng miền Nam những năm chống Mỹ.

Ký hoạ Võ Đồng Minh

Vâng! Tháng 4.2022 này tôi nhớ Tân Biên. Vì đọc lại những trang sử tỉnh nhà thì thấy người Tây Ninh cần nhớ ơn miền đất này nhiều lắm. Như trong tháng 4 này, là vừa đúng 50 năm sau chiến thắng của chiến dịch Nguyễn Huệ trên miền đất Tân Biên đầy nắng. Những tên làng tên đất của Tân Biên được lịch sử gọi tên, như Trại Bí, Thiện Ngôn, Xa Mát, Cần Đăng…

Ngày 7.4, VTV đưa tin, tỉnh Bình Phước kề bên Tây Ninh có buổi lễ kỷ niệm long trọng lắm, vừa là kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Lộc Ninh, vừa trao bằng công nhận huyện nông thôn mới cho Lộc Ninh. Bởi ngày 7.4.1972, ta đã giải phóng hoàn toàn một huyện; đồng thời “giải phóng khu vực Bình Long, Phước Long và một số vùng đệm ở Tây Ninh và Bình Dương, tạo thế đứng chân đưa chủ lực Miền từ ngoài biên giới về Nam bộ, phối hợp với các hướng tiến công chiến lược khác, thu hút và ghìm chân quân chủ lực Sài Gòn, tạo điều kiện cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nổi dậy đánh phá bình định…” (Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập VII, Nxb Chính trị Quốc gia, 2013). Nhiệm vụ của chiến dịch Nguyễn Huệ đã hoàn thành. Cả một vùng đất biên giới Tây Nam đã về tay cách mạng. Tuyến đường Trường Sơn được nối dài về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Nhưng có mấy ai còn nhớ đến vai trò thật sự của huyện biên giới Tân Biên trong chiến dịch quan trọng Xuân-Hè 1972.

Sử Tân Biên (viết tắt từ cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Tân Biên 1945-2020, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2021) viết về chiến dịch này dường như còn thiếu sót, khi chỉ mô tả chiến thắng kể từ ngày 8.4.1972. Sách viết: “Quyết chiến điểm của chiến dịch là Xa Mát - Thiện Ngôn - Cần Đăng, ngày 8.4.1972, quân chủ lực của ta mở đợt tiến công vào khu vực đường 22 và đường số 4, tiêu diệt và bức rút 10 cụm chốt địch.

Chiến đoàn 49 Sư đoàn 25 nguỵ, Trung đoàn thiết giáp 10, tiểu đoàn biệt động quân 73 ở Xa Mát - Thiện Ngôn - Cần Đăng, Trại Bí - Vịnh; chiến đoàn 50 và các đơn vị lực lượng khác trên đường số 4 ở khu vực Kà Tum, Bổ Túc - Đồng Pan phải bỏ chạy. Bọn địch ở Bàu Cỏ, Cầu Vịnh cũng rút chạy. Toàn bộ các cụm chốt trong vùng căn cứ đều do ta làm chủ hoàn toàn, từ đó mở ra hành lang giải phóng rộng lớn nối liền từ tây bắc sang đông nam của tỉnh Tây Ninh…”.

Tôi cứ băn khoăn khi đọc đoạn này! Chiến dịch Nguyễn Huệ tại Tân Biên kể từ ngày 8.4, sau khi huyện Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng. Là vì tôi đã sưu tầm được chùm tranh ký hoạ của hoạ sĩ Võ Đồng Minh vẽ trong kháng chiến.

Trong số này, có bức ký hoạ cảnh xe pháo của địch cháy và bỏ lại ngổn ngang tại Thiện Ngôn ngày 30.3.1972. Hoạ sĩ tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ. Ông không bỏ sót một chiến dịch lớn nào diễn ra trên đất Tây Ninh.

Tất cả được ghi lại bằng bút chì hay màu nước. Hiện ông vẫn còn sống ở ngay thị trấn Tân Biên và ngày đêm vẫn vẽ tranh, nhiều bức là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cỡ lớn. Tôi hỏi lại và ông khẳng định, ngày ghi trên tranh luôn chính xác, vì ông rất có ý thức về lịch sử, ngay từ những ngày đầu tham gia Tổ Hội hoạ giải phóng của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục từ thập niên 60 của thế kỷ 20.

Đã tìm được lời giải đáp rồi đây! Khi dò tìm trong cuốn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập VII (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2013). Thì ra là đây, khi sách viết: “Chiến dịch Nguyễn Huệ được mở đầu bằng đợt hoạt động nhỏ và vừa trên hướng thứ yếu Tây Ninh.

4 giờ sáng ngày 1.4.1972, Đoàn C30 (một tổ chức thành lập lâm thời gồm 2 trung đoàn bộ binh (24, 271), 2 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội xe thiết giáp) bắt đầu nổ súng vào khu vực phòng thủ của chiến đoàn 48 quân đội Sài Gòn tại Xa Mát, Bàu Dung, Thiện Ngôn.

Đây là hoạt động nhằm nghi binh, tạo thế cho chiến dịch… Sau khi đánh chiếm Xa Mát, Bàu Dung, Đoàn C30 mở các trận tiến công nhằm vào các đơn vị thuộc chiến đoàn 48 ở bắc Thiện Ngôn, đập vỡ tuyến phòng thủ của đối phương ở khu vực đường 22 và khu vực Bình Dương, gây tâm lý hoang mang cho quân đội Sài Gòn, tạo niềm tin tưởng, phấn khởi cho bộ đội ta ở miền Đông Nam bộ…” (trang 122).

Chỉ là “hướng thứ yếu” thôi, mà quân ta đã có cả các đơn vị bộ binh, đặc công… và đặc biệt nhất là cả “một đại đội xe thiết giáp”. Đây là lần đầu, xe tăng và thiết giáp của Quân giải phóng xuất hiện trên chiến trường Nam bộ. Những địa danh Tây Ninh được nhắc nhiều là Xa Mát, Thiện Ngôn, Cần Đăng, Trại Bí, Kà Tum, Bổ Túc, Đồng Pan…

Xa Mát ngày nay là cửa khẩu quốc tế với những mái nhọn nhấp nhô kiểu mái nhà dân gian truyền thống. Xe tải, container xếp hàng dài lũ lượt lại qua. Sân bay dã chiến của Mỹ tại Thiện Ngôn năm xưa, nay nổi bật khu nhà của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Ngay bên cạnh chợ huyện Tân Biên là cầu Cần Đăng bắc qua suối Cần Đăng đôi bờ bạt ngàn tre xanh. Thị trấn Tân Biên đang hối hả thi công công viên bên bờ suối Cần Đăng, hứa hẹn một cảnh quan tuyệt vời cho con người ở Thị trấn một vùng quê biên giới. Về tới Trại Bí bên quốc lộ 22, thấp thoáng xa bên trong là những trụ tượng đài Tổ quốc ghi công. Biết bao liệt sĩ của cả nước còn nằm lại nơi đây, trong các nghĩa trang trải rộng bên đường.

Kà Tum, Đồng Pan nay đã thuộc về huyện mới Tân Châu sau năm 1989 chia tách Tân Biên làm hai huyện. Kà Tum trở lại là vùng thị tứ đông vui, tấp nập bán mua từ rất lâu rồi. Còn ngã tư Đồng Pan, nay sừng sững một tượng đài chiến thắng Junction City trong mùa khô 1966-1967.

Ngắm tượng đài, lại nhớ những địa danh Tân Biên đã vang như sấm rền trong mùa khô đầu năm 1967. Là những: Sóc Mới, Rùm Đuôn, An Khắc, Bảy Bàu, Suối Mây, Suối Ky, Tà Đạt... hay Xóm Giữa, Hoà Hiệp, Lò Gò, Tà Xia trên lộ 20. Tất cả đều thuộc về Tân Biên ta đấy.

Nếu mùa khô 1966-1967 đến Mậu Thân 1968, Tân Biên làm cho “Mỹ cút”, thì đến chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4.1972 lại làm cho “nguỵ nhào” trên miền đất được mệnh danh là thánh địa của cách mạng miền Nam những năm chống Mỹ.

Di tích Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại trảng A Lân (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Như vậy là chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn tại Tân Biên với các “hoạt động nhỏ và vừa trên hướng thứ yếu Tây Ninh” chỉ là để “nghi binh”. Để tới ngày 5.4, trên hướng chủ yếu là đường 13- Bình Long, Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh đã nổ súng tấn công cụm cứ điểm Lộc Ninh.

Sau 4 ngày liên tục vây ép tấn công với cả sự tham gia lần đầu của đại đội 10 xe tăng Quân giải phóng, đến ngày 8.4 các lực lượng tham gia chiến dịch đã đập tan cụm cứ điểm quan trọng của quân nguỵ trong hệ thống phòng ngự phía Bắc Sài Gòn.

Huyện Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Cũng ngày này, sau khi tiêu diệt và bức rút 10 cụm chốt địch trên 2 lộ 22 và lộ 4 (nay là quốc lộ 22B và đường 785) thì “trên thực tế, ta đã hoàn toàn làm chủ huyện Tân Biên. Trung ương Cục giao lại Tân Biên cho Tỉnh uỷ Tây Ninh quản lý...”.

Trên toàn địa bàn, chỉ còn lại một ấp chiến lược Mỏ Công do địch kiểm soát. Phải đến tận ngày 23.3.1975, sau một trận tiến công quyết liệt của các lực lượng vũ trang huyện và sự hỗ trợ của Ðoàn 180- đơn vị chiến đấu, bảo vệ cơ quan và căn cứ Trung ương Cục miền Nam- thì ta mới hoàn toàn quét sạch giặc ra khỏi ấp chiến lược Mỏ Công và suối Ông Đình. Tân Biên lúc ấy mới trở thành huyện đầu tiên của Tây Ninh tự giải phóng trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30.4.1975.

Tháng 4 về. Phượng đỏ rực trên các tán cây khắp làng quê hay hè phố. Chẳng phải riêng tôi mà vô số người lại nao nao nỗi nhớ. Nhớ Tân Biên, miền đất phía Tây Bắc Tây Ninh có những cánh rừng già chở che các khu căn cứ địa.

Rừng Chàng Riệc là căn cứ Trung ương Cục, là Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Miền, có rất nhiều các nhà bia ghi dấu một thời nếm mật nằm gai, bám trụ giữa rừng kháng chiến. Bên cạnh đó, trong Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và khu vực phụ cận còn có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, đang được bảo tồn, tôn tạo phục vụ tham quan du lịch và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, điển hình như: Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Ban An Ninh Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Giải phóng miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng...

Ngay cả tổ Hội hoạ giải phóng với những hoạ sĩ danh tiếng như Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu... và có cả hoạ sĩ Tân Biên là Võ Đồng Minh cũng có một mái đá nhỏ làm nơi kỷ niệm. Ai cũng muốn giữ một phần ký ức tuổi trẻ cao đẹp nhất của đời mình dưới bóng những tán rừng Tân Biên nay đã trở lại thâm u và tĩnh lặng.

Có một dòng người lặng lẽ hơn, và thường đi theo từng nhóm nhỏ gia đình. Đấy là thân nhân các liệt sĩ còn nằm lại ở nghĩa trang Đồi 82 và nghĩa trang liệt sĩ ngành Giao bưu-Thông tin R. Họ bày biện hoa trái trước từng ngôi mộ và thắp nhang tưởng nhớ.

Tôi thì nhớ, rằng không còn nhiều hố bom trong các khu rừng căn cứ. Nắng mưa đã làm cho đất rừng liền lạc lại như xưa. Và trên từng lối mòn, hay bờ chiến hào di tích cũ, tất cả ngời sáng một sắc rêu xanh vĩnh viễn và muôn thuở. Cả những chùm lá trung quân nữa! Lá đã lợp mái nhà thì ngả sang màu đồng đỏ. Lá trên cành như những bàn tay người mềm mại mát xanh. Dường như những màu sắc, dáng hình này chỉ còn thấy ở rừng căn cứ địa Tân Biên.

Nguyễn Quốc Việt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục