Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tất cả doanh nghiệp đều muốn lãi suất cho vay giảm thêm. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, nợ xấu đã góp phần neo không cho lãi suất giảm hơn.
Dù không muốn nhưng chúng ta đang phải nuôi nợ xấu thông qua mức lãi suất cho vay còn cao.
Cho đến nay, việc xử lý nợ xấu vẫn được xem là việc riêng của ngân hàng, ai gây ra người đó phải dọn dẹp. Cũng có ý kiến lo ngại giải quyết nợ xấu không khéo sẽ “hợp thức hóa” những sai phạm.
Nhưng vốn nằm trong nợ xấu không sinh lợi, do phải trả lãi cho người gửi tiền, ngân hàng buộc tăng lãi cho vay để bù đắp, tất cả tính vào giá hàng hóa - dịch vụ và người tiêu dùng gánh chịu.
Nợ xấu đang làm chậm đà phát triển của nền kinh tế. Những năm qua ngân hàng đã cố gắng xử lý nhưng kết quả không như mong đợi vì thiếu cơ chế.
Giải quyết nợ xấu, nhiều ý kiến yêu cầu không được dùng tiền thuế của dân, “phải bắt người gây ra thu dọn”... Thực tế, ngân hàng cũng tự xử lý nợ xấu, nhưng nếu chỉ trông vào cách này thì nợ xấu vẫn còn đó, lãi suất vẫn cao.
Thật ra nợ xấu không có nghĩa là mất hết vốn, chỉ là tạm thời tài sản không sinh lời. Như doanh nghiệp vay làm bất động sản không trả được nợ, bị đưa vào nợ xấu, nếu có cơ chế khai thác, xã hội có thêm nhà ở, vốn chết lại quay vòng qua đó giảm được lãi suất...
Đó là mục tiêu của xử lý nợ xấu và làm được thế không chỉ ngân hàng mà cả xã hội cũng nhẹ nợ.
Để có thể “nhóm lửa” nhằm giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn, không thể đánh đồng việc cần có cơ chế thúc đẩy xử lý nợ với “cho qua” những sai phạm của ngân hàng. Cũng đừng vì những cán bộ làm sai mà lạnh nhạt giải quyết nợ xấu.
Phải công bằng với nợ xấu. Bởi nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan, như thay đổi chính sách, thiên tai... chứ không chỉ do tiêu cực. Nợ xấu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, giải quyết nợ xấu là vì nền kinh tế, trong đó có ngân hàng.
Do vậy phải dọn nợ xấu, tất cả sai phạm dẫn đến nợ xấu phải được xử lý nghiêm khắc đúng với tính chất vi phạm. Muốn vậy, phải rõ ràng, rạch ròi.
Nợ xấu phát sinh trong làm ăn cũng như đời sống con người, tùy vào hoàn cảnh, thời tiết, ở lâu trong nhà cũng sinh ra rác, nhẹ thì bụi bặm, nặng thì rác chất đống. Có loại rác tự nhiên sinh ra, có loại do sống không ngăn nắp.
Và có loại rác gây ra do cố ý phá phách. Với loại rác này, rồi cũng phải dọn nhưng phải trừng trị kẻ đã cố tình tạo ra rác.
Để chấm dứt cảnh “nợ xấu là chuyện của ngân hàng”, điều quan trọng nhất vẫn là kiểm soát nợ xấu phát sinh.
Chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng đã từng mời công an làm rõ những sai phạm dẫn đến nợ xấu ở một số chi nhánh và việc làm này là để thực hiện nguyên tắc “3 không” với cán bộ ngân hàng, đó là “không muốn, không dám và không thể” tiêu cực để trục lợi.
Bên cạnh ngăn tiêu cực, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định sẽ thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, quan trọng nhất là ổn định chính sách vĩ mô.
Nợ xấu phải được dọn, nếu có thêm được thanh gươm sắc để ngăn nợ xấu, đó là điều mà mọi doanh nghiệp, ngân hàng đều trông đợi.
Nguồn TTO