Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thanh Ðiền nước biếc non xanh (tiếp theo và hết)
Thứ tư: 00:56 ngày 25/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dẫu sao, câu chuyện Thanh Ðiền với các trầm tích cổ từ ngàn năm trước vẫn còn xa lạ với số đông người. Còn trước mắt, hôm nay, ai cũng thấy hiển hiện một Thanh Ðiền nước biếc, đồng xanh óng ả.

Nuôi vịt chạy sông ở cầu Gò Chai, xã Thanh Ðiền.

Nếu như cùng ở trên một tuyến đường tránh của quốc lộ 22B, bên này cầu Hiệp Hoà thuộc khu phố Hiệp Tân, đất ruộng vẫn lỗ chỗ nơi sen, nơi lúa và xen vào những thửa ruộng rau nhút lấm tấm hoa vàng thì sang đến Thanh Ðiền ruộng trũng hai bên chỉ toàn sen với lúa, sen hồng và sen trắng xúm xít chen nhau.

Ðồng lúa Hè Thu đang độ xanh óng ả giữa trưa tháng sáu. Sen ở bên đường thuộc ấp Thanh Phước nay đã không còn nguyên bản địa nữa, mà có thêm giống sen trắng bông to lạ lẫm từ nơi khác nhập về.

Nhưng chớ lo! Bạn chỉ cần qua ngã tư Thanh Ðiền, rẽ trái vào đường 786 vài trăm mét thôi là thấy lại những ruộng sen nguyên bản gốc Thanh Ðiền. Ðấy là nơi được gọi là đồng Bà Lưu ở bên trái con đường. Còn bên phải là khu ao bàu mang cái tên Bàu Cá Trê nổi danh từ thời kỳ đầu kháng chiến.

Ðồng Bà Lưu được ghi nhận trong sách Lược sử Tây Ninh (1985) với địa danh phủ cũ Thanh Ðiền, có từ thời vua Chân Lạp Nặc Ông Chân còn cai trị (thế kỷ XVII). Còn bàu Cá Trê là nơi diễn ra trận đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Tây Ninh đánh thắng quân xâm lược Pháp, ngay sau khi chúng vừa tái chiếm Tây Ninh (11.1945).

Chuyện lịch sử xin trở lại sau. Còn trước mắt người qua đường 786 hôm nay, sen đồng Bà Lưu đang giữa mùa rộ nở, dâng lên làn hương tinh khiết. Ôi, chà! Cả một đầm sen rộng vài ngàn mét vuông, chỉ thuần một loại sen hồng rập rờn trong gió.

Nhưng nếu bạn muốn tìm một thứ sen thuần chủng, lộng lẫy huy hoàng hơn thì phải tìm vào sâu trong ấp Thanh Trung, nơi có những địa danh như Rỗng Trâu, lung Gia Gòn, kênh 10… cập bên mé sông Vàm Cỏ Ðông. Ðất trũng lung lầy, bưng hoang lại thường được phù sa sông Vàm bồi đắp, đã tạo nên một loài sen hoang, hồng thắm, bông to như cái rá con mà vẫn giữ nguyên vẻ đài các dịu dàng của nồng nàn sen Việt.

Sau sen là lúa. Lúa trên trục quốc lộ 22 ngang qua xã. Lúa bên trục đường 786 từ ngã tư Thanh Ðiền ra tới bến Gò Chai. Lúa trên trục đường từ 786 vào cổ miếu Gia Gòn… Ai mà quên cho được những thảm lúa xanh mênh mông trải tràn trên các ấp Thanh Ðông, Thanh Trung từ đường ra tới rạch Tây Ninh.

Ngày đẹp trời còn thấy cả pho tượng Phật Bà chùa Gò Kén trắng muốt nổi trên cánh đồng, càng làm bật lên cái màu tươi non của lúa thì con gái. Làm sao quên được cái hương lúa nồng nàn khi ta đi viếng miếu Bà Thánh mẫu Gia Gòn. Ðường vào miếu hơn 2 cây số, nay đã trải nhựa khang trang, lại còn uốn lượn dịu dàng giữa thôn xóm, ruộng rẫy và cả những khoảng lung lầy hoang hoá.

Có được đồng xanh, “non” xanh ấy là Thanh Ðiền nhờ nước. Vùng đất có 2 con sông bao bọc. Phía Nam có sông Vàm Cỏ Ðông, phía Tây là rạch Tây Ninh, chạy dài theo khắp đất Thanh Ðiền. Ấy thế mà, vào mùa “nước kiệt” thì một số khu vực đất cao vẫn thiếu nước.

Từ khoảng sau năm 1985, Thanh Ðiền có thêm một nguồn quan trọng: kênh TN17 nối tới kênh Tây dẫn nước lòng hồ Dầu Tiếng. Vậy nên, dù giữa mùa khô nóng, nước sông Vàm có lúc hạ xuống nước 0,2m cao trình, thì Thanh Ðiền vẫn miên man một nguồn nước trong lành.

Nước chảy qua những ấp cao như Thanh Hùng, Thanh Hoà, Thanh Sơn, cắt qua cả đường 786 mà tới Thanh Phước, Thanh Ðông, Thanh Trung tràn trề những cánh đồng sen súng. Có nước, có màu xanh tràn trề của đất, người Thanh Ðiền thoải mái chăn nuôi, từ bò, dê, vịt, cá… con gì cũng “thắng”.

Gần đây có thêm nghề nuôi chim yến. Trên những phần gò còn lại giữa cái ao lấy đất ngày trước và rạch Tây Ninh, có người xây tới 4 cái nhà 4-5 lầu cao để yến về làm tổ. Giữa không gian “nước biếc non xanh” ấy, chim tha hồ vẫy vùng mà chẳng ảnh hưởng đến ai.

Là địa bàn vùng ven, giáp trung tâm thành phố Tây Ninh, người Thanh Ðiền không chỉ tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương suốt hai mùa kháng chiến, mà còn tự hào về công lao của nhiều thế hệ cha ông đi mở đất, khai phá và xây nên non nước Thanh Ðiền.

Sách 30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng có đoạn: “Rừng tre dài trên 3km, người xưa đã phá đá mở đường giao lưu với thị xã, gọi là “Truông Tre”, hiện nay là lộ số 7”. Thì ra đường 786 nay từ ngã ba quốc tế xuyên qua Thanh Ðiền, mịn êm mặt bê tông nhựa, đưa ta sang cửa khẩu Mộc Bài chính là Truông Tre của ngày chưa xa lắm. Chưa xa, bởi tới năm 1919, Thống đốc Nam kỳ mới có nghị định đầu tiên xếp hạng đường làng.

Trong đó có lộ 7- đường Thanh Ðiền dài 5km (theo "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ", Nguyễn Ðình Tư, 2017). Công trình duy nhất còn lưu lại tên Truông Tre chính là chùa Hạnh Lâm, ấp Thanh Thuận ngày nay.

Cũng sách trên đã ghi lại ký ức về rừng Thanh Ðiền thuở trước. Ðấy là “Thuở xa xưa, hầu hết đất Thanh Ðiền là rừng già, đầm sình, rừng tràm, rừng chồi, rừng tre và lau sậy… Rừng có nhiều gỗ quý như cẩm lai, cà chát, gõ, mun, sao, sến, huỷnh, liêm, chò, dầu… các loại”.

Vẫn thiếu, bởi sách còn chưa kể cây Mít Mọi, mà ông chủ nhà 72 tuổi có gò Mít Mọi nói, từ ngày bé ông đã thấy cây. Ông tả, cây rất cao, nên đi qua Mít Một (nay là thành phố Tây Ninh) vẫn còn nhìn thấy. Dấu tích rừng xưa nay chỉ còn ở một khoảnh rừng rộng hơn 1 ha ở ấp Thanh Thuận, mà Hội Ðông y mượn làm nơi gây giống vài loại cây thảo dược quý giá của rừng.

Rừng nguyên sinh nên thú rừng cũng lắm, dù chúng chỉ còn để lại những cái tên như là: Trảng Thỏ, Bàu Khỉ, Bàu Nai, Bố Heo, hay Bàu Voi, Trảng Mễn; lại có cả những vùng bưng đìa mang tên là Trảng Bò Cạp hay Ðìa Rắn Hổ…

Sách còn cho biết, người Việt đã tới đây khai phá vào cuối thế kỷ 17 (1682). Hơn 330 năm, bao thế hệ người Thanh Ðiền đổ biết bao mồ hôi nước mắt, và cả máu, dưới các triều đại phong kiến, thực dân và trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ miền quê hương cẩm tú này. Ðể Thanh Ðiền hôm nay luôn tươi xanh, tràn trề niềm vui sống. Nhờ thế mà Thanh Ðiền vẫn tiếp tục là miền non xanh nước biếc những ngày mai.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục