Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc công khai xử lý những cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao không chỉ củng cố niềm tin trong Nhân dân mà còn tạo tiền đề cho sự đổi mới thực chất trong công tác cán bộ nhiệm kỳ tới.

Tại Hội nghị lần thứ 12 họp từ ngày 18 đến ngày 19/7/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp cao, điều này cho thấy quyết tâm của Đảng trong giữ vững kỷ cương, pháp luật, bảo đảm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Việc công khai xử lý những cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao không chỉ củng cố niềm tin trong Nhân dân mà còn tạo tiền đề cho sự đổi mới thực chất trong công tác cán bộ nhiệm kỳ tới.
Tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ lớn nhất làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước; làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xây phải đi liền với chống, phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những nguy cơ dẫn đến sự suy yếu của Đảng, trong đó có nạn tham ô, tham nhũng - thứ giặc nội xâm, giặc ở trong lòng “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay tư pháp mà phải là hành động thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Từ năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, từ đó công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều chuyển biến tích cực. Hàng loạt vụ án lớn, phức tạp đã được đưa ra ánh sáng; nhiều cán bộ cao cấp, kể cả những đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng bị xử lý nghiêm minh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại phiên họp thứ 28 ngày 07/7/2025, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 11 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức Đảng với 7.235 đảng viên. Kiến nghị thu hồi xử lý tài chính 9.533 tỉ đồng, 617ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể, 1.083 cá nhân liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán. Khởi tố 1.776 vụ án với 4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực địa phương đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu (trong đó có 21 người bị xử lý hình sự); khởi tố mới 416 vụ án với 1.207 bị can.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm mọi quyết định, chính sách, quy trình quản lý đều có tính minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; siết chặt quản lý tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; công khai tài sản và xử lý nghiêm việc kê khai gian dối.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Quốc hội sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua 38 luật và 45 nghị quyết. Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 nghị định, nghị quyết, chỉ thị. Các bộ, ngành, địa phương ban hành 3.277 văn bản,…
Sau khi hợp nhất từ ngày 01/7/2025, tỉnh Tây Ninh mới đối mặt với cả thời cơ lẫn thách thức trong xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vững mạnh, liêm chính. Thời gian qua, tỉnh tập trung sắp xếp nhân sự dựa trên tiêu chí năng lực, đạo đức, không có “vùng cấm” cho những cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, thiếu liêm chính. Việc bổ nhiệm, điều chuyển, luân chuyển cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch, có đánh giá sát thực tế qua kết quả thực thi công vụ. Nhiều vụ việc sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công, quản lý tài sản công,... được phát hiện và xử lý nghiêm.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tiếp xúc cử tri để nắm bắt ý kiến, kiến nghị của người dân về những biểu hiện tiêu cực ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là khẩu hiệu mà được hiện thực hóa trong mọi phong trào, hoạt động. Vai trò của báo chí được phát huy, sử dụng mạng xã hội lành mạnh, thông minh làm các diễn đàn đóng góp ý kiến, góp phần mang lại hiệu quả trong phát hiện, phản ánh và đề xuất biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáp nhập đơn vị hành chính là một quá trình tất yếu, mang tính cách mạng nhằm kiến tạo một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả hơn. Sự thành công của chủ trương này không chỉ phụ thuộc vào việc tinh gọn bộ máy mà còn ở việc xây dựng một bộ máy công quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, liêm chính và hoạt động vì lợi ích của Nhân dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn xã hội sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tất cả vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân./.
Hồng Châu