Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại
Chủ nhật: 10:13 ngày 20/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuẩn bị kỹ càng cho việc đón khách du lịch quốc tế trở lại sau hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Từ các ngành chức năng đến doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú đều trong tâm thế sẵn sàng để tạo ra một môi trường, điểm đến du lịch sôi động và an toàn.

Ảnh minh họa.

Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh lần thứ tám đang diễn ra sôi nổi ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo truyền thống; đồng thời, giới thiệu hình ảnh áo dài Việt Nam ra thế giới. Sự kiện văn hóa này cũng là bước khởi đầu trong chuỗi các sự kiện quảng bá điểm đến thành phố với du khách quốc tế trong năm 2022.

Đầu tháng 3, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS). Lễ ký kết đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thành phố đang mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ ngày 15/3. Đây còn là bước chuẩn bị của ngành du lịch thành phố nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, quảng bá điểm đến thành phố Hồ Chí Minh với thị trường du lịch nước ngoài.

Theo thỏa thuận giữa Sở Du lịch thành phố và EuroCham giai đoạn 2022-2024, hai bên hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch ẩm thực, tăng cường mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu thị trường, thống kê du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cũng như chia sẻ về các phương pháp và kinh nghiệm về quản lý, điều hành du lịch trong lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như vì sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Sự hợp tác lần này sẽ cho phép du lịch thành phố gia tăng cơ hội mở rộng các kênh trực tiếp quảng bá hình ảnh của thành phố đến các công ty và công dân châu Âu tại Việt Nam cũng như nước ngoài.

Trong khi đó, thỏa thuận giữa Sở Du lịch thành phố và VIAGS giai đoạn 2022-2027 nhằm mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến du lịch thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thông qua việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên trong phối hợp thực hiện công tác nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu du lịch thành phố, phối hợp đón các đoàn khách MICE.

Ngoài ra, định kỳ, Sở Du lịch thành phố và VIAGS sẽ trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch và hàng không, hợp tác tổ chức hoạt động, sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài cũng như truyền thông điểm đến thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, thông qua các doanh nghiệp du lịch, nguồn khách quốc tế đầu tiên đến đây sau ngày 15/3 sẽ là khách MICE. Các doanh nghiệp thành phố đã chuẩn bị rất kỹ cho giai đoạn mở cửa du lịch quốc tế lần này. Việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có rất nhiều ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, tất cả nội dung trong bản thỏa thuận hợp tác sẽ giúp quảng bá thành phố Hồ Chí Minh như một điểm đến du lịch hàng đầu cho khách du lịch châu Âu và quốc tế, giúp xây dựng ngành du lịch của thành phố và quốc gia trở lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Bên cạnh là một điểm đến sống động, mang vẻ đẹp riêng, thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi điều phối, điểm kết nối giữa những đoàn khách quốc tế với các điểm du lịch trong cả nước khi đến Việt Nam.

Xác định vai trò quan trọng đó, thành phố đã chủ động liên kết hợp tác với vùng, các tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch. Trong các ngày từ 16 đến 18/3, thành phố tổ chức chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 và phát động chương trình "Mở cửa lại Du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị liên kết, gần 160 doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã đi khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có dịp gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau, nhằm khởi động các chương trình hợp tác trong năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh. "Trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân trong mùa dịch.

Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành phố khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ. Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm 2021, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, thành phố đã nhanh chóng thực hiện các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh phía bắc cùng một số tỉnh có thế mạnh về du lịch tại miền trung. Thông qua sự ký kết hợp tác này, thành phố đã tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thành phố.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Ngành du lịch đã và đang xây dựng, làm mới nhiều chương trình tham quan, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế trở lại thành phố sau hai năm đóng cửa phòng dịch.

Cụ thể, thành phố sở hữu hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi, chính vì thế ngành du lịch thành phố đã cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: Tua Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hoạt động chèo SUP khu vực Thanh Đa, Bình Thạnh, quận 7, huyện Cần Giờ... Chưa kể, thành phố còn có nhiều tua, tuyến đã được xây dựng và vận hành từ tháng 12/2021 như: Ngày bình yên trên vùng đất thép; Lắng nghe hơi thở của rừng; Thành phố xanh bên sông Sài Gòn; Bình Chánh - Những điều chưa kể; Thanh bình 18 thôn vườn trầu, Hóc Môn; Từ Sài Gòn xưa đến TP Hồ Chí Minh nay... vẫn đủ sức hấp dẫn với du khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-Marketing, Công ty du lịch TSTtourist chia sẻ, khi bắt đầu hoạt động trở lại, công ty đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch nội thành nhằm khám phá những điều hấp dẫn trong thành phố mà trước nay chưa được chú ý nhiều. Những sản phẩm mới của công ty không chỉ dành riêng cho khách trong nước mà còn hướng đến phục vụ du khách quốc tế. "Với sự chủ động trên, khi Việt Nam bắt đầu đón khách quốc tế, chúng tôi sẵn sàng tổ chức các tua phục vụ du khách mà không gặp nhiều lúng túng" - ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.

Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế trong năm 2022, thành phố đã triển khai chương trình "Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn" từ ngày 15/3 đến 15/9. Thông qua chương trình này, tất cả doanh nghiệp, dịch vụ có chương trình quà tặng cộng thêm cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, doanh nghiệp nâng cao chất lượng điểm đến hiện có, đồng thời xây dựng các sản phẩm mới như: Du lịch kết hợp đa dạng các phương tiện thủy, bộ trong thành phố và kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa-Vũng Tàu; sản phẩm Sử xanh tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) và các sản phẩm du lịch sinh thái tại các huyện ngoại thành...

Đối với các cơ sở lưu trú, thành phố hiện có hơn 6.800 phòng khách sạn cao cấp đáp ứng đủ yêu cầu về thí điểm đón khách quốc tế năm 2022 cùng hàng nghìn phòng đủ tiêu chuẩn ba sao trở lên. Bên cạnh đó, chín điểm đến du lịch đáp ứng đủ điều kiện đón khách như: Bưu điện thành phố, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Áo dài...

Ngoài ra, sáu điểm khác tại thành phố cũng đang hoàn tất hồ sơ thủ tục để được duyệt đón khách quốc tế. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài thành phố Hồ Chí Minh, việc đón khách quốc tế đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng. Để chuẩn bị đón khách quốc tế, Bảo tàng Áo dài đã có chương trình rèn luyện cho hướng dẫn viên thuyết minh bằng tiếng Anh. Ngoài ra, những dịch vụ tại bảo tàng như cho khách thuê cổ phục mặc chụp ảnh, không gian ẩm thực chợ quê, dịch vụ ăn uống... đã làm thành công với khách trong nước, thì cũng sẽ tiếp tục triển khai với khách quốc tế.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, bên cạnh phát triển các sản phẩm nội thành, thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết để tạo thêm nhiều sản phẩm liên vùng tạo sức hấp dẫn cho du khách quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thống nhất về chính sách, tránh có những rào chắn, đối xử khác nhau ở các tỉnh, thành phố.

Ông Võ Anh Tài cho biết thêm, với độ phủ vaccine cao, chiến lược quảng bá điểm đến của thành phố cần tập trung vào yếu tố: An toàn và hấp dẫn. Thành phố cần đẩy mạnh quảng bá thông qua kênh ngoại giao. Khi đó, hình ảnh thành phố là một điểm đến an toàn, hấp dẫn sẽ tăng thêm sức thuyết phục trong mắt khách nước ngoài.

Nguồn Infonet

Tin cùng chuyên mục