Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành phố Tây Ninh: Từng bước ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhiều tuyến đường
Thứ tư: 16:21 ngày 15/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh từng bước ngầm hóa lưới điện, đường dây chiếu sáng, cáp viễn thông, cáp truyền hình nhằm chỉnh trang và nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đường Bời Lời - nơi giao với đường Điện Biên Phủ.

Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị thành phố Tây Ninh đạt đô thị loại II, trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông của đô thị theo hướng hiện đại ứng dụng hệ thống điều khiển hạ tầng đô thị thông minh, phù hợp với quy hoạch xây dựng chung đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu phát hiển kinh tế - xã hội của các đô thị; bảo đảm an toàn điện, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.

Việc ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật được tỉnh thực hiện trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của địa phương và bảo đảm tính hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và có phân kỳ đầu tư phù hợp để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Trong quá trình thực hiện, tỉnh sẽ chú trọng xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực tham gia.

Dự án ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường và dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị phải được kết hợp để triển khai đồng bộ, tránh trường hợp phải đào đắp nhiều lần.

Trong quá trình triển khai xây dựng các tuyến đường hoặc xử lý các hạ tầng kỹ thuật hiện có, nếu phù hợp, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để tích hợp việc ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật.

Một đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám.

Trong giai đoạn 2021-2025, một số tuyến đường chính trên địa bàn Thành phố sẽ được ngầm hoá hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể là khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8), đoạn từ vòng xoay Bách Hóa đến đường Điện Biên Phủ; đường Hoàng Lê Kha (đoạn giao với đường 30.4 đến đường CMT8); nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng); đường Trường Chinh (đoạn giao với đường 30.4 đến trụ sở Công an Thành phố cũ).

Giai đoạn 2026-2030, thành phố Tây Ninh tiếp tục “ngầm hóa” hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại nhiều tuyến đường như: Đường Điện Biên Phủ (đoạn từ điểm giao với đường CMT8 đến đường Bời Lời); đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ điểm giao với đường CMT8 đến đường Nguyễn Hữu Thọ); đường Lê Duẩn (đoạn giao với đường 30.4 đến đường Nguyễn Chí Thanh); đường Lê Lợi (đoạn giao với đường CMT8 đến đường Quang Trung); đường Nguyễn Thái Học (đoạn giao với đường CMT8 đến đường Hoàng Lê Kha).

Trong khi đó, với thực trạng đô thị hiện tại, trong giai đoạn 2021-2025, các huyện, thị xã chưa thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật và sẽ thực hiện khi cơ sở hạ tầng, mật độ đô thị phát triển. Giai đoạn này, các huyện, thị xã sẽ tập trung đầu tư và phát triển đô thị đồng bộ. Sau năm 2025, căn cứ vào hạ tầng đô thị và các điều kiện, tiêu chí…, các huyện, thị xã sẽ cân đối nguồn lực để xây dựng hạng mục ưu tiên ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật.

Một đoạn đường Điện Biên Phủ.

Khái toán sơ bộ kinh phí thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021-2025 khoảng 800 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 700 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; vốn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức; vốn tài trợ; các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về cơ chế tài chính, UBND tỉnh đã có chủ trương cụ thể: Các hạng mục Tuynen kỹ thuật, hào kỹ thuật, cống, bể kỹ thuật và chi phí bồi thường công trình hạ tầng nổi hiện trạng được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn xã hội hóa, vốn của nhà đầu tư.

Các hạng mục trạm biến áp, tủ điện, tủ phân phối viễn thông, ống luồn cáp, đường dây đi ngầm (điện lực, viễn thông, truyền hình...) và các hạng mục khác có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, tổ chức sử dụng hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị được thực hiện bằng nguồn vốn của nhà cung cấp dịch vụ.

An Khang

Tin cùng chuyên mục