Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor (SAI):
Thành quả của sự hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)
Thứ tư: 21:52 ngày 30/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, ngày 16.10.2024, Campuchia kỷ niệm 1 năm vận hành, khai thác Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor. Bộ trưởng phụ trách Uỷ ban Nhà nước về Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) Mao Havannall cho biết: “SAI không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không dân dụng tại Campuchia mà còn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và du lịch của quốc gia này, cũng như thu hút đầu tư”. Chỉ trong năm đầu tiên sân bay do Trung Quốc đầu tư này đã xử lý hơn 14.000 chuyến bay với 1,3 triệu hành khách.

Tổng vốn đầu tư Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor khoảng 1,1 tỷ USD.

Bộ trưởng Havannall tin tưởng rằng SAI sẽ giúp tỉnh Siem Reap - nơi có Công viên Khảo cổ Angkor được UNESCO công nhận là di sản thế giới - đạt mục tiêu thu hút mỗi năm 7 triệu hành khách hàng không và lên tới 12 triệu hành khách từ năm 2040.

“Sân bay sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thúc đẩy ngành hàng không, du lịch và đầu tư, đồng thời góp phần hơn nữa vào việc giảm nghèo. Chúng tôi tin tưởng sân bay mới này trở thành cầu nối giữa Campuchia và một thế giới rộng lớn hơn” - ông nói.

Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, xây dựng trên diện tích khoảng 700 ha thuộc địa phận xã Ta Yek, huyện Sot Nikum, tỉnh Siem Reap, cách thành phố du lịch Siem Reap khoảng 50 km và cách danh thắng Angkor Wat 40 km, đảm bảo không ảnh hưởng đến kỳ quan thế giới nổi tiếng này.

Khoảng 1.000 ha đất được giới chức dành để phát triển thành phố sân bay. SAI được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, do Công ty TNHH Đầu tư Sân bay Quốc tế Angkor (Campuchia) liên doanh với 3 doanh nghiệp Trung Quốc gồm Tập đoàn Đầu tư Vân Nam, Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam và Tập đoàn Sân bay Vân Nam. Theo Tân Hoa xã, SAI được đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kéo dài 55 năm.

Được khởi công xây dựng từ tháng 3.2022, Siem Reap Angkor là sân bay quốc tế cấp 4E với chiều dài đường băng 3.600 m, được trang bị hệ thống trang thiết bị với công nghệ hiện đại, có khả năng tiếp nhận nhiều loại máy bay, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không cho hành khách.

Sân bay Siem Reap Angkor là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường - dự án mà trong đó các công ty Trung Quốc hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại những nước đối tác, với khoản vay từ các ngân hàng phát triển của nước này.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet cắt băng khánh thành Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor ngày 16.10.2023.

Mục tiêu của chương trình này nhằm phát triển thương mại và kinh tế bằng cách cải thiện kết nối của Trung Quốc với thế giới thông qua “Con đường tơ lụa phiên bản thế kỷ 21”. Một sân bay khác cũng do Trung Quốc hậu thuẫn đang được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỉ USD tại thủ đô Phnom Penh. Sân bay mới này có tên là sân bay quốc tế Techo, có diện tích khoảng 26.000ha và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Theo Khmer Times, phát biểu tại lễ khánh thành sân bay quốc tế Siem Reap Angkor (SAI) cách đây một năm, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết sự kiện này diễn ra đúng vào dịp Campuchia và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Bắc Kinh kỷ niệm 10 năm thành lập Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), sân bay cũ nằm quá gần các ngôi đền thuộc quần thể di tích Angkor Wat, làm dấy lên lo ngại những chuyến bay sẽ gây ảnh hưởng đến phần móng của ngôi đền. Sân bay mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lượng khách du lịch nước ngoài đến Campuchia.

"Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor là trái ngọt của hoà bình và là thành tựu nổi bật mới của tình hữu nghị bền vững như sắt đá giữa Campuchia và Trung Quốc" - ông Hun Manet nói.

Trần Long

Tin cùng chuyên mục