Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Thứ hai: 10:01 ngày 13/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó, có những giải pháp xúc tiến đầu tư cụ thể…

Doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm trong một chương trình xúc tiến thương mại (ảnh minh hoạ, chụp trước 27.4.2021)

Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, tại buổi chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các đại biểu HĐND tỉnh dành nhiều sự quan tâm đến giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư như công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư; công tác quy hoạch; giải phóng mặt bằng; các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất.

Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc đặt vấn đề với lãnh đạo Sở KH&ĐT: “Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Tây Ninh có bao nhiêu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, bao nhiêu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, bao nhiêu doanh nghiệp đã giải thể? Nguyên nhân chính của việc các doanh nghiệp rời bỏ thị trường là gì; những giải pháp căn cơ nào để thu hút doanh nghiệp quay trở lại thị trường, làm thế nào để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới?”.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, trên địa bàn tỉnh có trên 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, 166 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 582 doanh nghiệp đã giải thể. Nguyên nhân chính như đại biểu đã đặt ra là đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp, các đợt giãn cách kéo dài liên tiếp khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều tháng bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề các lĩnh vực trong phát triển kinh tế.

Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, cụ thể: những doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến củ mì phải dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào và phòng, chống dịch; các doanh nghiệp sản xuất cao su hoạt động tương đối ổn định; ngành mía đường chưa đi vào hoạt động do chưa đến vụ thu hoạch; lĩnh vực dệt may và da giày có một số công ty ngừng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, có 8/16 doanh nghiệp ngưng hoạt động sản xuất, do không bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Sở đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối hỗ trợ, trao đổi, vận chuyển, phân phối tiêu thụ hàng hoá giữa các địa phương; cung cấp kịp thời nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đơn giản hoá thủ tục hành chính, các điều kiện thụ hưởng để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ; hướng dẫn doanh nghiệp tự xét nghiệm và tạo điều kiện về thủ tục để doanh nghiệp chủ động mua vaccine phòng Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, ưu tiên cho lao động “3 tại chỗ”, tài xế vận chuyển hàng hoá, lao động sản xuất mặt hàng thiết yếu, chế biến hàng nông sản… tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ngày 21.10.2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, cho phép người lao động đi lại bình thường khi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, bớt gánh nặng, người lao động có điều kiện về thăm gia đình.

Đến ngày 11.11.2021, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó, quy định cụ thể từng lĩnh vực: hoạt động vận tải hành khách, lưu thông, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa (nội tỉnh, liên tỉnh) bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (trong đó có các cơ sở sản xuất như nhà máy, xí nghiệp), cơ sở kinh doanh dịch vụ (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối); nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống… tạo điều kiện cho việc khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Theo Sở KH&ĐT, trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, những “điểm nghẽn” có thể kể đến như: đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, suy thoái về kinh tế, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoặc đóng cửa nên công tác xúc tiến, thu hút đầu tư không thể triển khai, việc kết nối giữa nhà sản xuất và tiêu dùng bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, các văn bản luật hướng dẫn chuyên ngành về đầu tư, xây dựng, đất đai... còn có điểm chưa rõ, chồng chéo, nhiều thủ tục phức tạp, chưa đồng bộ; công tác quản lý đất đai, giải toả đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch, định hướng ngành, lĩnh vực chưa cụ thể, chưa đáp ứng xu thế phát triển.

Đại biểu Huỳnh Vương Hiếu có ý kiến: “Trong giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, đại biểu quan tâm đến giải pháp cải tiến cách thức thực hiện các thủ tục đầu tư, nhất là hướng dẫn các thủ tục cho các nhà đầu tư để họ tiếp cận đầu tư cho địa phương.

Việc xúc tiến, mời gọi đầu tư vào tỉnh cần có giải pháp chủ động hơn theo hướng không chờ nhà đầu tư tiếp cận với địa phương mà phải có giải pháp chủ động tiếp cận với nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược”.

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó, có những giải pháp xúc tiến đầu tư cụ thể như: thường xuyên rà soát, điều chỉnh danh mục thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025, thông tin cơ bản của các dự án phải đủ sức thuyết phục nhà đầu tư về tính khả thi; cải tiến cách thức thực hiện các thủ tục đầu tư, nhất là hướng dẫn thủ tục từng loại hình đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án; tập trung rà soát công tác quản lý đất đai, giá đất, nhất là giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư. Ngoài ra, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục