Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháo gỡ khó khăn trong công tác chỉnh lý biến động đất đai
Thứ hai: 14:37 ngày 12/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh được quan tâm đầu tư nhưng trong quá trình triển khai, các phần mềm còn bị lỗi, chưa ổn định, cơ sở dữ liệu chưa được đưa lên phần mềm hoàn chỉnh.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Dương Minh Châu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Giai đoạn 2020- 2022, công tác chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phần lớn các hồ sơ đăng ký chỉnh lý được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, trong đó đã hoàn thành cơ bản công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Công tác thống kê đất đai được thực hiện hằng năm theo quy định; việc cập nhật, chỉnh lý biến động được thực hiện thường xuyên, bảo đảm thông tin hồ sơ địa chính lưu trữ được thống nhất giữa các cấp quản lý.

Còn nhiều hồ sơ trễ hạn

Trong tháng 4, tháng 5.2023, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có các cuộc khảo sát, làm việc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện Bến Cầu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua giám sát cho thấy, công tác chỉnh lý biến động đất đai tuy đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, khó khăn.

Theo báo cáo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2022, có 1.420 hồ sơ đăng ký biến động đối với tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 1.353 hồ sơ giải quyết đúng hạn, 67 hồ sơ đang giải quyết (trong hạn).

Đối với hộ gia đình, cá nhân, có 785.427 hồ sơ đăng ký biến động (tồn năm trước 1.029 hồ sơ, nhận trong kỳ 784.398 hồ sơ), cụ thể, đã giải quyết 775.389 hồ sơ, trong đó, 761.213 hồ sơ giải quyết đúng hạn; 10.404 hồ sơ quá hạn đã trả kết quả và kèm thư xin lỗi; 3.772 hồ sơ đã giải quyết quá hạn nhưng chưa trả kết quả. Bên cạnh đó, có 10.026 hồ sơ chưa giải quyết (trong hạn 9.591 hồ sơ, quá hạn 435 hồ sơ) và 12 hồ sơ không giải quyết.

Việc giải quyết hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai có lúc còn chậm, số hồ sơ trễ hạn còn nhiều, vẫn còn hồ sơ chưa giải quyết. Một số nguyên nhân chính dẫn đến trễ hạn là hồ sơ địa chính cũ do lịch sử để lại qua các thời kỳ không được cập nhật biến động đầy đủ, bản đồ giấy hư hỏng, sổ mục kê, sổ địa chính, sổ cấp giấy có nhiều quyển bị ố nhoè, rách nát, mất thông tin về thửa đất... gây khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đất đai.

Bên cạnh đó, hồ sơ đo đạc trễ do giấy chứng nhận cũ, nhiều thửa, nhiều vị trí khác nhau, đất sai vị trí, diện tích lớn, hình thể thửa đất phức tạp, ranh giới có thay đổi, biến động nhiều, không thể đo đạc bằng thước dây, phải sử dụng máy, nhưng chi nhánh chưa được trang bị máy đo đạc RTK.

Có thời điểm giá đất tăng cao (từ tháng 4 đến tháng 9.2022), hồ sơ đăng ký biến động đất đai tăng đột biến, trong khi nhân lực không thay đổi, trang thiết bị máy móc còn thiếu, dẫn đến viên chức, người lao động các chi nhánh bị quá tải…

Theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Biên, công tác chỉnh lý biến động về đất đai trên địa bản chủ yếu tập trung ở những trường hợp: cấp đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; đăng ký thế chấp, xoá thế chấp; đo đạc, tách hợp thửa; tiếp tục sử dụng đất đối với đất hết thời hạn; đính chính, thay đổi giấy tờ cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất.

Năm 2022, tổng số hồ sơ đăng ký biến động trên địa bàn là 39.312 hồ sơ; đã giải quyết 39.312 hồ sơ, trong đó, 37.234 hồ sơ giải quyết đúng hạn, 2.078 hồ sơ giải quyết quá hạn (có kèm thư xin lỗi).

Nguyên nhân trễ hạn do thị trường bất động sản tăng đột biến, huyện Tân Biên đang trong giai đoạn cấp đổi chính quy (10/10 xã), là địa phương sau cùng trên địa bàn tỉnh nên phát sinh nhiều thủ tục gộp kèm theo khi cấp đổi, dẫn đến hồ sơ tăng nhiều, trong khi các huyện khác hồ sơ cấp đổi chính gần như hoàn chỉnh không phát sinh nhiều thủ tục.

Bên cạnh đó, tại thời điểm năm 2022, đơn vị gặp khó khăn do thiếu nhân sự, thiếu trang thiết bị máy móc, dẫn đến viên chức, người lao động bị quá tải công việc, phải làm thêm ngoài giờ.

Người dân đến làm thủ tục về đất đai tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Dương Minh Châu.

Nâng cao trách nhiệm trong quản lý đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai 3 phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (phần mềm Vilis 2.0, VBDLIS, VNPT-iLIS) để vận hành, khai thác theo mô hình kết nối trực tiếp tới 9/9 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc tại các huyện, thị xã, thành phố, trong đó, 4 huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh đang thực hiện Dự án VILG sử dụng phần mềm VBDLIS của Viettel Tây Ninh; 2 huyện Tân Biên và Tân Châu đang sử dụng phần mềm quản lý đất đai VNPT-iLIS của VNPT Tây Ninh; thị xã Hoà Thành đang sử dụng phần mềm Vilis 2.0.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh được quan tâm đầu tư nhưng trong quá trình triển khai, các phần mềm còn bị lỗi, chưa ổn định, cơ sở dữ liệu chưa được đưa lên phần mềm hoàn chỉnh.

Các phần mềm chưa liên thông (phần mềm Một cửa điện tử, phần mềm dịch vụ công tỉnh, phần mềm cơ quan Thuế, các phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai), đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) qua môi trường mạng trong tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai còn hạn chế, quy trình, các bước thực hiện còn phức tạp, chưa đồng bộ nên người dân đa số muốn nộp hồ sơ trực tiếp.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai; xem xét, chấn chỉnh công tác phối hợp giữa các cấp, ngành; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai phù hợp với tình hình thực tế, trong đó phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý, chỉnh lý biến động đất đai, cụ thể cơ chế phối hợp và xử lý trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị.

Người dân làm đến làm thủ tục về đất đai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát một số bất cập trong thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, chỉnh lý biến động đất đai; xem xét, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2882/QĐ-UBND.

Tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề còn tồn tại nhiều do lịch sử trước đây để lại, có biện pháp khắc phục cụ thể, nhất là tình trạng sai lệch giữa hiện trạng sử dụng đất trên thực tế và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai; thực hiện hoàn thành công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính đồng bộ từ xã đến tỉnh.

Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham mưu, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, chỉnh lý biến động đất đai; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kịp thời để đáp ứng nhu cầu, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi công tác quản lý đất đai, chỉnh lý biến động đất đai để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp cơ sở trong quá thực trình thực hiện.

Có giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) qua môi trường mạng, đơn giản hoá quy trình, các bước thực hiện. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tiến độ cụ thể để sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh, số hoá, tích hợp, đồng bộ liên thông các phần mềm, hạn chế phát sinh thêm thời gian cập nhật dữ liệu nhiều lần, giúp công tác tra cứu, khai thác, quản lý, cập nhật, cung cấp thông tin đất đai nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Trúc Ly - Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh