Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tháp Bà Ponagar là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của người Chăm tọa lạc trên ngọn đồi Cù Lao thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Các đền tháp được người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13 dưới vương triều Panduranga. Khu đền tháp trước đây có 6 ngôi tháp, nay chỉ còn 4 tháp là: Đông Bắc, Tháp Nam, Tháp Đông Nam và Tháp Tây Bắc.
Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Mỗi tháp đều có bốn cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Ba cửa ở ba hướng Tây, Nam và Bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía Đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh.
Tháp Ponagar đứng sừng sững uy nghi nổi bật trên đồi Cù Lao.
Trong đó, tháp chính cao khoảng 23 mét là tháp thờ nữ thần Ponagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Tháp thờ Nữ thần Ponagar
Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi… Mặt ngoài tường tháp được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên.
Cửa chính ở phía Đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá đặt tượng Bà Ponagar với 10 cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác cầm những vật dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy, cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung, tù và ở bên trái.
Công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm.
Quần thể kiến trúc này được xây dựng bằng gạch nung ở nhiệt độ cao, xốp, nhẹ và thoát nước rất nhanh nên hầu như không có rêu bám. Người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 20x20cm chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.
Nguồn congthuong