Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thắp lửa yêu thương
Thứ hai: 15:48 ngày 20/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Bếp yêu thương” đón khách từ 9 giờ đến 15 giờ hằng ngày. Ðể có thức ăn cho thực khách, đầu bếp tập trung nguyên liệu từ các nơi về đây từ 6 giờ sáng. Các thành viên của bếp lặt rau, nấu cơm, chế biến đồ ăn đến khoảng 9 giờ.

Chuẩn bị cơm để đón khách.

Tám năm qua, căn bếp nhỏ mang tên “Bếp yêu thương” ở khu phố Ninh Ðức, phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh) đã mang đến cho người nghèo những bữa cơm ấm áp. Với mong muốn chia sẻ yêu thương, ông Bùi Thế Lữ (47 tuổi) đã cùng với các bạn đạo Cao Ðài lập ra bếp ăn này. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp hơn 100 suất ăn miễn phí đến cộng đồng.

“Bếp yêu thương” đón khách từ 9 giờ đến 15 giờ hằng ngày. Ðể có thức ăn cho thực khách, đầu bếp tập trung nguyên liệu từ các nơi về đây từ 6 giờ sáng. Các thành viên của bếp lặt rau, nấu cơm, chế biến đồ ăn đến khoảng 9 giờ.

Thức ăn được dọn ra trên những khay nhôm sạch sẽ, che đậy cẩn thận rồi đặt ra mặt bàn phía trước nhà ăn. Ðây là bếp ăn tự phục vụ với năm món chính được thay đổi như: cà tím chiên, xào, đậu đũa xào, đậu bắp luộc, rau muống xào bầu, canh bí đỏ hoặc cải xanh, canh chua...

Thực khách “ưng” món nào chọn món đó, sau khi dùng xong tự rửa chén, đũa úp vô khay. Các món ăn của “Bếp yêu thương” là đồ chay, được chế biến từ rau củ quả do những người hảo tâm ở thành phố Tây Ninh hay huyện Hoà Thành hiến tặng.

Chia sẻ về “Bếp yêu thương”, ông Lữ nói: “Từ khi lập bếp đến nay, trong tâm tôi và những người đồng nấu đều cảm thấy vui vẻ. Chúng tôi hy vọng những bữa cơm ấm áp sẽ đến được với người dân còn đang khó khăn, hoặc những người khách lỡ đường”.

Theo chia sẻ của ông Lữ, căn bếp này được xây dựng từ năm 2011 tại từ đường dòng họ Bùi. Sau này, một bạn đạo của ông Lữ là bà Ðào Thị Ba cho mượn căn nhà có khoảng sân rất rộng để đặt bếp. Nhà ăn được lợp mái tôn cao ráo, kê bàn ghế sạch sẽ để đón khách đến dùng cơm miễn phí.

Khu nhà kho rộng rãi khoảng gần 30m2 dùng chứa rau củ quả. Kế đó là khu liên hợp gồm vòi nước, kệ chén dĩa, nồi chảo được vệ sinh sạch sẽ. Cơm được nấu trong lò điện. Thợ nấu là những người thích làm từ thiện ở phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh) hay xã Long Thành Bắc, Long Thành Trung (huyện Hoà Thành).

Sáng nào cũng vậy, những người phụ nữ của bếp có mặt từ rất sớm, lặt rửa rau củ chuẩn bị để nhóm lên ngọn lửa yêu thương. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (66 tuổi) ở xã Long Thành Bắc tâm sự: “Bây giờ có tuổi, tôi có thời gian rảnh nên tham gia nấu bếp phục vụ người dân. Ðược làm việc vui vẻ mỗi ngày, tôi và những bà bạn nấu ở đây cảm thấy vui khoẻ hơn”.

Cơm canh nấu xong tươm tất, bà Phượng vô hộp, vô bịch rồi chở tới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để tặng cho bệnh nhân và người nhà của họ.

Tháng 4 vừa qua, ông Lữ đã mở thêm một bếp ăn mới trên đường Ðiện Biên Phủ, gần Toà thánh. Ông Tư, một người bán vé số ở phường IV, TP. Tây Ninh cho biết, ông đã ăn cơm ở Bếp yêu thương được hơn 4 năm.

Ông Tư vừa ăn vừa tâm sự: “Ðối với những hoàn cảnh còn khó khăn như tôi, có được bữa cơm thế này thật đáng quý, tiết kiệm được chút tiền để lo chuyện khác, ví như lúc đau ốm chẳng hạn”.

Khi tới với “Bếp yêu thương”, chúng tôi thật ấn tượng với cụ bà Trương Thị Lụa (87 tuổi), người coi bếp ở đây. Bà rất khoẻ và minh mẫn. Thấy khách xuất hiện ở cửa là bà đã nói vọng ra: “Mời cô chú vào dùng cơm”.

Bà Lụa nói vui: “Tôi già rồi, ăn mấy chục năm rồi, giờ nghỉ ăn thôi. Các cô chú còn trẻ, cần ăn nhiều vô để có sức làm việc”. Khách đến ăn rất mến bà Lụa, nhờ bà mà căn bếp thêm phần ngăn nắp, ấm áp.

Nhật Linh

Tin cùng chuyên mục