Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sáng tác trẻ
Thầy cũ trò xưa
Thứ bảy: 10:40 ngày 05/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thuở thanh xuân ngày hai lượt tới trường, mười hai năm thoắt vèo trôi như chớp mắt, những tình cảm thầy cô, bạn bè vun đắp, những hờn giận, hiểu lầm gửi lại ghế đá hàng cây. Bạn bè cũ ra trường rồi thì mất hút mỗi người mỗi ngả.

Thỉnh thoảng cũng í ới gọi nhau họp lớp, nhưng chủ yếu biết tin nhau qua mạng xã hội, qua điện thoại... Một ngày gần đây, có tin nhắn zalo của nhóm bạn học cũ, chia sẻ ngậm ngùi về trường hợp thầy dạy môn Thể dục ở trường cấp 3 hiện tại đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, cần sự chung tay của các bạn.

Hồi đó, môn học mà tôi thích là môn Văn. Các môn còn lại, tôi học chỉ ở mức trung bình đến khá, dở tệ là môn Thể dục. Nhắc tới môn học Thể dục thì ôi thôi… tôi luôn chạy ở phía sau các bạn; còn nhảy cao hay nhảy xa thì không vượt qua mức quy định.

Tôi ghét ghê môn học này. Mà nghiệt ngã thay, không thể không học môn thể dục của thầy trừ khi tôi bị bệnh có giấy xác nhận của bệnh viện. Tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, chỉ hơi nhỏ bé thôi nên giờ học Thể dục là “cực hình” không thể tránh.

Thầy luôn luôn động viên tôi cố gắng để đạt điểm trung bình. Thầy nhân nhượng cho tôi thực hiện động tác rất nhiều lần cho tới khi đạt thì thôi, nhưng đôi khi không thể đạt dù đã cố hết mức. Bạn bè ai cũng thực hiện tốt bài tập của họ và trở về lớp học, chỉ riêng tôi và thầy cứ ở mãi ngoài sân, đôi lần thầy bực quá phải quát lên nhưng tôi càng bị la thì càng làm không đạt.

Cho tới khi hết giờ, thầy cũng cho qua, khi “hết cách” với tôi. Cảm động nhất là lần thi thực hiện các động tác thể dục tại chỗ, tức là tập những động tác sao cho đúng kỹ thuật chứ không cần dùng sức nhiều, thầy nói nhỏ khi tới lượt tôi: “Em cố gắng phần này nha, động tác dễ không khó, cố gắng đừng phạm lỗi, thầy cho điểm cao chút để ráng cho các môn sau”.

Nói chung là không cần chạy hay nhảy gì thì tôi đều làm rất tốt kể cả động tác khó. Thấy tôi có cố gắng, lần đó thầy mỉm cười và cho điểm với tất cả niềm vui. Nhắc tới đây, nhớ thầy quá chừng. Hiển hiện trước mắt tôi là hình ảnh của những ngày hồn nhiên đó, buổi sớm mai ngập nắng vàng tươm, sân trường đầy cát và lá tràm rơi, những dãy lớp thấp lè tè với mái ngói phủ rong rêu, bàn ghế đơn sơ. Học trò áo dài trắng giản dị đến trường trên những chiếc xe đạp cũ, thầy cô cũng vậy nhưng ấm áp tình thân.

Đã gần hai mươi năm trôi qua, thầy cũng đã nghỉ hưu và từ lâu không còn dạy thể dục ở trường cũ nữa. Giờ đây, thông qua bạn học cũ biết tin thầy gặp khó khăn về kinh tế, các bạn tôi đã cùng nhau góp chút lòng thành mong giúp thầy vượt qua.

Vợ thầy sau cơn trọng bệnh gần như không còn cử động được nữa, mọi chuyện chăm sóc cá nhân đều do thầy gánh vác. Cô con gái của thầy đang học đại học bỗng mắc cơn bệnh lạ gần giống như tâm thần, thầy chạy ngược xuôi tìm bác sĩ điều trị cho con. Nhiều nỗi khó khăn chồng chất, nợ nần khắp nơi vì vay mượn trị bệnh cho vợ con, mọi thứ đè nặng vai thầy khi đã ở tuổi về chiều.

Chúng tôi hẹn đến thăm thầy vào một ngày hè đầy nắng, với bao cảm xúc bâng khuâng khi nhắc nhớ kỷ niệm, những ân tình ngày còn đi học. Dáng thầy vẫn gầy gò như xưa nhưng nếp nhăn hằn sâu khoé mắt, những trăn trở lo toan cuộc sống khiến vai thầy trĩu nặng.

Nhưng nụ cười hiền từ của thầy vẫn đầy bao dung như ngày cũ. Hết lớp chúng tôi đến, lớp đàn em trong trường cũng tìm đến, góp chút lòng giúp đỡ thầy xưa vượt qua khốn khó. Bao nhiêu năm xa cách, những ký ức tưởng chừng nguôi quên nhưng vẫn luôn hằng nhớ trong tim, như ai đó vừa ngân nga: “Nếu có ước muốn cho cuộc đời này/ Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại/ Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng/ Sẽ còn mãi trong tim mọi người/ Để tình yêu ước mơ mãi không phai”.

Nguyễn Hồng Vân

Tin cùng chuyên mục