Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thay đổi cách thức sản xuất, hướng đến sản phẩm OCOP
Chủ nhật: 23:39 ngày 11/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 6.7.2020, UBND tỉnh phê duyệt đề án thực hiện Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Ðây là cơ hội giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới cho nông dân.

Anh Trịnh Văn Cầu kiểm tra trại nấm mối đen.

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) và nông dân quan tâm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm… từng bước hoàn thiện quy trình, hướng đến sản phẩm OCOP.

Xác định Chương trình OCOP nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của nông dân, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HTX công nghệ cao Gò Dầu triển khai kế hoạch thực hiện chương trình đến các thành viên HTX.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX công nghệ cao Gò Dầu cho biết, để sản phẩm được công nhận, các thành viên HTX phải cải thiện quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn; sản phẩm phải theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay cao hơn là organic. Bên cạnh đó, đơn vị phải đăng ký truy xuất nguồn gốc, vùng trồng… mới đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm OCOP, mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn cho nông dân.

Gia đình ông Ngô Văn Quảng, ngụ xã Hiệp Thạnh, thành viên HTX công nghệ cao Gò Dầu là một trong những hộ “tiên phong” trong việc ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất dưa lưới, như trồng dưa lưới trong nhà màng, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sử dụng hệ thống tưới nước tự động…

Theo ông Quảng, để hàng hoá đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng đến sản phẩm OCOP, HTX hướng dẫn, khuyến khích các thành viên sản xuất theo hướng an toàn sinh học- không dùng các chế phẩm hoá học, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản. Không chỉ riêng ông Quảng, hiện nay, hầu hết các xã viên từng bước thay đổi thói quen sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thị xã Trảng Bàng là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm có thể đạt sản phẩm OCOP như: dưa lưới, rau rừng, bánh canh, bánh tráng phơi sương...

Lãnh đạo Thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tích cực hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao, khai thác những lợi thế, tận dụng cơ hội trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển Chương trình OCOP ngày càng tốt hơn. Hiện nay, Trảng Bàng có 4 hồ sơ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để được công nhận sản phẩm OCOP.

Anh Trịnh Văn Cầu, ngụ ấp Hội Thắng, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu cho biết, năm 2020, khi bắt đầu trồng nấm mối đen, nhận định việc trồng và kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Cầu áp dụng quy trình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sản xuất đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm, bảo đảm chất lượng, an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Có mục tiêu rõ ràng trong sản xuất, nên chỉ trong thời gian ngắn, anh Cầu xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, được nhà hàng, khách sạn và hệ thống siêu thị đặt mua toàn bộ.

Bên cạnh nỗ lực của anh Cầu là sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn và chính quyền địa phương trong việc trợ vốn để anh mở rộng cơ sở hạ tầng và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Anh Cầu cho biết: “Tôi đã xây dựng được thương hiệu “Nấm mối Út Cầu”, tất cả các sản phẩm nấm mối tươi và sấy khô luôn “cháy hàng”. Tôi đang nghiên cứu và hoàn tất các thủ tục để ra mắt thêm sản phẩm chả giò chay, kho quẹt, kho tiêu… từ nấm mối đen, với tiêu chí bảo đảm chất lượng nông sản và sức khoẻ người tiêu dùng; phấn đấu để phát triển nấm mối đen Út Cầu trở thành sản phẩm đặc trưng của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trong thời gian tới”.

Xây dựng sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, bởi khi sản phẩm được các cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng thì người tiêu dùng yên tâm sử dụng, và là “tấm vé thông hành” để sản phẩm vào các siêu thị.

Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm OCOP, người dân rất cần sự hỗ trợ và hướng dẫn của các ngành chức năng; từ đó thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục