Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thay đổi tư duy sản xuất sau dồn điền đổi thửa
Thứ tư: 22:42 ngày 08/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực hiện dồn điền đổi thửa phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất để phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Vận động nông dân thuê đất phát triển trang trại

Là một trong những xã đi đầu thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì, Thuần Mỹ luôn tạo điều kiện cho các hộ nông dân được sử dụng đất ổn định lâu dài để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập.

Ngay từ năm 2014, Thuần Mỹ đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đề án thí điểm tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê, góp ruộng. Đồng thời, ban hành nhiều quy chế mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho biết, theo chủ trương, xã Thuần Mỹ thực hiện dồn điền đổi thửa được 111,6 ha diện tích đất canh tác. Sau khi dồn đổi xong, mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 sào ruộng nên khi muốn phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó khăn.

Để cởi nút thắt này giúp dân phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ trương vận động Nhân dân tích tụ ruộng đất để sản xuất theo hướng công nghiệp quy mô lớn.

Một hộ trồng táo xanh tại Thuần Mỹ, Ba Vì. Ảnh: Diệu Thu

Mô hình đầu tiên Thuần Mỹ triển khai vận động tích tụ ruộng đất là hộ gia đình ông Phùng Văn Trường ở thôn 5 đứng ra thuê đất của 22 hộ có đất xấu đang trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao. UBND xã đứng ra làm trọng tài giữa người cho thuê đất và người thuê đất để phát triển chăn nuôi trang trại.

Hiện nay, mô hình này đang phát triển thuận lợi. Từ mô hình thí điểm thành công này, xã Thuần Mỹ sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 2 – 3 mô hình chăn nuôi trang trại nữa đảm bảo nằm trong tỷ trọng của ngành nông nghiệp của xã.

“Trong điều kiện còn khó khăn, đồng ruộng chủ yếu là vùng bãi, ngoài việc duy trì các mô hình táo, ớt, chuối tiêu hồng, tới đây Thuần Mỹ sẽ triển khai thêm dự án trồng hành hoa và rau gia vị để bà con sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập” - ông Diên cho biết thêm.

Thành công ban đầu

Về xã Thuần Mỹ hôm nay sau hơn 2 năm thực hiện, dấu ấn sau dồn điền đổi thửa đã biến mảnh đất nơi đây ngày càng trở nên màu mỡ. Theo đó, trên địa bàn xã đã dần hình thành được các mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, ngoài việc cung cấp cho thị trường ớt cay, táo xanh với giá bán ổn định theo hợp đồng cho các công ty, người dân trong xã còn thắng lợi từ việc trồng chuối tiêu hồng.

Theo đó, 30 ha chuối tiêu hồng trên địa bàn xã thu hoạch có giá bán từ 200.000 – 300.000đồng/buồng chuối. Các hộ trồng chuối chia sẻ, với mức thu nhập bình quân 21 triệu đồng/sào, thì trồng chuối cũng cho hiệu quả kinh tế gấp tám, chín lần so với trồng ngô khi chưa chuyển đổi.

Riêng một số gia đình như ông Nguyễn Đắc Xô ở thôn 3, ông Nguyễn Hồng Dược thôn 4, ông Nguyễn Gia Đại thôn 5, ông Khuất Quang Hải thôn 6… với kinh nghiệm trồng chuối nhiều năm nên đạt tới 35 triệu đồng/sào thì hiệu quả kinh tế còn cao gấp hàng chục lần so với chưa chuyển đổi.

Đặc biệt, những vùng đất cát bạc màu, ruộng đồng manh mún, thiếu nước sản xuất trước kia cũng được đổi thay bằng những trang trại chăn nuôi, xen lẫn với cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như hộ ông Võ Hồng Hải đã mạnh dạn thuê khoán 4 ha đất bãi và đưa cây trồng mới vào trồng là cây dong giềng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, ngoài hiệu quả về kinh tế nâng cao thu nhập, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, cái được lớn nhất sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa tại Thuần Mỹ là đã hình thành một tư duy sản xuất mới cho bà con.

Đó là dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để vươn lên từng bước làm giàu. Thông qua thực hiện nhiệm vụ này, Thuần Mỹ cũng đã phát huy được vai trò của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong việc đề ra phương án sát với tình hình thực tế của địa phương.

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục