Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thấy gì khi Hollywood im tiếng trước vụ phim có ‘đường lưỡi bò’?
Thứ sáu: 09:14 ngày 25/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Everest - Người tuyết bé nhỏ", một bộ phim dành cho trẻ em của DreamWorks, có thể điểm bắt đầu của cơn ác mộng chính trị mới đối với Hollywood.

"Everest - Người tuyết bé nhỏ", một bộ phim dành cho trẻ em của DreamWorks, có thể điểm bắt đầu của cơn ác mộng chính trị mới đối với Hollywood.

Hollywood đang để tâm đến thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết. Nhưng không giống vụ việc gây tranh cãi liên quan đến quốc gia tỷ dân gần đây của Liên đoàn Bóng rổ Mỹ NBA, trang Foreign Policy đánh giá câu chuyện của Abominable (Everest - Người tuyết bé nhỏ) phức tạp hơn khi phía lên tiếng là các quốc gia gần kề Trung Quốc.

Lần lượt Việt Nam, Philippines và Malaysia đều tỏ thái độ quyết liệt trước chi tiết tấm bản đồ Trung Quốc có chứa "đường lưỡi bò" xuất hiện chớp nhoáng trong tác phẩm hoạt hình.

Đây là sản phẩm hợp tác giữa DreamWorks với Pearl Studios - một xưởng phim có trụ sở ở Thượng Hải. Tấm bản đồ cho thấy “đường 9 đoạn" đánh dấu khu vực Trung Quốc nhất quyết nhận là lãnh thổ của mình và chiếm gần hết vùng biển Đông về phía Nam của Trung Quốc.

Hollywood chiều chuộng Trung Quốc?

Tại Malaysia, Hội đồng Kiểm duyệt cho phép Abominable được trình chiếu nếu chịu loại bỏ cảnh có "đường lưỡi bò". Tuy nhiên, Universal từ chối điều đó mà không đưa ra bình luận nào thêm. Bộ phim hoạt hình rốt cuộc không thể ra rạp.

Trang Foreign Policy nhận định sự im lặng trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc là điều bình thường, nhưng việc quảng bá cách nhìn của chính phủ đất nước này về thế giới một cách công khai, như Abominable, thì không hề bình thường.

 Phim Abominable gây tranh cãi và bị cấm chiếu tại nhiều nước vì cảnh chứa "đường lưỡi bò" phi pháp.

Mọi chuyện có lẽ bắt nguồn từ việc Trung Quốc tiếp tục bùng nổ và được dự đoán sẽ sớm vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh số một thế giới. Chưa kể, chế độ kiểm duyệt tại quốc gia tỷ dân rất ngặt nghèo. Một năm, Hollywood và các nền điện ảnh khác trên thế giới chỉ có chưa đầy 40 suất ở Trung Quốc.

Thời thế quả là đã thay đổi. Trong thập niên 1990, Hollywood thậm chí đã cho ra đời những bộ phim về Tây Tạng như Seven Years in Tibet hay Red Corner. Nhưng lần cuối cùng kinh đô điện ảnh lên tiếng đã từ năm 1997 với Kundun. Sau đó, giám đốc điều hành Disney khi ấy là Michael Eisner đã bay tới Bắc Kinh để xin lỗi chính quyền Trung Quốc về tác phẩm.

Richard Gere từng có phát biểu ủng hộ Tây Tạng, và ông cho rằng mình sau này bị loại khỏi nhiều dự án lớn vì chuyện đó. Còn Brad Pitt - người đóng chính trong Seven Years in Tibet - thì bị cấm cửa tới Trung Quốc suốt gần 20 năm.

Trong quãng thời gian đó, chính World War Z (2013) của Pitt phải đổi địa điểm bùng phát dịch bệnh xác sống trong kịch bản từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên. Nếu nhìn lại, trong khoảng một thập kỷ vừa qua, người Trung Quốc chưa bao giờ là kẻ thù quân sự của Mỹ trong một tác phẩm lớn.

Không dừng lại tại đó, các bộ phim hợp tác giữa Mỹ - Trung Quốc còn chủ động cài cắm những thông điệp tích cực về khí tài quân sự và trình độ khoa học của quốc gia tỷ dân. Như ở Transformers: Age of Extinction (2014), quân đội Trung Quốc xuất hiện để cứu giúp nhân loại.

Cộng thêm những thông điệp ca ngợi Trung Quốc, hiệu quả thu về đạt ngoài sức tưởng tượng: Age of Extinction trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc khi ấy với 300 triệu USD.

Suốt nhiều năm nay, Hollywood phải tìm đủ cách để chiều lòng người Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục cứu vãn tình thế trong phim khoa học viễn tưởng The Martian với tài tử Matt Damon thủ vai chính. NASA phóng một tên lửa đặc biệt mang đồ tiếp tế lên cho phi hành gia bị mắc kẹt một mình trên Sao Hỏa. Nhưng nó phát nổ và mọi chuyện tưởng như đi vào ngõ cụt cho đến khi cơ quan vũ trụ Trung Quốc đột nhiên xuất hiện, sẵn sàng cho Mỹ mượn tên lửa.

Khách quan mà nói thì chi tiết có sẵn trong nguyên tác văn học, chứ không phải ý tưởng của hãng phim. Dù sao thì The Martian vẫn thu tới 95 triệu USD từ phòng vé Trung Quốc.

Xu thế hợp tác điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc còn giúp sản sinh ra nhiều bộ phim thừa tuyên truyền, nhưng thiếu chất lượng. Như trường hợp phim cá mập The Meg (2018) với Jason Statham và Lý Băng Băng đóng chính.

Trong phim, một tỷ phú người Mỹ tài trợ cho một trạm nghiên cứu hải dương học tân tiến đặt ở tận ngoài bờ biển Trung Quốc. Dĩ nhiên là nó được điều hành bởi những nhân vật chính diện quả cảm của đất nước này.

Canh bạc mà Hollywood phải chọn?

Abominable hẳn là một ví dụ khác. Bộ phim xoay quanh một bé gái người Trung Quốc bỗng phát hiện ra có người tuyết trên mái nhà mình, và cô quyết định giúp đỡ sinh vật trở về mái ấm trên dãy Himalaya.

Trang Foreign Policy cho rằng chính quyền Trung Quốc cùng các hãng phim có lẽ đã đi quá xa khi để tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" xuất hiện trên tường phòng nhân vật chính.

Tham vọng chính trị của Trung Quốc có lẽ sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong các xuất phẩm của Hollywood.

Sự kiện Abominable cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn kiểm duyệt gắt gao Hollywood nữa, mà như muốn biến kinh đô điện ảnh thành cỗ máy tuyên truyền mới của họ.

Rắc rối sẽ vẫn đeo bám các xưởng phim của Mỹ, nếu họ cứ tiếp tục im lặng trước những sự vụ kiểu Abominable để chiều lòng quốc gia tỷ dân.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục