Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thầy giáo khuyến khích sinh viên vay tiền để học
Thứ bảy: 03:20 ngày 09/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Cứ vay, cứ làm để trả và học cho xứng đáng đồng tiền bỏ ra. Đừng ngủ gục, cũng đừng đến lớp nếu không muốn học", thầy Thanh Long viết.

Thầy giáo Trần Đình Thanh Long (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) chia sẻ quan điểm về việc một số trường tăng học phí khi áp dụng cơ chế tự chủ.

Gần đây, tôi có nghe một số ý kiến từ sinh viên liên quan đến việc tăng học phí vì trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ. Một số than trách, một số bức xúc và một số bạn đồng tình. Nhân đây, xin đưa một vài ý kiến cá nhân liên quan đến việc này.

Đối với ban giám hiệu nhà trường, tự chủ có lẽ là điều chả ai muốn nếu như họ là những người làm việc quan liêu, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy. Bởi theo cơ chế cũ, trường cứ việc dạy, sao cũng được, “cha chung không ai khóc” mà. Năm nào trường cũng sẽ được nhà nước cung cấp kinh phí. Lời lỗ, giảng dạy ra sao, học trò ưng ý hay không, không quan trọng.

Theo cơ chế mới, trường sẽ phải tự cung tự cấp về kinh phí và vẫn chịu sự quản lý của nhà nước về chất lượng. Bộ máy quản lý của một trường đại học tự chủ giờ đây không những chỉ lo về chất lượng giảng dạy, mà còn làm những việc trước đây họ chưa từng phải làm, cân đối chi tiêu ngân sách, quản lý nhân sự chặt chẽ và hiệu quả, quảng cáo, PR cho từng đợt tuyển sinh. Làm những việc mà một số thầy, cô giáo chưa từng phải làm.

Áp lực tài chính nặng lên cho mỗi sinh viên là việc mà mỗi nhà quản lý có tâm nào cũng sẽ nghĩ đến, nhưng cái mà họ còn phải đặt lên bàn cân là tương lai tài chính của trường trong triển vọng nhiều năm. Nuôi cả một bộ máy giáo viên không phải là chuyện đơn giản. Chưa kể đến chuyện sẽ phải có những quyết định khó khăn trong việc tinh giản biên chế. Nếu có bạn sinh viên nào may mắn ra đời làm giám đốc hay start-up sẽ hiểu điều này, cuối tháng nhân viên mừng, sếp lo!

Đối với sinh viên, nếu như cả một bộ máy cồng kềnh của nhà nước đã dám thay đổi thì tại sao bạn lại không? Cái cần thay đổi ở đây là lối suy nghĩ, tư duy (mindset). Sinh viên Việt Nam gần như không đặt vấn đề học phí khi thi vào trường công. Năm học lớp 12 họ chỉ nghĩ phải vào được trường công để có một CV đẹp hơn, để tự tin với thiên hạ, để được học tốt hơn vì trường công thường có giáo viên giỏi.

Công nhận điều này đúng nhưng có bữa ăn nào miễn phí đâu bạn. Ở các nước tiên tiến như Mỹ, sinh viên, phụ huynh luôn ý thức được khoản tài chính mà họ sẽ phải chi ra nếu học đại học. Và gần như đối với các gia đình không có điều kiện, việc vay nợ (student loan) là chuyện hết sức bình thường. Để được học thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, bạn phải trả nhiều tiền hơn chứ! Các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm, học phí cao bạn vẫn trả tiền đó thôi. Sao thế nhỉ?

Nói đi thì cũng cần nói lại, đương nhiên sinh viên, phụ huynh cũng sẽ có cái khó của mình khi học phí tăng đột ngột. Xin đừng vội trách nhóm sinh viên, phụ huynh bức xúc vì chuyện học phí tăng là ích kỷ. Đụng tới nồi cơm ai mà chẳng xót. Tôi tin rằng đa phần các bạn chỉ đang hoảng sợ hơn là ích kỷ. Tuy vậy, nếu mỗi người cố gắng nhìn vấn đề rộng hơn một chút thì đây sẽ là một chuyển biến rất tốt cho giáo dục Việt Nam về lâu dài.

Quản lý trường đại học theo cơ chế tự chủ (University autonomy) là khái niệm đã có từ rất lâu trong giáo dục tiên tiến. Nếu trường đại học tự chủ, trường có thể thu học phí cao để cân bằng chi phí. Bù lại họ phải không ngừng nâng cao chất lượng, nếu không sẽ bị đào thải.

Theo ngôn ngữ kinh doanh là doanh thu giảm dần, thu không bù chi sẽ dẫn đến phá sản. Chẳng phải chúng ta đi đâu cũng rêu rao rằng giáo dục Việt Nam ì ạch quá hay sao? Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây thì tôi xin đưa ra hai góp ý nhỏ trong thời kỳ chuyển giao này.

Một là các bạn sinh viên nếu thật sự học giỏi thì nhà trường sẽ luôn có cơ chế học bổng. Mà trước giờ, học bổng luôn là một nguồn kinh phí cố định, sinh viên sẽ được xét theo điểm, thành tích từ trên xuống. Tự chủ hay không tự chủ cũng thế, muốn học bổng bạn phải học giỏi và giỏi hơn người khác.

Thứ hai, nếu bạn là sinh viên không quá nghèo để được trợ cấp thì nên đi làm thêm hoặc vay tiền để học, chuyện bình thường. Cứ vay, cứ làm để trả và hãy học cho xứng đáng đồng tiền mình bỏ ra. Đừng ngủ gục. Và cũng đừng đến lớp nếu như không muốn học. Và hãy sẵn sàng phê bình các thầy cô dạy vô trách nhiệm.

Ban quản lý nhà trường có lẽ nên đưa thêm một câu trong các brochure về trường. Câu này gần như trường nào ở nước ngoài cũng có: “Tuition, fees, and charges are subject to change...” (Học phí có thể thay đổi tùy theo…).

Nếu có câu này sinh viên sẽ được chuẩn bị trước về mặt tinh thần hơn về các vấn đề liên quan đến học phí.

Nguồn VNE

Trần Đình Thanh Long
Khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Tin cùng chuyên mục