Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thể dục mùa Covid-19
Thứ bảy: 07:36 ngày 08/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hằng ngày, tôi có thói quen dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ. Môn thể dục nhẹ ấy giúp tôi giải quyết được nhiều vấn đề sức khoẻ: giảm cân, ổn định huyết áp, nhịp tim, tăng cường sự dẻo dai, giúp cơ thể sảng khoái khi khởi đầu một ngày làm việc mới.

Bạn đồng hành thể dục buổi sáng với tôi ngoài những người đi bộ còn có vài người chọn môn đi xe đạp. Hoành tráng, nhưng cũng lỉnh kỉnh hơn với áo quần giày vớ mũ mãng cùng chiếc xe đạp thường là “hàng hiệu”.

Hơi tốn tiền nên chỉ các đối tượng “đại gia” hoặc trung lưu mới dám chơi. Vài người lười di chuyển lại chọn cách ra công viên đứng huơ tay chân hít thở khí trời hoặc tập vài môn gym đơn giản trên mấy thứ công cụ tập tành miễn phí có sẵn tại công viên. Thôi, chọn môn nào cũng tốt miễn là có tập!

Vậy nhưng, so với mật độ cộng đồng dân số nơi tôi sống, số người tham gia thể dục buổi sáng vẫn còn quá ít, lại hầu hết là người trung niên, người già. Đừng mong tìm ra bóng dáng người trẻ. Nói tới chuyện trẻ lười thể dục, ông bạn đồng hành với tôi cười cay đắng: mình có tuổi rồi, cơ thể phát sinh “vấn đề” mới ráng đi thể dục.

Chúng nó còn trẻ, có biết đau nhức, tim mạch hay huyết áp cao là gì đâu! Ông bạn nói đúng, cái tư duy “cần gì thể dục” khi cơ thể chưa có dấu hiệu bệnh tật không chỉ riêng ở người trẻ mà vẫn tồn tại nơi một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi xứ ta.

Nói đâu xa, ông hàng xóm (có biệt danh “lười nhất xóm”) cạnh nhà tôi tuổi đã ngoài sáu mươi sáng nào cũng dậy sớm. Nhưng ông dậy sớm chỉ để hút thuốc, uống trà và… ngồi lì trước bàn cờ tướng! Rủ đi thể dục rèn sức khoẻ ông lắc quầy quậy, đáp tỉnh bơ: sức khoẻ tui có sao đâu mà phải rèn (!?).

Vậy nhưng, từ lúc có tin dịch Covid- 19 tái bùng phát, tình hình đã đổi khác.

Địa phương tôi ở yêu cầu giãn cách xã hội chưa “căng”, vậy nên 5 giờ sáng như thường lệ tôi vẫn (đeo khẩu trang) ra đường, xuống công viên. Lạ, bạn đồng hành hôm nay không chỉ lèo tèo dăm người (lớn tuổi) như mọi khi mà đông nườm nượp! Lạ hơn, số đông ấy có thêm rất nhiều người trẻ.

Cả vài em bé cũng được ba mẹ, anh chị dắt đi. Số “tân binh” kia nhìn qua biết ngay người đi thể dục buổi sáng lần đầu; bởi tác phong của họ không “chuyên nghiệp” như những người xưa nay vẫn tập tành cần mẫn. Hỏi mới biết: thì ra phong trào thể dục tăng cao là do người ta… sợ dịch.

Truyền thông cho biết: virus Corona dễ lây nhiễm, sức công phá mạnh đối với những người thể lực yếu kém. Vậy nên người già, người có bệnh lý khác mới dễ mắc bệnh, dễ tử vong hơn người trẻ khoẻ. Nhà nước đang khuyến cáo toàn dân chịu khó rèn luyện thân thể, nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng.

Truyền thông phổ biến xuống. Bà con truyền tai nhau. À, thảo nào mấy hôm nay sáng sáng hầu như dân cả xóm tôi nườm nượp ra đường, từng lượt xuống công viên. Đi bộ nhiều. Đi xe đạp cũng đông. Không chỉ rặt những chiếc xe đạp thể thao “hàng hiệu” như mọi hôm mà đủ các sắc xe cũ/mới đua chen.

Có ông già tuổi bảy mươi lụm cụm đạp chiếc xe “em bé” (chắc là của đứa cháu đang bậc tiểu học), trong khi một cậu nhỏ tuổi chừng mười ba thấp bé lại đang vất vả với chiếc xe đạp lênh khênh quá tầm. Ám ảnh dịch bệnh dường như đang hối thúc mọi người siêng năng hơn trong chuyện tập tành.

Tranh thủ thời gian mà rèn luyện, nâng cao thể lực mau mau trước khi mọi sự trở thành quá muộn! Phải, toàn dân đang đoàn kết, chung sức chung lòng quyết tâm chống “giặc” Corona. Sức khoẻ của mỗi cá nhân quan hệ mật thiết với sức khoẻ cả cộng đồng.

Một người nhiễm bệnh dẫn đến nguy cơ cả cộng đồng chịu lây lan. Vậy nên có ý thức tự rèn luyện, tự giữ an toàn cho bản thân chính là hành động cụ thể chứng minh tình yêu đồng bào, yêu đất nước.

Ý thức ấy dường như cũng đã được đánh động nơi ông hàng xóm “lười nhất xóm”, bởi sáng nay tôi dậy sớm, nhìn qua bên nhà thấy ông đang mặc áo, xỏ giày và dắt chiếc xe đạp ra sân…

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục