Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tuần qua (8-14/4), thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý. Trong đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản hay việc Trung Quốc và Triều Tiên thúc đẩy hợp tác song phương … đã cho thấy những chuyển động tích cực trong việc củng cố mối quan hệ giữa các nước, hướng tới quyết nhiều vấn đề trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và phu nhân Yuko đến Nhà Trắng, chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân, ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 9/4 (Ảnh: AFP)
Tối 8/4 (theo giờ Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã rời thủ đô Tokyo bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 5 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách là khách mời cấp nhà nước kể từ chuyến thăm của ông Abe Shinzo vào năm 2015.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai đồng minh về kinh tế, quân sự…Hai bên cũng xác định các thách thức chiến lược chung hiện nay, từ đó đưa ra chương trình tăng cường hợp tác với các đối tác phù hợp để ứng phó với thách thức chiến lược này. Với việc dành cho nhà lãnh đạo Nhật Bản sự tiếp đón trọng thị, Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh, đối tác trong khu vực để duy trì lợi thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định Nhật Bản và Mỹ đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều vấn đề quốc tế. Vì vậy, quan hệ hai nước phải được tăng cường và chuyến thăm này là cơ hội để cho thế giới thấy điều đó, nhất là trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu phức tạp như hiện nay.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nhật Kishida, ngày 11/4 đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Philippines tại Nhà Trắng. Ngoài thúc đẩy hợp tác kinh tế, duy trì lợi ích từ một khu vực năng động, an ninh cũng được coi trọng, trong đó có vấn đề an ninh trên biển. Đây là hội nghị được chờ đợi trong bối cảnh cả Washington và Tokyo đều đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và kinh tế với Manila. Giới chuyên gia dự đoán cuộc họp thượng đỉnh ba bên đầu tiên này sẽ mở đường cho các cuộc tuần tra hải quân chung ba bên vào cuối năm nay.
Trung Quốc, Triều Tiên thúc đẩy hợp tác song phương
Ủy viên trưởng Nhân Đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế (trái) và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Choe Ryong Hae. (Ảnh: THX)
Ngày 11/4, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân Đại) toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã tham dự các sự kiện đánh dấu 75 năm Trung Quốc và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Triệu Lạc Tế đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Choe Ryong Hae.
Tại cuộc hội đàm, hai bên tập trung “thảo luận các chủ đề liên quan đến chính sách tích cực thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hóa, phù hợp với nguyện vọng cao cả của lãnh đạo cấp cao của hai đảng, hai nước.”
Hai bên tuyên bố năm 2024 là khoảng thời gian quan trọng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc, là “năm hữu nghị Triều-Trung” và do đó sẽ phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống Triều Tiên-Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên cũng “trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm,” ký kết các văn kiện thống nhất giữa hai Chính phủ và các cơ quan của Triều Tiên và Trung Quốc.
Chuyến thăm của Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc là hoạt động ngoại giao cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kể từ năm 2019 và cũng đánh dấu việc một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên kể từ sau đại dịch COVID-19. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Trung-Triều, mà còn đối với tình hình khu vực.
Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nêu lo ngại về lạm phát tăng cao “trên diện rộng” thời gian gần đây, nhưng vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất bắt đầu trong năm nay. Đây là nội dung biên bản cuộc họp lãi suất tháng 3 vừa qua, được công bố ngày 10/4.
Fed đã giữ lãi suất cho vay chuẩn ở mức cao nhất trong 23 năm sau cuộc họp tháng 3, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nỗ lực đưa lạm phát xuống mức mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng trung ương.
Mức tăng lạm phát đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh vào năm 2022, nhưng sau đó lại tăng cao trong những tháng gần đây, dẫn đến những phỏng đoán của thị trường về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất, ngay cả khi các chỉ số khác cho thấy “thể trạng” nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ.
Tại cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đề xuất thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, cho thấy họ kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2%.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba vừa qua tăng 0,4% so với tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%.
Cả hai mức này đều cao hơn so với dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Dự kiến, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tiếp tục nhóm họp về vấn đề lãi suất vào cuối tháng này và công bố quyết định vào ngày 1/5 tới.
Hàn Quốc: Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết thực hiện nhiều cải cách
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ thực hiện nhiều cải cách để phản ánh ý chí của người dân. (Ảnh: Yonhap)
Ngày 11/4, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ cải cách các vấn đề nhà nước để phản ánh ý chí của người dân sau thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Lee Kwan-seop dẫn lời ông Yoon Suk Yeol cam kết "sẽ khiêm tốn chấp nhận ý chí của người dân được thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử và sẽ cố gắng cải cách chính quyền, đồng thời nỗ lực hết sức để ổn định nền kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân”.
Theo thông tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Han Duck-soo cùng 3 trợ lý cấp cao của Tổng thống, trong đó có ông Lee Kwan-seop đã đề nghị từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại của PPP trong cuộc bầu cử.
Theo số liệu được Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) công bố Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc giành được 161/254 ghế tranh cử trực tiếp, trong khi Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền chỉ giành được 90 ghế.
Tính cả số ghế theo tỷ lệ đại diện đảng, DP và và đồng minh giành được 176 ghế trong khi đảng PPP và đồng minh sẽ chỉ giành được 109 ghế trong Quốc hội gồm 300 thành viên
Trước đó, ngày 10/4, cử tri Hàn Quốc đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa mới. Theo một số chuyên gia Hàn Quốc, cuộc bầu cử Quốc hội lần này có thể coi là đợt sát hạch uy tín từ cử tri đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, vốn đã đi quá nửa nhiệm kỳ. Kết quả này cũng được dự báo sẽ tác động đến các chính sách điều hành quốc gia của Chính phủ đương nhiệm, đòi hỏi Tổng thống phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đường lối điều hành đất nước.
Cộng đồng thế giới quan ngại trước các vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel
Các hệ thống phòng không tại thành phố Ashkelon của Israel hoạt động vào ngày 14/4 sau khi Iran tấn công. (Ảnh: Reuters)
Phái đoàn đại diện Iran tại Liên hợp quốc, ngày 14/4 tuyên bố hành động quân sự lần này nhằm đáp trả cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà ngoại giao của Tehran tại Damascus (Syria). "Hành động này có thể được coi là sự kết thúc. Nhưng nếu Israel phạm thêm sai lầm, phản ứng của Iran sẽ nghiêm trọng hơn đáng kể", hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao Iran cho biết.
Bên cạnh đó, Iran cũng gửi lời cảnh báo tới các bên ủng hộ Israel rằng "đây là xung đột giữa Iran và Israel" và "Mỹ phải tránh xa". Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X cùng ngày, phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc nêu rõ: "Hành động quân sự của Iran là nhằm đáp trả cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở ngoại giao của chúng tôi ở Damascus. Tuy nhiên, nếu chính quyền Israel phạm một sai lầm khác, phản ứng của Iran sẽ nghiêm khắc hơn nhiều. Đây là cuộc xung đột giữa Iran và Israel mà Mỹ cần phải tránh xa."
Bộ Quốc phòng Iran cùng ngày yêu cầu các nước không mở không phận để cho phép Israel tấn công vào lãnh thổ nước này, nếu không "sẽ nhận được đáp trả mạnh mẽ."
Ngay lập tức, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ quan ngại trước nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Iran - Israel có nguy cơ dẫn tới nhiều nguy cơ gây bất ổn khu vực.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng đây là “cấp độ mới” về căng thẳng an ninh. Trên mạng xã hội X, ông Sejourne nhấn mạnh Pháp phản đối một cách mạnh mẽ nhất cuộc tấn công do Iran phát động nhằm vào Israel. Ngoại trưởng Pháp cho rằng "Iran đang liều lĩnh trong hành động leo thang quân sự.” Ngoại trưởng Sejourne đồng thời nhắc lại cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng các cuộc tấn công của Iran vào Israel là “sự leo thang chưa từng có” và "đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực."
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng phản đối cuộc tấn công của Iran vào Israel. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Sunak nói rằng: “Những cuộc tấn công này có nguy cơ gây căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực."
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án cuộc tấn công của Iran, gọi đây là hành động "leo thang nghiêm trọng" và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa tránh nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự lớn trên nhiều mặt trận tại Trung Đông./.
Nguồn dangcongsan.vn