Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thế giới tuần qua: Pakistan chống chọi mưa lũ kỷ lục; Hội nghị G20 không đạt thỏa thuận
Chủ nhật: 14:40 ngày 04/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thế giới vừa trải qua một tuần lễ mới với hai sự kiện nổi bật là thảm hoạ lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại Pakistan và việc Hội nghị khí hậu và năng lượng của G20 không đạt được đột phá.

Khủng hoảng nhân đạo tại Pakistan

Các nhà hoạt động nhân đạo tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 2/9 đã lên tiếng cảnh báo rằng quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Pakistan hiện nay là chưa từng có, với một phần ba lãnh thổ của quốc gia này đang ngập trong nước.

Tiến sĩ Palitha Mahipala, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Pakistan cho biết thảm họa lũ lụt gần đây đã khiến 33 triệu người, tức 15% dân số Pakistan, bị ảnh hưởng. Trong số đó, 6,4 triệu người đang rất cần viện trợ nhân đạo. 

Nước lũ cô lập một cụm dân cư ở Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vài tuần qua, các trận mưa lớn kỷ lục đã trút xuống lượng nước lớn gấp 5 lần so với lượng mưa trung bình trong 30 năm ở một số tỉnh, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương kể từ tháng 6 đến nay. Có gần 400 trẻ em trong số nạn nhân xấu số.

Với 1,1 triệu ngôi nhà bị cuốn trôi và vô số cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học bị phá hủy, Đại diện của UNICEF tại Pakistan, Abdullah Fadil cho hay: “18.000 trường học bị phá hủy và hàng nghìn trường học hiện đã đóng cửa. Điều đó có nghĩa là những em nhỏ không được đi học trong hai năm qua bây giờ cũng đang mất đi cơ hội học tập”.

Bên cạnh sự gián đoạn lớn đối với hệ thống giáo dục, các cơ sở y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khiến những người dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Số ca bệnh lây truyền qua đường nước chẳng hạn như tiêu chảy, dịch tả, sốt xuất huyết hoặc sốt rét đang gia tăng. 

Theo những hình ảnh chụp bằng vệ tinh mới đây của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.ưa gió xối xả đã khiến sông Indus tràn bờ, nhấn chìm vùng đất rộng hàng chục km.

Do mưa lớn vẫn còn tiếp diễn và lũ lụt có khả năng tồi tệ hơn trong những ngày tới, giới chức Pakistan cần cấp bách mở rộng quy mô giám sát dịch bệnh, khôi phục các cơ sở y tế bị hư hỏng, đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, những thiệt hại về cây trồng và vật nuôi cũng sẽ tác động đáng kể đến cả sinh kế và dinh dưỡng của các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Người dân được sơ tán khỏi vùng lũ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch của Pakistan, ông Ahsan Iqbal ngày 29/8 ước tính sơ bộ thiệt hại do các trận lũ lụt gần đây ở nước này có thể lên tới hơn 10 tỷ USD, khi tàn phá phần lớn cơ sở hạ tầng, cầu, đường, mùa màng. Đây là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ qua ở nước này.

Bộ trưởng Iqbal cho rằng phải mất 5 năm để tái thiết đất nước và tái định cư người dân, trong khi trước mắt phải ứng phó với tình trạng khan hiếm lương thực nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Sherry Rehman nêu rõ 1/3 diện tích lãnh thổ Pakistan hiện đang ngập lụt và tình hình hiện nay là "thảm họa nhân đạo do khí hậu gây ra".

Ngày 29/8, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết cơ quan này sẽ tăng cường hỗ trợ Pakistan ứng phó với lũ lụt nghiêm trọng. Theo ông Dujarric, LHQ cùng với Chính phủ Pakistan đang lên kế hoạch quyên góp 160 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp những người dễ bị tổn thương nhất. Lời kêu gọi sẽ được đưa ra đồng thời từ Geneva và Islamabad trong ngày 30/8. 

Pakistan, quốc gia vốn đang đối mặt với bất ổn chính trị và kinh tế, đã bị xếp vào tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra. Quốc gia Nam Á này với 220 triệu dân này đã phải đối mặt với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong năm nay, từ những đợt nắng nóng kỷ lục đến những trận lũ lụt chết người.

Nhà chức trách Pakistan ước tính sơ bộ thiệt hại do các trận lũ lụt gần đây ở nước này có thể lên tới hơn 10 tỷ USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị G20 không đạt đột phá

Các cuộc đàm phán về khí hậu và năng lượng của Nhóm Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, trong tuần qua đã khép lại mà không đạt được thỏa thuận nào đột phá, phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên về cách giải quyết biến đổi khí hậu. 

Ngày 31/8, hội nghị về khí hậu đã kết thúc mà không ra tuyên bố chung, mặc dù nước Chủ tịch cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần chung tay hành động để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu nếu không muốn Trái Đất trở thành vùng hoang mạc.


Cuộc họp các quan chức cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc họp dài một ngày này khép lại với việc Bộ trưởng Môi trường và lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar thông báo rằng Chủ tịch G20 Jakarta sẽ chỉ ra một bản tổng kết các mục tiêu của diễn đàn. Sự chia rẽ giữa các nước thành viên về cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến mùa lũ kinh hoàng tại Pakistan làm hơn 1.000 người thiệt mạng và đợt hạn hán cực đoan diễn ra trên một nửa diện tích lãnh thổ Trung Quốc.

Một nghiên cứu công bố trong tháng 8 cho thấy Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn gần 4 lần những nơi khác trên hành tinh trong vòng 40 năm qua, cho thấy các mô hình khí hậu và các chính phủ đang đánh giá chưa đúng tỷ lệ ấm lên ở vùng cực. Bộ trưởng Bakar lưu ý: “Chúng ta không thể che giấu sự thật rằng thế giới đang đối mặt với thách thức ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu có thể trở thành một chất xúc tác làm gia tăng các cuộc khủng hoảng đang có” về giá năng lượng và khan hiếm lương thực toàn cầu.

Ngày 2/9, đàm phán về năng lượng của G20 cũng đã kết thúc với tình trạng tương tự. Giá năng lượng đã tăng chóng mặt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, chứng kiến nhiều nước phương Tây đang tranh giành lẫn nhau để tìm được nguồn cung thay thế trong nỗ lực cắt đứt hoạt động nhập khẩu từ Nga.

Những biến động về thị trường năng lượng đang gây áp lực lên các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif, cho biết các quan chức đã không đạt được tuyên bố chung vì còn tồn tại những khác biệt to lớn. 

Tại cuộc họp, nước chủ nhà Indonesia đã đưa ra một kế hoạch không ràng buộc mang tên "Hiệp ước Bali", trong đó có các nguyên tắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng sang năng lượng xanh hơn.

Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif cho biết "Hiệp ước Bali" liệt kê các nguyên tắc để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và đã được tất cả các thành viên G20 đồng ý.

Thông tin chi tiết về hiệp ước trên không được công bố nhưng Bộ trưởng Tasrif cho biết kế hoạch này nhằm tăng cường quản lý nguồn năng lượng quốc gia để cải thiện an ninh năng lượng, hiệu quả sử dụng và thúc đẩy đầu tư tài chính.

"Cuộc khủng hoảng hiện tại cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng", một nguồn tin cho biết. 

Nguồn Báo Tin tức (Theo France24/Reuters)

Tin cùng chuyên mục