Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thế giới tuần qua: Phương Tây áp giá trần dầu Nga; Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng Covid-19
Chủ nhật: 09:25 ngày 11/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phương Tây áp giá trần dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển và Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Phương Tây áp giá trần dầu Nga

Nhà máy lọc dầu của Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết quyết định mới nhằm gây ảnh hưởng nặng nề hơn lên doanh thu từ dầu mỏ của Nga và giảm khả năng của nước này trong việc “bơm” ngân sách cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Nếu không có giới hạn giá trần của G7 và EU, Nga hoàn toàn có thể tìm được khách mua mới với giá thị trường. Với biện pháp áp giá trần, các công ty bảo hiểm và các công ty vận chuyển chỉ có thể giao dịch với dầu thô của Nga nếu chúng được định giá bằng hoặc thấp hơn mức trần. Các nước EU sẽ điều chỉnh lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng một lần, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng mức giá trần mới thấp hơn 5% so với giá trung bình trên thị trường.

Phản ứng trước những động thái từ các nước phương Tây, Nga tuyên bố sẽ không cung cấp dầu, khí đốt cho các nước ủng hộ động thái trên, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định quan điểm của Nga là không thay đổi, khi cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của nước này là biện pháp không hiệu quả, mang tính “phi thị trường”, can thiệp vào thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần.

Bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Hiện có tới 90% các công ty bảo hiểm trên đường biển đang thuộc các nước châu Âu như Anh, Luxembourg hay Thụy Điển. Vận chuyển đường biển mà không có bảo hiểm ẩn chứa nhiều rủi ro và thường là yêu cầu không thể thiếu của loại hình vận tải này. Do đó, các nước phương Tây kỳ vọng với cơ chế mới, họ có thể kiểm soát giá dầu được bán thông qua các hợp đồng vận chuyển với dầu từ Nga.

Tuy nhiên, phương Tây có kiểm soát được việc xuất dầu của Nga trên biển hay không, đây là điều không hề dễ dàng. Các nhà phân tích nhận định Nga sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác nhằm ổn định nguồn nhập khẩu, cũng như tìm cách đẩy mạnh lĩnh vực bảo hiểm hàng hải của riêng mình để tránh các biện pháp trừng phạt một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, phương Tây cũng chẳng thể kiểm soát được lượng dầu mà Nga bán ngoài sổ sách cho các đối tác bằng cách sử dụng những tàu vận chuyển dầu của nước này.

Hơn nữa, việc thực thi lệnh các lệnh trừng phạt có thể khiến một lượng dầu thô đáng kể của Nga “bốc hơi” khỏi thị trường. Điều đó sẽ khiến giá dầu tăng vọt, các nền kinh tế phương Tây chịu nhiều ảnh hưởng, trong khi nguồn thu từ dầu của Nga vẫn có thể tăng từ bất cứ đơn hàng nào nước này vận chuyển đi bất chấp lệnh cấm vận.

Song Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Bỉ cho biết mức trần 60 USD/thùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga. Chuyên gia này chỉ ra mức trên vốn đã khá gần mức giao dịch hiện thời của dầu Nga là quanh 65 USD/thùng.

Hiện chưa rõ Nga sẽ có biện pháp đáp trả nào đối với việc phương Tây áp giá trần dầu mỏ, song chắc chắn rằng các biện pháp trả đũa giữa hai bên sẽ khiến thị trường năng lượng toàn cầu thêm bất ổn, và chính người tiêu dùng sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hệ lụy đầu tiên từ động thái áp giá trần dầu mỏ của phương Tây với Nga đã xuất hiện, sau khi tờ Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu tại các vùng biển ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng tắc nghẽn xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu phải có bảo hiểm đầy đủ mới được đi qua các eo biển của nước này sau khi việc áp giá trần dầu thô của Nga có hiệu lực.

Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng COVID-19

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau gần 3 năm kiên trì theo đuổi chiến lược “không COVID-19”, ngày 7/12, Trung Quốc đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Theo quy định mới, những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không có triệu chứng có thể thực hiện cách ly tại nhà, chấm dứt yêu cầu cách lý các ca nhiễm tại các cơ sở tập trung do Chính phủ Trung Quốc chỉ định.Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết nước này cũng sẽ giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR. Trong khi đó, xét nghiệm hàng loạt bắt buộc cũng sẽ giới hạn ở các khu vực và trường học “có nguy cơ lây nhiễm cao”.

Ngoài ra, những người đi lại liên tỉnh ở Trung Quốc cũng sẽ không còn cần phải trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và không cần phải xét nghiệm tại điểm đến.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, bắt đầu từ ngày 6/12, người dân ở thành phố 21 triệu dân này sẽ không còn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào các siêu thị, tòa nhà văn phòng, công viên và những địa điểm công cộng khác, thay vào đó chỉ cần quét mã sức khỏe.

Tuy nhiên, đối với một số địa điểm giải trí trong nhà như quán cà phê Internet và quán bar, người dân vẫn cần xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ. Các dịch vụ ăn uống tại chỗ cũng đã hoạt động trở lại từ ngày 6/12, nhưng khách hàng cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ và quét mã sức khỏe.

Gần 50 thành phố trên toàn Trung Quốc – gồm Thượng Hải, Thâm Quyến,Thành Đô, Thiên Tân, Vũ Hán – cũng đã công bố các biện pháp tương tự nhằm nới lỏng những yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với những người đến một số địa điểm công cộng.

Điểm xét nghiệm COVID-19 tại nhà ga Hongqiao ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng những biện pháp này được điều chỉnh linh hoạt và khoa học dựa trên nhiều yếu tố, như tình hình dịch bệnh, độc lực và khả năng gây bệnh của virus cũng như các điều kiện hỗ trợ y tế khác. Tuy nhiên, giới chức cảnh báo họ vẫn sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng tử vong và nguồn lực y tế trong trường hợp cần tái siết chặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

Giới phân tích bình luận động thái nới lỏng các biện pháp phòng dịch là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang xoay chuyển từ chính sách “không COVID” sang hướng đến sống chung với dịch bệnh. Một số chuyên gia hoan nghênh bước điều chỉnh mới nhất có thể vực dậy nền kinh tế và tiền tệ đang suy yếu của Trung Quốc.

Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại Pinpoint Asset Management, chia sẻ: “Nỗ lực thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mở lại hoàn toàn biên giới trước giữa năm 2023”.

Các tín hiệu từ Trung Quốc cũng khiến thị trường toàn cầu lạc quan hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với viễn cảnh u ám trong năm tới. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh các hành động quyết đoán của chính quyền Trung Quốc trong việc điều chỉnh lại chính sách về dịch COVID-19 nhằm tạo động lực tốt hơn cho sự phục hồi tăng trưởng ở Trung Quốc. Sự thể hiện của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với nước này mà còn đối với nền kinh tế thế giới”.

Còn đối với người dân, nhiều người bày tỏ vui mừng khi cuộc sống bình thường đã quay trở lại. Trên mạng xã hội Weibo, thông báo nới lỏng biện pháp phòng dịch đã trở thành chủ đề có lượt xem nhiều nhất. “Đã đến lúc cuộc sống của chúng ta quay lại bình thường và Trung Quốc trở lại với thế giới”, một người dùng Weibo viết.

Nguồn tin tức

Tin cùng chuyên mục