Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vòng xoáy dịch COVID-19 đang quay trở lại, diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và việc giá vàng liên tiếp lập các mức kỷ lục trong lịch sử là hai sự kiện thế giới đáng chú ý trong tuần.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Làn sóng lây nhiễm mới ở châu Á - Thái Bình Dương
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương đã từng kiểm soát được dịch COVID-19 trong làn sóng đầu tiên nay đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới rất đáng lo ngại.
Ngày 1/8, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo đã phát hiện thêm 472 ca mắc COVID-19. Đây là mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020 và là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới liên tục phá đỉnh. Như vậy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Tokyo cho đến thời điểm này là 13.163 người, trong đó chỉ riêng trong tháng 7 đã có 6.466 người mắc mới, mức cao nhất trong một tháng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trước làn sóng lây nhiễm mới, kể từ ngày 1.8, chính quyền thủ đô Tokyo đã một lần nữa yêu cầu các quán bar và cửa hàng karaoke đóng cửa sớm (vào lúc 22 giờ tối) để hạn chế sự lây lan của virus SARS-COV-2.
Cùng ngày, tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân ở nhà trong 2 tuần trong bối cảnh địa điểm du lịch nổi tiếng này đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng.
Tính trên cả nước Nhật Bản, đến nay nhà chức trách đã ghi nhận gần 35.200 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 1.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1. Số ca nhiễm đã gia tăng sau khi chính quyền trung ương dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua.
Tại Hàn Quốc, trong tuần qua chính phủ đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân COVID-19 người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị, trong bối cảnh các ca bệnh ngoại nhập ở nước này tăng đột biến. Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc tuy giảm, song giới chức y tế nước này vẫn đang nâng cao cảnh giác do những quan ngại về khả năng lây nhiễm bệnh từ nước ngoài và trong cộng đồng trong thời gian nghỉ Hè.
Ngày 31.7.2020, Tòa án Hàn Quốc đã phát lệnh bắt giữ Lee Man-hee, người đứng đầu giáo phái Tân Thiên Địa, giáo phái có liên quan tới 5.000 ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cũng trong tuần qua, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) hôm 31.7 đã thông báo hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp của vùng lãnh thổ này do đại dịch COVID-19. Quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu vào ngày 6/9 tới được đưa ra trong bố cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hong Kong đang gia tăng.
Hong Kong từng là hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch, với việc các ca lây nhiễm trong cộng đồng đã kết thúc từ đầu mùa Hè. Tuy nhiên, từ tháng 7, làn sóng lây nhiễm đã trở lại. Hơn 2.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận từ đầu tháng 7, tương đương 60% tổng số ca nhiễm tại đặc khu này kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên cuối tháng 1. Trong ngày 1.8, Hong Kong ghi nhận 125 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, thành phố này ghi nhận trên 100 ca nhiễm mới mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.396. Số ca tử vong tăng 7 ca trong ngày 1.8, lên tổng số 31 ca.
Trong khi đó, dù hầu hết các khu vực ở Australia đều đã khống chế thành công dịch COVID-19, nhưng đợt bùng phát dịch bệnh tại bang đông dân là Victoria đã khiến nhà chức trách phải tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng trên toàn quốc. Giới chức Australia đã triển khai một nhóm nhân viên y tế khẩn cấp tới các nhà dưỡng lão ở thành phố Melbourne, bang Victoria, để kiểm soát . Ngoài ra, thành phố Sydney, bang New South Wales, cũng đang là một "điểm nóng" COVID-19.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Melbourne, Australia, ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài ra, vòng xoáy mới bùng phát dịch COVID-19 đang bao vây không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tại châu Âu, nhiều các quốc gia đang triển khai chương trình mở cửa lại theo lộ trình cũng đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Hôm 31.7, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo sẽ hoãn kế hoạch nới lỏng phong tỏa giai đoạn tiếp theo tại vùng England do tỷ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này gia tăng trở lại.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Đức đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai do người đi du lịch trở về từ những nước có tình hình dịch phức tạp như Tây Ban Nha. Từ tuần tới, Đức có kế hoạch triển khai chương trình xét nghiệm bắt buộc tại sân bay đối với tất cả những người đi nghỉ về từ những khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Giá vàng vọt lên đỉnh mới do triển vọng kinh tế u ám
Sau khi vọt lên mức giá cao nhất trong lịch sử với 1.930 USD/ounce hôm 27.7, giá vàng lại tăng tiếp tục lập kỷ lục mới là 1.983,36 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần vào ngày 31.7 tại New York, Mỹ.
Theo giới chuyên gia, giá vàng liên tục lập đỉnh, sau đó "nhảy múa" ở mức cao có nguyên nhân từ triển vọng kinh tế u ám và những ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn của đại dịch COVID-19.
Cho rằng vàng là nơi trú ẩn cuối cùng trước mối đe doạ lạm phát đối với đồng đô-la Mỹ, tập đoàn Goldman Sachs đã dự đoán giá vàng có thể tăng lên mức 2.300 USD/ounce vào tháng 7.2021. Thậm chí hôm 31.7 Ngân hàng trung ương Mỹ (BoA) còn dự báo giá vàng có thể vọt lên tới 3.000 USD/ounce vào cuối 2021, trong khi JPMorgan Chase & Co. lại dự đoán giá vàng có thể "hụt hơi" vào cuối năm nay.
Vàng được bày bán ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Ảnh: AFP/TTXVN
Không chỉ đồng USD và triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới đẩy giá vàng đi lên, vàng lập các mức giá kỷ lục còn là phản ứng trước những căng thẳng địa chính trị toàn cầu diễn ra ở nhiều điểm nóng của thế giới, đặc biệt là căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược gia về hàng hóa của ngân hàng ANZ Soni Kumari nhận định vàng đang ở trong “điều kiện hoàn hảo để tăng cao”. Theo ông Soni Kumari, yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá còn nhờ lãi suất giảm, đồng USD yếu và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên đóng cửa các tổng lãnh sự quán của nhau tại Houston (Mỹ) và Thành Đô (Trung Quốc). Do đó, nhu cầu đối với kim loại quý của các nhà đầu tư gia tăng trong khi nhu cầu với đồng “bạc xanh” giảm mạnh.
Nguồn Báo Tin tức