Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giáng sinh tại xóm đạo là dịp các tín hữu kỷ niệm và bày tỏ lòng tôn thờ ngày Thiên Chúa giáng thế, đây còn là dịp để mọi người cùng quây quần bên nhau tâm sự, chia sẻ về cuộc sống và chào đón năm mới sắp đến.
Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hoà) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng Chúa giáng sinh, quán xá lộng lẫy với những cây thông Noel, nơ đỏ, vớ len, thu hút những bạn trẻ, những người yêu nhau lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của ngày đông bằng những bức ảnh và chào đón ngày Chúa ra đời.
Từ năm 1837, ông Côximô Nguyễn Hữu Trí (tự Liêm), là một giáo dân, đến Tha La quy tụ các gia đình Công giáo lại tổ chức đọc kinh chung. Năm 1840, ông Trí cùng với ông Paulus Nguyễn Văn Viên mời các linh mục đến Tha La làm lễ, giải tội, an ủi giáo hữu. Ông Côximô Nguyễn Hữu Trí là người đứng đầu giáo dân thuở sơ khai và được họ đạo Tha La xem là người khai lập nên xứ đạo này.
Năm 1860, cha Besombes Hạnh là vị linh mục đầu tiên đến phục vụ tại Tha La, cất nhà thờ mái tranh vách lá làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho các giáo dân tại xóm đạo. Trải qua nhiều lần xây dựng, nhà thờ Tha La mới được xây dựng hoàn thành vào năm 1970, trở thành một trong những nhà thờ lớn nhất tại miền Nam khi đó. Nhà thờ Tha La được các cha sở nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nay đã có diện mạo khang trang, toạ lạc tại khu phố An Hội, phường An Hoà. Đây là nơi nuôi dưỡng đức tin của hơn 5.000 người Công giáo tại xóm đạo và là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Trảng Bàng.
Nhà thờ họ đạo Tha La (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng).
Bên cạnh những toà nhà cao tầng, quán xá đông đúc, xóm đạo vẫn còn mang chút cổ kính từ những ngôi nhà xưa, mái ngói rêu phong bên cạnh nhà thờ Tha La. Đặc biệt, trên nóc nhà của các tín hữu Công giáo thường gắn tượng Chúa thể hiện tấm lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa.
Trong những ngôi nhà xưa ở xóm đạo, kề bên nhà thờ Tha La có ngôi nhà đến nay khoảng trăm năm tuổi của gia đình ông Giacôbê Nguyễn Văn Rỡ (Mười Rỡ) và bà Catarina Nguyễn Thị Nhị.
Gia đình ông bà kính tin Thiên Chúa, các con của ông bà đều là những linh mục, nữ tu có nhiều đóng góp cho Công giáo như Đan sĩ Benoît Nguyễn Văn Thái và Đan sĩ Mauro Nguyễn Văn Binh là linh mục của dòng Biển Đức (Thiên An, Huế), Maria Nguyễn Thị Hoàng thuộc dòng Ba Cát Minh Sài Gòn tu tại gia, Maria Nguyễn Thị Viện là nữ tu của dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Ngôi nhà được dâng hiến cho dòng Biển Đức và hiện nay do Đan sĩ linh mục Phaolô Nguyễn Hữu Thanh quản lý và dẫn dắt giáo dân tu hành.
Tín hữu Công giáo ở xóm đạo Tha La trang trí hang đá mừng Chúa Giáng sinh trước nhà.
Ngôi nhà được cất ở giữa đất quay về hướng Đông đón ánh nắng mặt trời buổi sáng để làm ấm ngôi nhà. Căn nhà chính gồm 3 gian theo kiểu thức nhà truyền thống Nam bộ, xây tường gạch, mái lợp ngói móc, hệ thống vì kèo, xà đòn, rui mè bằng gỗ được chống đỡ trên các cột gỗ là những danh mộc kê trên đá táng. Bên ngoài căn nhà với các cửa vòm cùng những hoa văn trang trí trên cột tạo nên sự hài hoà của kiến trúc Đông - Tây kết hợp.
Chính giữa ngôi nhà là bàn thờ Thiên Chúa và bộ trường kỷ để thực hành thánh lễ, trên bàn thờ có nhà chầu cất giữ mình thánh Chúa (hiểu là thánh thể của Chúa). Trước năm 1965, các cha khi làm lễ thì quay lên với ý nghĩa hướng về Thiên Chúa. Về sau, các linh mục làm lễ quay xuống cộng đoàn để có sự gắn kết, đối thoại với giáo dân.
Nội thất của ngôi nhà được bài trí theo lối xưa, hai bên nhà trên có đặt hai bộ ván ngựa gỗ để tiếp khách cùng các bức tranh chủ đề Công giáo, các tủ kinh sách, các hiện vật xưa kỷ niệm của ngôi nhà tạo nên không gian ấm cúng, gần gũi. Cạnh cửa ra vào có đặt bàn giải tội. Trước nhà một bên có đặt tượng Chúa thương xót, trước sân lát gạch tàu dẫn ra tượng Thánh cả Giuse bồng Chúa Giêsu được đặt đối diện với ngôi nhà.
Thường ngày có hơn 20 giáo dân đến sinh hoạt, làm lễ tại ngôi nhà này. Thánh lễ được cử hành vào lúc 4 giờ 15 phút để tiện cho những giáo dân đi làm ăn, buôn bán sớm. Vào những dịp lễ trọng của Công giáo hay Giáng sinh, cha và giáo dân của nhà dòng qua đồng tế cùng anh em tại nhà thờ Tha La.
Hình ảnh Chúa Giêsu giáng sinh ở nơi máng cỏ mang ý nghĩa về sự hoà đồng của Thiên Chúa với toàn nhân loại. Từ đầu tháng đến ngày 25.12, ở nhà thờ Tha La, 6 sở phần, các gia đình Công giáo tại xóm đạo đều làm hang đá Bethlehem với tượng Chúa Giêsu hài đồng, hai bên máng cỏ là bò, lừa, đức Mẹ Maria và thánh Joseph là trang trí chính trong hang đá. Linh mục Phaolô Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ, khi xưa theo truyền thống những người Công giáo vào mỗi dịp Giáng sinh sẽ trở về Bethlehem để viếng nơi Chúa sinh ra nhằm hưởng hồng ân Thiên Chúa, thiểu số những người giàu mới có điều kiện để đi, còn đa số những người nghèo không có điều kiện đến nên thánh Phanxicô thành Assisi hướng dẫn giáo dân làm hang đá để tưởng nhớ và chiêm ngắm sự màu nhiệm của Chúa giáng sinh.
Ca đoàn giáo xứ Tha La chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho đêm Giáng sinh tại nhà thờ.
Bên cạnh hang đá, trước nhà những người Công giáo vào dịp Giáng sinh thường treo lồng đèn ngôi sao trang trí, trên lồng đèn thường có các dòng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, “Nơi đây Thiên Chúa chọn làm nôi/ Hoà kiếp phàm nhân để cứu đời” hay “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”...
Các công tác chuẩn bị cho lễ Giáng sinh ở xóm đạo Tha La luôn tất bật, sôi nổi trong niềm vui của những người Công giáo, trưởng, phó các sở phần cùng các tín hữu trang trí hang đá tại các đài nơi giáo dân đến cầu nguyện, đọc kinh với đức Mẹ, sau khi hoàn tất trang trí ở 6 sở phần thì mọi người quây quần lại với nhau trang trí hang đá lớn tại nhà thờ.
Phần văn nghệ của ca đoàn trong đêm Giáng sinh tại nhà thờ do ca trưởng phụ trách, những người có đam mê âm nhạc cũng có thể tham gia hát, biểu diễn trong chương trình. Phần diễn nguyện và kiệu Chúa hài đồng do các soeur hướng dẫn. Mọi người cùng chung tay góp công, góp sức để hoà chung niềm hạnh phúc trong lễ Giáng sinh.
Trang trí Giáng sinh.
Chị Nguyễn Hoàng Kim là thành viên trong ca đoàn Ave Maria giáo xứ Tha La chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi đem niềm đam mê của mình là âm nhạc và ca hát để dâng lên Thiên Chúa trong ngày mừng Chúa giáng sinh”.
Vào đêm Giáng sinh, các tín hữu đến nhà thờ Tha La tham gia thánh lễ Giáng sinh, những người Công giáo, mọi người trong và ngoài xóm đạo cùng đến nhà thờ xem văn nghệ và rước kiệu Chúa hài đồng tạo nên không khí vui tươi mừng Chúa giáng sinh và chào mừng năm mới. Ở các gia đình người Công giáo quây quần lại với nhau cùng chúc mừng, liên hoan và thường chuẩn bị sẵn thức ăn để đón tiếp khách đến thăm nhà dịp này.
Xóm đạo Tha La là nơi có những tín đồ Công giáo đầu tiên ở Tây Ninh, lưu giữ nhiều truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt tôn giáo. Giáng sinh tại xóm đạo là dịp các tín hữu kỷ niệm và bày tỏ lòng tôn thờ ngày Thiên Chúa giáng thế, đây còn là dịp để mọi người cùng quây quần bên nhau tâm sự, chia sẻ về cuộc sống và chào đón năm mới sắp đến.
Phí Thành Phát