Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thế giới Arab đã trải qua 2 “cơn bão” lớn trong thập niên qua.
Năm 2011 là sự kiện Mùa xuân Arab với kỳ vọng các phong trào phản kháng hòa bình mở ra một kỷ nguyên dân chủ mới tại Trung Đông. Nhưng ngoại trừ tại Tunisia, các cuộc nổi dậy đã kết thúc hỗn loạn hoặc trong các cuộc nội chiến đẫm máu.
“Cơn bão” tiếp theo vào năm 2014 khi các quốc gia trong khu vực phải đối phó với giá dầu sụt giảm, đe dọa quyền lực của nhiều chính phủ. Giá dầu thấp đã gây khó khăn cho các nước trong việc bảo đảm ngân sách và duy trì các cuộc cải cách vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Đây không phải là một hiện tượng bất thường tạm thời khi mà khả năng giá dầu khó tăng trở lại mức trước năm 2014 (trên 100 USD/thùng).
Bề ngoài, nhiều nước Arab dường như đã vượt qua được 2 “cơn bão” trên, nhưng tạp chí Foreign Affairs cho rằng thực tế lại không như vậy. Giá dầu thấp khiến thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia - một trong những thế lực của thế giới Arab - năm 2017 đã lên đến 61 tỷ USD, chiếm 9,2% GDP.
Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra cho đến năm 2023. Trong khi đó, những sự can thiệp của Saudi Arabia tại Syria, Yemen và các nơi khác càng gây khó khăn hơn nữa cho nền kinh tế đang chật vật của nước này. Ước tính riêng cuộc chiến tranh tại Yemen đã ngốn của Chính phủ Saudi Arabia 6-7 tỷ USD/tháng. Hệ quả là Chính phủ Saudi Arabia đã phải cắt giảm trợ cấp và cho phép gia tăng giá dịch vụ.
Nhưng Saudi Arabia không phải là quốc gia vùng Vịnh duy nhất phải đối mặt với thách thức giá dầu thấp. Kuwait cũng phải đối mặt với tình trạng doanh thu từ dầu mỏ giảm và giờ cũng đang phải cắt giảm trợ cấp và tiến hành cải cách kinh tế theo một kế hoạch ngắn hạn mà sẽ cho phép nền kinh tế nước này giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Còn với Oman, phản ứng tương tự trước tình trạng giá dầu thấp, chính phủ nước này đã cắt giảm trợ cấp, giảm bớt lợi ích của lao động trong khu vực công và tăng thuế...
Trong hơn nửa thế kỷ, các chính phủ tại Trung Đông đã sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để vận hành một hệ thống bảo trợ kinh tế. Được gọi là các “nhà nước sống bằng lợi tức”, các chính phủ tại khu vực này đã trích một phần đáng kể từ nguồn tiền có được từ bán tài nguyên hoặc xin viện trợ từ nước ngoài thay vì thu thuế từ người dân.
Trên toàn khu vực Trung Đông, các chính phủ đã sử dụng tài nguyên dầu mỏ để cung cấp vốn đảm bảo việc làm ổn định, giáo dục, chăm sóc y tế, đổi lại các nhà lãnh đạo nhận được sự ủng hộ về chính trị. Tuy nhiên, khi giá dầu tiếp tục ở mức thấp và cấu trúc dân số tại khu vực thay đổi, thỏa hiệp cơ bản này dường như bắt đầu trở nên thiếu bền vững.
Không có đủ nguồn thu cần thiết để tiếp tục duy trì các hệ thống cồng kềnh, kém hiệu quả, các chính phủ đang chật vật thực hiện những cam kết trong thỏa thuận này. Yếu tố chủ yếu mang lại tính hợp pháp về mặt chính trị cho các chính phủ đang mất dần.
Giới quan sát nhận định cách duy nhất để giải quyết vấn đề trên là phải tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị nhằm tạo ra một khế ước xã hội căn bản mới tại Trung Đông. Không thể dựa vào mô hình sống bằng lợi tức, các chính phủ phải xây dựng các nền kinh tế sản xuất.
Nếu các chính phủ Trung Đông ủng hộ các cải cách kinh tế cùng với việc gia tăng trách nhiệm và sự tham gia về mặt chính trị, họ có thể có cơ hội ngàn vàng để có được sự ổn định lâu dài. Còn không, “cơn bão” tiếp theo lớn hơn sẽ đến trong một ngày không xa.
Nguồn SGGPO