Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thêm một châu bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Thứ ba: 15:12 ngày 25/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An đã phát hiện thêm bộ châu bản gồm 2 văn bản có giá trị chứng thực về mặt pháp lý việc thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đó là các tờ châu bản tại phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, con gái vua Đồng Khánh, là cô ruột của vua Bảo Đại.

Tờ châu bản thứ nhất được lập ngày 15/2 năm Bảo Đại thứ 13 (tức năm 1939), do quan Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh tấu lên. Sau khi xem xét, vua Bảo Đại phê hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và ký hai chữ “BĐ” (Bảo Đại).

Nội dung của tờ châu bản ghi: "Vào ngày 10/2/1939, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam Triều nên thưởng Huy chương Long Tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ‘man di’ ở miền núi và có công trong việc ‘lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa’”.

Tờ châu bản thứ hai ghi ngày 3/2/1939, đính kèm là văn bản bằng tiếng Pháp của Khâm sứ Trung Kỳ trình lên Nam Triều. Nội dung của tờ châu bản này như sau: "Vào ngày 2/2/1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long Tinh của Nam Triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời đúng ngày hôm ấy".

Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét, rồi mất tại nhà thương lớn ở Huế.

Ngay trong ngày 3/2/1939, tờ phiến và bản sao văn thư này được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, vua Bảo Đại chấp nhận ngay lời đề nghị, liền phê hai chữ "Chuẩn y" và ký tắt hai chữ BĐ bằng bút chì màu đỏ.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cả hai tờ châu bản này đều có giá trị về mặt lịch sử, đặc biệt là tờ châu bản thứ hai được ban cho Louis Fontan là người Pháp, ông đã bất chấp gian khổ để giữ gìn Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: "Những ngày tháng cụ thể, nhân vật cụ thể cho chúng ta thấy rằng, trước khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, thì chủ quyền của Việt Nam vẫn được khẳng định một cách rõ ràng trên vùng biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. Và tất nhiên, sau khi chiến tranh chấm dứt, sau khi người Nhật đại bại trên thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì họ trả lại cho chính quyền Đông Dương". 

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho TTXVN biết: "Công bố những những văn bản này, chúng tôi muốn góp phần rất nhỏ chứng cứ khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là điều không thể thay đổi, bàn luận, bởi vì lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng, chân xác".

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục