Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thêm một “kỳ tích” trên núi Bà Đen
Thứ hai: 23:37 ngày 22/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dữ hôn, nửa tháng trời, từ cuối tháng Chạp năm ngoái, đến “ngày mùng cuối cùng” tháng Giêng năm nay mới gặp lại ông. Mà nếu ông không kéo cái khẩu trang xuống dưới cằm để nhấp ngụm cà phê, tui cũng đố có nhìn ra ông. Có du xuân chốn nào không mà lâu gặp quá vậy?

- Du với chả ngoạn, cuối tháng Chạp dịch bệnh Covid-19 đợt ba lại bùng phát ở mấy tỉnh phía Bắc, rồi đến giáp tết năm nay thành phố lớn kế bên tỉnh mình cũng có mấy ổ dịch, phải phong toả hàng chục điểm… bụng dạ nào mà du xuân với ngoạn cảnh nữa?! Lo mà ở nhà, ăn tết nội bộ gia đình, có đi đâu ra khỏi nhà thì thủ kỹ “5K” cho yên bụng ông ơi. Tôi thì như vậy, còn ông thế nào?  

- Thì cũng như ông thôi, hầu như hoàn toàn ăn tết ở nhà. Bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà thì dứt khoát phải bảo đảm “5K”. May là thời bây giờ công nghệ thông tin phát triển, mình nằm nhà vẫn có đủ mọi loại hình truyền thông, từ các kênh thông tin chính thống đến truyền thông xã hội, nên cũng cập nhật được tình hình thời sự từ địa phương đến cả nước, từ trong nước đến khắp nơi trên thế giới…

- Vậy chắc ông thông suốt hết mọi chuyện trong dịp “đầu xuân con trâu” này chứ gì?

- Nói vậy chớ… hổng dám đâu! Tôi “cắm mặt, cắm mũi” vô màn tình ti-vi với điện thoại di động, đọc, xem được đủ thứ thông tin, nhưng thú thiệt cũng còn băn khoăn là… có khi nào mình đọc nhầm thông tin xấu độc mà chẳng biết không nữa.

- Ông “biết” băn khoăn vậy cũng không sai, bởi vì theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thì từ hai năm qua các nhà mạng truyền thông xã hội “khổng lồ” trên thế giới đã hợp tác khá tốt với Bộ Thông tin - Truyền thông nước ta, họ đã gỡ bỏ hầu hết các thông tin xấu độc, tuyên truyền kích động chống phá nước ta. Đến khoảng cuối năm ngoái thì tỷ lệ xấu độc bị gỡ bỏ trên không gian mạng nước ta lên tới 95% rồi đó…

- Như thế kể cũng là cao, nhưng tỷ lệ 5% còn lại cũng không phải là thấp trong “biển cả thông tin” hiện nay hả ông?!

- Đúng thế, cho nên mình mới nói ông “biết băn khoăn” vậy là tốt. Chỉ có điều, ông chưa “ví dụ” cho mình biết một chuyện gì mà ông còn băn khoăn trong khoảng nửa tháng tôi với ông không gặp nhau đó nghen.

- À, có chuyện này, tôi đã có ý chờ gặp để hỏi ông đây…

- Chuyện gì thế? Mà sao chuyện ấy ông không “tra mạng” lại chờ hỏi tôi?

- Có chớ, tôi tra từ các trang báo điện tử chính thống thấy cũng nói y như mạng xã hội, nên tôi cũng…không biết đâu mà lần.

- Cụ thể là chuyện gì, có liên quan gì đến xã hội địa phương mình không?

- Dĩ nhiên, nếu là chuyện viễn vông không dính líu đến quê thương thân yêu của mình thì mắc gì tôi phải băn khoăn, thắc mắc. Xin nói thẳng đó là chuyện thêm một “kỳ tích” mới trên núi Bà Đen tỉnh mình đó.

- À, chắc là ông muốn nói đến tượng Phật Bà mới được dựng trên đỉnh núi chứ gì?

- Đúng vậy, chắc ông cũng như tôi, ta đã thấy tượng được dựng trên đỉnh núi gần nửa năm nay, nhưng cho đến Tết Tân Sửu này mới thấy có những video clip của một số trang mạng YouTube đưa lên, trong đó có một trang mạng quay bằng thiết bị bay flycam thấy pho tượng trên đỉnh núi bềnh bồng trong mây đẹp tuyệt vời.

Tôi chú ý lắng nghe giới thiệu đây là pho tượng “cao nhất châu Á” có tên là “Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn” đúc từ 150 tấn đồng đỏ, cao tới 72m, trong đó phần tượng bằng đồng cao 42,15m, phần còn lại là đế tượng, bệ tượng kiến trúc hình toà sen 6 tầng, gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Nghe giới thiệu về pho tượng như thế trong video clip trên mạng YouTube, tôi “bán tín, bán nghi” nên tra thêm trên các trang báo điện tử phatgiao.org.vn và congan.com.vn thì cũng đọc được những nội dung “y chang” như vậy. Cho nên…

- Hai trang báo điện tử ấy là cơ quan truyền thông chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thì coi như nội dung thông tin về công trình kiến trúc mang tính tâm linh của tôn giáo ấy được bảo đảm chính xác rồi, ông còn băn khoăn, thắc mắc gì nữa?

- Tôi băn khoăn là ở chỗ hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe danh từ Phổ Đà Sơn trong các sách Phật giáo bên Trung Quốc, còn ở Tây Ninh mình tại vùng Toà Thánh - Long Hoa cũng có một con đường mang tên Phổ Đà Sơn.

Tôi tra tự điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì cũng chỉ thấy tên ngọn núi Phổ Đà Sơn bên Trung Quốc, chứ còn Bổ Đà Sơn, hay Tây Bổ Đà Sơn thì… quả thật là tôi mới nghe thấy lần đầu. Còn chuyện xác định pho tượng “Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn” trên núi Bà Đen tại tỉnh nhà mình là cao nhất châu Á thì… tôi chẳng biết có đúng hay không nữa?!

- Bởi vậy ông mới băn khoăn, thắc mắc chứ gì? Thôi thì để Bàn Dân đưa câu chuyện trao đổi với ông lên mục Chuyện thời sự đầu năm Tân Sửu để bạn đọc rộng đường dư luận. Hy vọng đơn vị chủ quản công trình ấy sẽ có lời giải thích cho bạn đọc hiểu rõ hơn. Xin ông… hãy đợi đấy!

- Vâng, tôi tuy có hơi băn khoăn, nhưng dù sao tôi cũng công nhận công trình kiến trúc mang tính tâm linh ấy rất xứng đáng gọi là “kỳ tích mới trên núi Bà Đen”.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh