Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo
Thứ sáu: 06:19 ngày 23/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo chương trình này bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

HĐND tỉnh khảo sát tình hình giảm nghèo.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh sắp tới, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức phiên họp thẩm tra một số nội dung thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội.

ƯU TIÊN NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách thuộc dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020.

Theo nội dung tờ trình, có 5 tiêu chí cơ sở phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Các tiêu chí đó là dân số, dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo, diện tích đất tự nhiên và đơn vị hành chính của các huyện, xã.

Theo quy định tại Quyết định số 900 ngày 20.6.2017, Tây Ninh có 16 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo chương trình này bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Chính sách đầu tư theo Chương trình 135 cũng được áp dụng đối với người lao động thuộc hộ có mức sống trung bình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Lao động là người sau cai nghiện ma tuý, người nhiễm HIV/AIDS hoặc phụ nữ là nạn nhân của các vụ buôn bán người cũng được tham gia dự án hỗ trợ phát triển kinh tế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đọc tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy định mức hỗ trợ dự án phát triển, sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020 phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật.

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020. Việc bố trí vốn phải được ưu tiên cho các vùng dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến nội dung này, các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ được xây dựng phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế của tỉnh, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện, bảo đảm tính công bằng, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho các cấp, các ngành.

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết, việc xây dựng chính sách có tính đến đặc thù của địa phương không, hay chỉ áp dụng nguyên xi các quy định của trung ương? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan này có tính đến tính đặc thù của địa phương, cụ thể hoá một số nội dung cho phù hợp thực tế.

Đối với tờ trình về việc ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020, đối tượng được tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững có ba nhóm đối tượng khác nhau với mức hỗ trợ khác nhau.

Thứ nhất, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 15.000.000 đồng một hộ, những hộ nghèo khác được hỗ trợ không quá 13.000.000 đồng một hộ. Thứ hai, hộ cận nghèo là lao động người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 11 triệu đồng một hộ, hộ mới thoát nghèo khác mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng một hộ. Tờ trình cũng quy định mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tham gia dự án giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 135.

Theo đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 14 triệu đồng một hộ, hộ nghèo khác mức hỗ trợ không quá 12 triệu đồng một hộ. Đối với hộ cận nghèo là người lao động dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 12 triệu đồng một hộ; với hộ cận nghèo khác mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng một hộ.

Đối với hộ mới thoát nghèo là lao động người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng một hộ, còn hộ mới thoát nghèo mức hỗ trợ không quá 8 triệu đồng một hộ.

Nguồn vốn cho dự án được ngân sách trung ương bảo đảm phần lớn, còn lại là ngân sách của địa phương. Ông Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh góp ý, so với quy định của trung ương, tờ trình còn thiếu một số nội dung, cần được bổ sung.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng chính sách đã được rà soát, xem xét kỹ, thực hiện đúng quy định. Mặc dù vậy, lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội vẫn cho rằng cần xem xét bổ sung nội dung tờ trình, nếu không muốn vướng mắc trong quá trình thực hiện sau này. Ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ.

 Kết luận về hai tờ trình nêu trên, ông Võ Văn Sớm, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá, hai tờ trình đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan soạn thảo. Mức hỗ trợ nguồn vốn đã được tính toán kỹ, tuy nhiên, cần bổ sung đối tượng áp dụng như quy định của trung ương.

Nông dân xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

GIẢM NGHÈO - CÂU CHUYỆN CÒN DÀI

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hồi tháng 4.2017, Sở LĐ-TB&XH- cơ quan thường trực thuộc Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh.

Có nhiều vấn đề nổi lên tại đợt kiểm tra, phúc tra này. Trong số đó có chuyện nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo lâu nay vẫn “kiên trì” một lối suy nghĩ ỷ lại, kiểu để cho “Đảng và Nhà nước lo”. Tâm lý ỷ lại, trông chờ đã được đề cập đến từ nhiều năm nay, nhưng tình hình vẫn không có gì chuyển biến.

Điều đáng nói, trong số những người trông chờ vào chính sách, không phải ai, gia đình nào cũng thuộc diện neo đơn, tàn tật, tuổi cao, sức khoẻ yếu. Có không hiếm trường hợp còn sức lao động, tuổi cũng chưa cao nhưng vẫn nằm trong diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. 

Cá biệt, ở huyện nọ có trường hợp cả năm mẹ con đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thật ra, khoản tiền hỗ trợ cho từng hộ không lớn, nhưng điều đáng nói ở đây là những hộ này chưa phải khó khăn tới mức không trả nổi tiền điện sinh hoạt hằng tháng. Tương tự, dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng số lượng người thuộc diện hộ nghèo tham gia dịch vụ này rất thấp.

Chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo dù nhân văn, tốt đẹp đến đâu thì quá trình thực hiện cũng khó tránh khỏi những bất cập. Hiện nay trên cả nước, ngân sách dùng cho công cuộc giảm nghèo, tuỳ từng giai đoạn, có năm có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tiền chi ra nhiều, nhưng số lượng hộ nghèo, cận nghèo chẳng giảm được bao nhiêu, thậm chí, có nơi còn tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chủ trương giảm nghèo bền vững chưa đạt hiệu quả như trông đợi, trong đó phải kể đến hai yếu tố cơ bản.

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng manh mún. Hầu hết các khoản tiền hỗ trợ đều có tính chất “cho không”, trong khi đúng ra cần hạn chế điều này. Thứ hai, nhiều hộ nghèo, cận nghèo lười lao động, tìm mọi cách để tiếp tục lọt vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của địa phương.

Nhiều cuộc tổng điều tra, rà soát, phúc tra hộ nghèo đã cho thấy một hiện tượng: nhiều người nghèo không chịu lao động, không tham gia các lớp học nghề. Có trường hợp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất nhưng sau một thời gian lại trở về con số không.

Điều đáng buồn là có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo mà chủ hộ đang là thanh niên, tức độ tuổi lao động sung sức nhất. Hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo là đúng, nhưng cần nhìn lại, hàng loạt chính sách giảm nghèo của cả trung ương lẫn địa phương đã phát huy tác dụng đến đâu?

VIỆT ĐÔNG

Năm 2015, tại một hội nghị công bố về việc Việt Nam thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, Liên Hiệp Quốc đã công bố một loạt những con số ấn tượng: giai đoạn 15 năm 2001-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức khá cao, riêng giai đoạn 2000-2008, đạt mức trung bình trên 7%/năm.

Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đặc biệt chú ý và phân bổ nguồn lực cho giảm nghèo và phát triển xã hội. Trong vòng 1 thập niên, tỷ lệ nghèo tính trên chi tiêu đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 19,5% năm 2004, giúp đưa 20 triệu người thoát nghèo.

Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ nghèo cùng giảm từ 14,2% năm 2010 còn 9,8% năm 2013. Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như: xoá đói giảm nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế, như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em; đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao, cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS…
                                                                                                                                                         (Nguồn internet)
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh