Đọc báo in
Tải ứng dụng

Ảnh và lời dạy của Bác được treo trong phòng làm việc của Huyện đoàn Tân Châu. Ảnh: Đại Dương

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan toả rộng lớn, trở thành hành động tự giác của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận được giải quyết kịp thời, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Được biết, có 16 tập thể, 46 cá nhân tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ được khen thưởng tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05.

Xuất hiện nhiều cách làm hay, tấm gương sáng

Thiết thực học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, năm 2018, tỉnh đã tiết kiệm trong sử dụng ngân sách Nhà nước trên 1.041 tỷ đồng; toàn Đảng bộ không xảy ra sự vụ, sự việc sai phạm nghiêm trọng nào liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách được các cấp uỷ duy trì thông qua nhiều phong trào thi đua như: “Đền ơn, đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Xoá đói, giảm nghèo”…

Năm 2018, đã xây mới 920 căn và sửa chữa 63 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí 41,4 tỷ đồng. Tỷ lệ tổ chức Đảng không hoàn thành nhiệm vụ giảm còn 0,32% (năm 2017 là 2,21%); đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ còn 0,4% (năm 2017 là 0,57%).

Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới trong tổ chức thực hiện; nhiều tập thể, cá nhân có việc làm ý nghĩa, thiết thực được các cấp uỷ, chính quyền, địa phương, nhân dân đánh giá cao, như: mô hình đeo huy hiệu Bác Hồ, tuyên truyền, nhân rộng “Nét đẹp thường ngày làm theo gương Bác”, “Gia đình tôi học tập và làm theo gương Bác”; “Phường, xã vì dân”; lắp đặt camera an ninh…

Bên cạnh đó, có nhiều cá nhân tiêu biểu sống vì cộng đồng như Hoà thượng Thích Minh Bửu, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Trảng Bàng, trụ trì tịnh xá Ngọc Thuận. Hoà thượng thường xuyên vận động phật tử học tập và làm theo Bác, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh”, thực hiện “giảm nghèo bền vững - không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong 3 năm qua, Hoà thượng đã vận động các mạnh thường quân hàng trăm triệu đồng giúp đỡ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động trao tặng 2 nhà đại đoàn kết trị giá 80 triệu đồng và 5.000 quyển tập tặng học sinh nghèo hiếu học.

Thường xuyên vận động các mạnh thường quân cứu trợ, trợ giúp nhân đạo, chăm lo đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; cấp thuốc và hỗ trợ phương tiện đưa người nghèo đi mổ mắt miễn phí; vận động xây tặng nhà chữ thập đỏ, trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học với số tiền trên 2,6 tỷ đồng… Bà còn tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình đưa thức ăn tận nhà cho những hộ gia đình có người già nghèo, neo đơn với tổng trị giá hơn 2,7 tỷ đồng…

Bà Ngô Ngọc My, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Trảng Bàng với quan niệm giúp đỡ người khác không phải là việc khó khăn mà nó tự nhiên như hơi thở, là nguồn vui, lẽ sống cho bản thân, trong những năm qua, bà đã tích cực xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, duy trì hoạt động thường xuyên và tham gia tích cực trong các tổ chức hội từ thiện như tổ thuốc nam, tổ cơm từ thiện... 

Ông Võ Tấn Đức ở ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên là hội viên Hội Người cao tuổi xã Tân Phong, vừa tham gia Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh, đã có nhiều đóng góp giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, gia đình ông đã hiến hơn 15.181m2 đất và hoa màu để làm nghĩa trang ấp Xóm Tháp, góp phần giúp xã đạt chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới.

Thượng uý Võ Quốc Vạn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh chuyên trách công tác Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, đã tham mưu ban hành các kế hoạch, chương trình tuyên truyền, giáo dục định hướng chính trị tư tưởng trong đoàn viên thanh niên với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: tổ chức Hội thi thuyết trình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức cuộc thi viết “Tuổi trẻ Công an Tây Ninh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức sinh hoạt, nghiên cứu, học tập 125 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Công an nhân dân; tổ chức diễn đàn xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên...

Trong 2 năm (2017-2018), anh đã phối hợp các đơn vị xây tặng 6 căn nhà, tổ chức thăm, tặng 469 phần quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp tổ chức 4 lượt hoạt động vui chơi cho trẻ em là con của cán bộ, chiến sĩ; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 300 người dân thuộc diện chính sách và dân nghèo; tổ chức tặng trên 36 phần quà, học bổng với tổng giá trên 500 triệu đồng. Chỉ đạo 100% các cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên 1 trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động hiến trên 361 đơn vị máu.

Có thể thấy, dù điều kiện, hoàn cảnh và việc làm cụ thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội không giống nhau, nhưng tất cả các tập thể, cá nhân đều có một điểm chung, đó là đều xuất phát từ ý thức tự giác cao trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, để bản thân mình, đơn vị, tổ chức mình ngày càng tốt hơn, vững mạnh hơn.

Chị Ngô Ngọc My- Chủ tịch Hội CT- thị trấn Trảng Bàng trao bịch cháo cho người neo đơn. Ảnh: Đại Dương

Còn nhiều tấm gương chưa được phát hiện

Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh uỷ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của tỉnh vẫn còn không ít hạn chế. Đó là, một số kế hoạch thực hiện nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của địa phương có lúc chưa lồng ghép nội dung, nhiệm vụ về thực hiện Chỉ thị 05; một số cấp uỷ chưa chủ động trong phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình; trong biểu dương, khen thưởng còn lúng túng, chưa thống nhất với nhau về tiêu chí, tiêu chuẩn...

Nội dung tuyên truyền, chuyên mục về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW chưa phong phú, có lúc chưa được cập nhật thường xuyên. Vấn đề đáng lo nhất là dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống, nhưng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ vẫn còn xảy ra ở nơi này, nơi kia, ở những mức độ khác nhau; có trường hợp phải xử lý kỷ luật; công tác kiểm tra của một số cấp uỷ; giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chỉ thị, việc phấn đấu, rèn luyện của đảng viên có lúc chưa thường xuyên để kịp thời phát hiện những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo; cũng như phát hiện những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên, qua đó có biện pháp nhắc nhở khắc phục, sửa chữa, tránh xảy ra sai phạm để cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng mình ngày càng tốt hơn.

T.N

 

Kết quả điều tra dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành tháng 12.2018, cho thấy: đại đa số người dân (89%) cho rằng, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp, ngành, tập thể, cá nhân thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao; qua thực hiện đã giúp cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm hơn với công việc; phát huy tốt tính nêu gương, gần gũi với quần chúng. Đây là những đánh giá tích cực, cho thấy hiệu quả và tính lan toả của việc làm theo Bác.

Tuy nhiên, có đến gần phân nửa người được hỏi (43%) chưa hài lòng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan Đảng và chính quyền. Còn một bộ phận có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá suy thoái ở nhiều cấp độ khác nhau, từ có ít đến nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, nhất là trong thực hiện các nội dung: không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; lười học lý luận chính trị; tham vọng chức quyền; vướng vào tư duy nhiệm kỳ; trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, nể nang, né tránh, ngại va chạm.