Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhằm giúp người dân tiếp cận được nguồn nước sạch và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, ngày 8.12.2017, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2017/NQ-HÐND về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Ông Trần Ngọc Xuyến, ngụ ấp Cây Ổi, xã Hoà Thạnh (Châu Thành) sử dụng nước từ hệ thống lọc nước hộ gia đình.
Cụ thể hoá nội dung nghị quyết này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2018/QÐ-UBND ngày 21.3.2018 quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong năm đầu triển khai thực hiện chính sách này (năm 2018), đã có thêm nhiều hộ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Theo Quyết định số 05/2018/QÐ-UBND, các hộ gia đình được hưởng chính sách là hộ gia đình nông thôn ngoài vùng cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, chưa tiếp cận với nguồn nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Có 5 đối tượng được hưởng chính sách này gồm: hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ nông thôn khác. Theo đó, hộ có công với cách mạng, hộ nghèo có mức hỗ trợ 100% theo giá thực tế; hộ cận nghèo có mức hỗ trợ 75% theo giá thực tế; hộ có mức sống trung bình, mức hỗ trợ 50% theo giá thực tế; hộ khác có mức hỗ trợ 30% theo giá thực tế. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ có mục tiêu cho UBND cấp huyện.
Năm 2018, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tỉnh 7 tỷ đồng hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn ở 8 huyện: Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Hoà Thành, Tân Châu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên. Ðến giữa tháng 11.2018, đã có 690 hộ trên địa bàn tỉnh được lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.
Tại xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành), gia đình ông Trần Ngọc Xuyến, ngụ ấp Cây Ổi, là hộ đầu tiên lắp đặt thử hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn của xã. Ông Xuyến cho biết, nhà ông ở trong khu vực nước bị nhiễm phèn nặng, nhưng vì không có cách nào khác nên đành phải sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt nhiều năm qua. Riêng nước uống, ông phải đến nhà thờ để xin về dùng.
Khi có chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, gia đình ông Xuyến thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ 100% chi phí. Theo ông Xuyến, giá của sản phẩm là 6 triệu đồng, gia đình ông bù thêm 1,2 triệu đồng nữa để có hệ thống lọc bằng inox, sản phẩm này cũng bao gồm cả cụm lọc nước uống tinh khiết. Ðến nay, gia đình ông đã lắp đặt và sử dụng được hơn 2 tháng.
Hệ thống xử lý nước của Trạm nước sạch tại ấp Phước Hưng do Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.
Ông Xuyến vui vẻ cho biết, nhìn bằng mắt thường và ngửi mùi thì nước sau khi qua hệ thống lọc có sự thay đổi rõ rệt với nước chưa được lọc. Từ ngày có hệ thống lọc nước, gia đình ông có nguồn nước sinh hoạt và nước uống tốt hơn, mỗi tháng ông cũng không cần phải đi xin nước ở nhà thờ nữa.
Ðến nay, trên địa bàn xã Hoà Thạnh, có 50 hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước từ chính sách này. Trong đó, có 30 hộ có công với cách mạng, 8 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, 5 hộ nông thôn khác.
Còn tại huyện Hoà Thành, năm 2018 có 231 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,37 tỷ đồng. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, một số khu vực trên địa bàn huyện có nguồn nước bị ô nhiễm (như những nơi gần lò mì, cử tri thường xuyên khiếu nại, phản ánh về vấn đề ô nhiễm nguồn nước). Do đó, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn được ban hành đã góp phần vào việc bảo đảm nguồn nước tốt cho người dân sử dụng, nâng tỷ lệ hộ dân tiếp cận nguồn nước sạch.
Bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Ðông cho biết, trên địa bàn xã có 186 hộ được lắp đặt hệ thống xử lý nước. Việc lắp đặt đã được hoàn thành xong vào cuối tháng 10.2018, chủ yếu ở các đối tượng hộ có công với cách mạng, hộ nghèo. Các hộ này đều có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng do điều kiện kinh tế nên trước đây chưa được tiếp cận. Từ khi có máy lọc nước, người dân có thể sử dụng để nấu ăn, uống và sinh hoạt nên rất tiện lợi, không cần phải vất vả đi mua từng bình nước về uống như trước nên các hộ gia đình rất vui.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, địa phương này có nhu cầu về nước sạch cao. Năm 2018, UBND tỉnh tạm ứng kinh phí cho Trảng Bàng 1,66 tỷ đồng để hỗ trợ hệ thống xử lý nước cho 280 hộ ở các xã Phước Lưu, Phước Chỉ, Bình Thạnh, An Hoà. Nguồn nước ở các khu vực trên hầu hết đều nhiễm phèn nhiều, nên sau khi lắp đặt hệ thống xử lý nước cho các hộ gia đình, bà con đều rất phấn khởi. Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn không những tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở NN&PTNT, đây là chính sách mang tính xã hội cao, tạo sự công bằng giữa hộ dân nông thôn trong và ngoài vùng cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung được tiếp cận với nguồn nước sạch. Chính sách còn góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch thuộc chỉ tiêu 17.1, tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
GIANG HÀ