Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thí điểm khám sức khỏe học đường cho học sinh tiểu học
Thứ ba: 08:09 ngày 26/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định triển khai kế hoạchthí điểm khám sức khỏe học đường năm học 2018-2019cho học sinh tiểu học tại 20 xã biên giới cùng 2 trường tiểu học thuộc thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu.

Mục tiêu kế hoạch hướng đến nhằm tăng cường việc tầm soát, tư vấn, điều trị và đề ra các biện pháp can thiệp bệnh lý học đường thông qua việc tổ chức khám sức khỏe học sinh tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, trong năm 2019 tổ chức khám sức khỏe học đường cho 17.157 học sinh các trường tiểu học thuộc 20 xã biên giới và học sinh Trường Tiểu học Trương Định (thành phố Tây Ninh), Trường Tiểu học Bàu Đồn (huyện Gò Dầu).

Khám sức khoẻ cho học sinh tiểu học- Ảnh minh hoạ

Mỗi năm ít nhất 1 lần thực hiện khám tầm soát và đề xuất giải pháp can thiệp các bệnh lý thường gặp, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe cho lứa tuổi học sinh Việt Nam nói chung và học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng; xác định mô hình bệnh lý học đường của học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh, đề xuất mở rộng cho các đối tượng và lứa tuổi học sinh mầm non, đầu cấp trung học cơ sở; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe, thể trạng học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kết nối vào cơ sở dữ liệu chung của tỉnh.

Danh mục khám sức khỏe thí điểm gồm khám thể chất như đo cân nặng chiều cao, đo nhiệt độ và huyết áp, đo nhịp tim, khám nâng cao đo chỉ số BMI; khám chuyên khoa nhi (tổng quát) gồm khám tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, da liễu; khám chuyên khoa chuyên sâu như khám tai mũi họng, khám răng hàm mặt –xử lý nhanh các bệnh răng miệng thông thường, khám mắt (tật khúc xạ), khám cơ xương khớp (cong vẹo cột sống), khám tâm thần, khám niệu,…

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch thí điểm trên 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Kế hoạch còn đề ra các giải pháp thực hiện như nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước; giải pháp về thông tin truyền thông, giáo dục bệnh lý học đường; bồi dưỡng năng lực đội ngũ; huy động nguồn lực tài chính; giải pháp về chính sách; xã hội hóa công tác y tế trường học; kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan triển khai kế hoạch thí điểm khám sức khỏe học đường cho học sinh tiểu học ở 20 xã biên giới, 2 trường tiểu học thuộc thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu; đôn đốc, giám sát các đơn vị triển khai các hoạt động chuyên môn, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, bài về các hoạt động của ngành giáo dục trong các hoạt động của kế hoạch thí điểm; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện kế hoạch thí điểm và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tổ chức sơ kết kế hoạch thí điểm; phối hợp các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sức khỏe, thể trạng học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kết nối vào cơ sở dữ liệu chung của tỉnh.

Nhã Trúc

Tin cùng chuyên mục