Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong 5 năm qua, ngành Hậu cần LLVT tỉnh bảo đảm được nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, hạn chế tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, tiếp nhận, quản lý và cấp phát.
Tăng gia sản xuất tại Tiểu đoàn 14, Trung đoàn BB174.
Năm 1951, trong thư gửi lớp cán bộ cung cấp đầu tiên, Bác Hồ viết: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngành Hậu cần LLVT tỉnh Tây Ninh luôn khắc phục mọi khó khăn, chủ động, sáng tạo, bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất.
Chủ động nguồn thực phẩm tăng gia
Tại Tiểu đoàn 14, Trung đoàn BB174, khu tăng gia sản xuất, chăn nuôi tập trung được quy hoạch khoa học, quy củ với tổng diện tích 11.500m2. Trong đó có gần 7.000m2 trồng rau, củ, quả, hơn 4.500m2 chuồng trại. Tiểu đoàn duy trì nuôi đàn gia súc gồm bò, heo, gia cầm, cá… bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm quanh năm, không phụ thuộc nhiều vào thị trường. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng thêm mô hình trồng thanh long ruột đỏ, làm nước rửa chén...
Đại uý Nguyễn Ngọc Khánh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 cho biết, đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Tân Phú (Tân Châu), nơi đây chủ yếu là đất pha khô cằn, mùa mưa thường ngập úng, còn mùa nắng thì khô hạn kéo dài, thời tiết khắc nghiệt.
Để có khu tăng gia sản xuất (TGSX) như hôm nay, cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã không quản vất vả để cải tạo đất, thử nghiệm, lựa chọn cây trồng phù hợp. Qua thử nghiệm nhiều năm, những bãi đất cao cằn cỗi, đơn vị cải tạo trồng được gần 1 ha cây ăn trái như đu đủ, chuối, mít, thanh long, còn những khu đất trũng thì được san lấp, cải tạo trồng rau xanh theo mùa, có mái che nắng và làm luống cao chống ngập nước về mùa mưa.
Một phần diện tích còn lại xây dựng nhà lưới trồng rau sạch. Do trồng xen canh gối vụ và lựa chọn cây trồng phù hợp nên đơn vị tự túc 100% rau xanh. Từ đầu năm 2020 đến nay, Tiểu đoàn thu hoạch hơn 12 tấn rau, quả và gần 3 tấn thịt, cá.
Khu vực nấu ăn của Tiểu đoàn bố trí rất gọn, sạch. Khi làm nhiệm vụ tại đây, CBCS, nhân viên đều đeo khẩu trang, thực hiện tốt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Thượng uý, quân nhân chuyên nghiệp Lê Thanh Long - quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 14 cho biết: “Căn cứ số người ăn mỗi ngày chúng tôi sẽ có kế hoạch thu hoạch số lượng rau, củ, quả tương ứng.
Theo hướng dẫn của Quân y, mỗi bữa ăn đơn vị làm 4-6 món, các món ăn sau khi chế biến được lưu mẫu hằng ngày. Dụng cụ chế biến đều được nhúng nước sôi, vệ sinh sạch trước khi sử dụng, các khay đựng suất ăn được đậy kín sau khi chia ăn bảo đảm vệ sinh”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, yêu cầu bảo đảm sức khoẻ, đời sống của bộ đội lại càng nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh hạn chế tiếp xúc bên ngoài, các đơn vị đã quán triệt và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác hậu cần, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống xảy ra.
Đơn cử tại Trung đoàn BB174, Quân y Trung đoàn đã tổ chức phun khử khuẩn, theo dõi thân nhiệt, hướng dẫn vệ sinh cá nhân trong mùa dịch cho CBCS. Bên cạnh đó, bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn, định lượng ăn theo quy định, tăng cường rèn luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ bộ đội.
Trong thời gian đang có dịch bệnh, việc chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ được đơn vị rất chú trọng. Trung đoàn đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức nuôi trồng, thú y cho CBCS, học tập kinh nghiệm của nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào TGSX tại chỗ nên năng suất chất lượng nuôi trồng được nâng lên.
Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT tỉnh phát huy ý thức tự lực tự cường, xây dựng mô hình TGSX hiệu quả.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và 88,4% ban CHQS xã, phường, thị trấn có đất sản xuất tập trung, kết quả TGSX, sản xuất, kinh doanh hằng năm đạt từ 103% - 110% so với kế hoạch. Bằng nguồn kinh phí trên cấp, địa phương hỗ trợ và nguồn quỹ đơn vị triển khai sửa chữa, mua sắm, bổ sung đồng bộ trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp.
Đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt 11/11 hệ thống bếp lò hơi, 5 hệ thống nước sạch cho các đơn vị, thực hiện bếp ăn xã hội hoá từ năm 2013 đến nay đạt kết quả tốt, tiết kiệm thời gian, công sức của bộ đội. Những nỗ lực của công tác hậu cần đã góp phần bảo đảm bộ đội được “Ăn ngon, mặc đẹp, ngủ ấm, uống sạch” và thường xuyên duy trì quân số khoẻ để học tập, công tác, sẵn sàng chiến đấu.
Bảo đảm hậu cần cho mọi nhiệm vụ
Cùng với TGSX chủ động nguồn vật chất hậu cần tại chỗ, Phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, nhằm chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân. Nổi bật là tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh đề xuất UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Y tế Quân - Dân y Tây Ninh trên cơ sở Bệnh xá thuộc Bộ CHQS tỉnh.
Đến nay, Trung tâm Y tế Quân - Dân y đã được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị khám, chữa bệnh. Từ đó, tạo thuận lợi trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc tốt sức khoẻ bệnh nhân.
Trung tâm có đầy đủ các khoa, trong đó khoa y học cổ truyền với quy mô bệnh viện hạng III theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trong 5 năm qua, đã có hơn 25.000 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Quân - Dân y, trong đó có gần 7.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú; công suất sử dụng giường bệnh trung bình hằng năm đạt 95,5%.
Bên cạnh đó, để bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), LLVT tỉnh dự trữ, quản lý, đáo hạn xăng dầu SSCĐ, bảo đảm đủ về số lượng là 1.074m3, tốt về chất lượng; làm tốt công tác sửa chữa các hệ thống nhà kho, phương tiện chống sét, phòng, chống cháy và bổ sung thêm một số trang thiết bị bảo đảm cho công tác tiếp nhận, cấp phát được thuận tiện.
Trong 5 năm qua, ngành Hậu cần LLVT tỉnh bảo đảm được nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, hạn chế tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, tiếp nhận, quản lý và cấp phát. Đồng thời, tiếp nhận, mua sắm nhiều phương tiện các loại trang bị cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và SSCĐ.
Đặc biệt, bằng các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả vật chất, phương tiện được trang bị, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã tiết kiệm được trên 5,5 tỷ đồng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phương Thuý-Phạm Văn Hà