Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong đơn gửi cho Báo Tây Ninh, bà Trần Thị Cẩn (ngụ ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) trình bày, bà Nguyễn Thị Tiện công nhiên chiếm đoạt tài sản; UBND huyện Gò Dầu chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng không đúng người. Bà Cẩn còn bức xúc, chỉ có một bản án mà đã gần 15 năm nay vẫn chưa giải quyết xong. Trong khi bà Tiện giãi bày, chúng tôi nhận thấy vụ việc còn có nhiều uẩn khúc cần phải được làm rõ...
Đất và căn nhà đang tranh chấp.
Có nhà, đất mà không được sử dụng
Theo đơn của bà Trần Thị Cẩn, vào năm 1998, bà Nguyễn Thị Tiện (SN 1953, ngụ ấp 5, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) có nợ bà gần 32 triệu đồng cùng 13 chỉ vàng 24K. Vụ việc được TAND huyện Gò Dầu giải quyết bằng Quyết định số 76 ngày 2.7.1998 công nhận sự thoả thuận của các đương sự, bà Tiện phải trả số tiền và vàng nói trên.
Cụ thể, đến ngày 8.7.1998 trả 5 triệu đồng, số còn lại mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Trong khoảng thời gian chưa trả dứt nợ, nếu bà Tiện bán được đất, phải thanh toán hết cho bà Cẩn.
Tuy nhiên, sau đó, bà Tiện không thực hiện được như thoả thuận, nên bà Cẩn làm đơn yêu cầu cơ quan THADS huyện Gò Dầu can thiệp.
Ngày 3.8.1998, THADS huyện ra Quyết định số 264 tiến hành kê biên, thông báo bán đấu giá căn nhà ngói, cột gỗ, vách ván trên phần đất ngang 23m dài khoảng 60m của bà Tiện với số tiền trên 79 triệu đồng, nhưng không có người mua. Đến ngày 23.12.2001, bà Cẩn gửi đơn đến cơ quan THA yêu cầu được mua lại nhà và đất của bà Tiện để khấu trừ nợ.
Ngày 10.12.2002, THADS huyện tiến hành cưỡng chế thi hành án, buộc gia đình bà Tiện rời khỏi nhà và đất, đồng thời giao số tài sản này cho bà Cẩn quản lý. Đến ngày 2.12.2003, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với phần đất có căn nhà nói trên cho bà Trần Thị Cẩn. Sau khi nhận tài sản, bà Cẩn đã làm hàng rào và khoá cửa căn nhà. Trong lúc bà Cẩn không ở đây, gia đình bà Tiện đã phá rào, cạy cửa vào nhà ở lại như trước.
Từ đó đến nay, bà Tiện vẫn cố thủ trong nhà, giữ đất không cho bà Cẩn sử dụng. Ngày 21.3.2005, UBND xã Bàu Đồn ra Quyết định số 37 xử phạt hành chính đối với bà Tiện về hành vi tự ý phá rào, cạy cửa vào nhà bà Cẩn.
Tuy nhiên, sau đó, UBND xã Bàu Đồn đã thu hồi quyết định này do không đúng trình tự thủ tục (không lập biên bản vi phạm hành chính), đồng thời ra một Quyết định khác số 34 ngày 21.3.2006 xử phạt hành chính bà Tiện theo đúng quy định. Bà Tiện nộp phạt nhưng vẫn không giao tài sản.
Xét thấy hành vi của bà Tiện có dấu hiệu về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác”; ngày 12.7.2006, Cơ quan CSĐT Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can; đồng thời có Công văn số 207 đề nghị Viện KSND huyện phê chuẩn. Ngày 5.12.2006, Viện KSND huyện có Quyết định số 01 không khởi tố vụ án và bị can, với lý do “không thể chuyển dịch để chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 18.10.2007, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 73 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt về lĩnh vực đất đai, bà Tiện vẫn không thi hành.
Ngày 29.9.2008, UBND huyện ban hành tiếp Quyết định số 513 về việc cưỡng chế thi hành Quyết định số 73, tuy nhiên sự việc sau đó vẫn cứ kéo dài. Bà Cẩn tiếp tục nộp đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, đồng thời cũng đã nhận được khá nhiều văn bản trả lời, nhưng đến nay xem ra vẫn chưa có hồi kết.
Bên cạnh đó, bà Cẩn còn yêu cầu được làm rõ vì sao nhà đất do bà đứng tên, nhưng khi chi trả tiền đền bù giải phóng mặt đường 782, bà Tiện lại là người được nhận.
Qua trao đổi với bà Huỳnh Thị Kim Hương (con gái của bà Tiện, đã được bà Tiện uỷ quyền) vào ngày 2.10.2017, bà Hương đồng ý trả số nợ trước kia cho bà Cẩn, nhưng trả bằng tiền quy theo giá vàng hiện tại. Tuy nhiên, vợ chồng bà Cẩn cương quyết không nhận tiền, mà chỉ nhận bất động sản là nhà và đất bà đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vào năm 2003.
Giải thích nguyên nhân vì sao chỉ trả nợ bằng tiền, bà Hương đã chỉ ra những vấn đề, theo bà là gia đình mình bị “xử ép”, thậm chí có dấu hiệu sai sót từ phía cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, nên mới dẫn tới những diễn biến phức tạp và khiếu nại kéo dài.
“Chúng tôi đã bị xử ép”
Đó là khẳng định của bà Huỳnh Thị Kim Hương. Bà trình bày: “Đúng là mẹ tôi có thương lượng trả nợ (nợ hụi) vào khoảng năm 1995, với lãi suất 9%/tháng cho bà Cẩn theo Quyết định số 76 ngày 2.7.1998 của TAND huyện Gò Dầu.
Nhưng sau đó do mẹ tôi tuổi già sức yếu không còn khả năng làm ra tiền để trả nợ. Cộng thêm việc mẹ tôi cùng gia đình không am hiểu nhiều về pháp luật, nên phía chủ nợ vẫn áp dụng tính lãi suất 9%/tháng từ sau quyết định của toà án.
Hậu quả, tổng số tiền nợ mà bà Cẩn yêu cầu mẹ tôi phải trả tính đến tháng 6.2000 đã lên đến hơn 40 triệu đồng. Đến tháng 10.2002 là trên 51 triệu đồng (chưa tính án phí hơn 900.000 đồng và gần 3 triệu đồng chi phí cưỡng chế). Nhận thấy, bà Cẩn tính lãi suất cao như vậy chẳng khác nào cho vay nặng lãi, điều mà pháp luật không cho phép, nên gia đình tôi quyết định cần làm rõ số nợ trước khi chi trả”.
Bà Hương còn thắc mắc, trong biên bản kê biên định giá tài sản nhà và đất vào ngày 14.12.2000 của Chi cục THADS huyện, tại sao lại không có tên và chữ ký của cha, mẹ cùng các anh chị em của bà Hương (những người với vai trò đồng sở hữu tài sản), mà chỉ có tên Huỳnh Văn Nù- anh trai của bà Hương, nhưng cũng không có chữ ký của ông Nù.
“Bất thường hơn, sau khi tiến hành cưỡng chế vào năm 2002, năm 2003, UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ 627m2 cho bà Cẩn- trong khi theo giấy tờ pháp lý, phần đất này vẫn còn nằm chung với diện tích 1.222,8m2 đã được UBND huyện giao quyền sử dụng đất cho mẹ tôi theo Quyết định số 57 ngày 31.7.1996. Cấp đất cho bà Cẩn mà chưa thu hồi hay huỷ bỏ Quyết định số 57 là đúng hay sai?” - bà Hương đặt vấn đề.
Cũng theo bà Hương, vào thời điểm đó, toàn bộ khu đất đều đã được mẹ bà thế chấp cho ngân hàng, nếu có phát mãi tài sản thì ngân hàng mới là đơn vị đầu tiên có quyền kê biên, vậy tại sao Chi cục THADS huyện vẫn có thể tiến hành cưỡng chế và giao tài sản cho bà Cẩn được? “Đó là chưa kể, trong phần đất 1.222,8m2 đó, có 343m2 đất đã được mẹ tôi tặng cho tôi (có xác nhận của chính quyền địa phương và được cấp sổ đỏ vào năm 2005).
Tuy nhiên, phần đất 343m2 đã bị hiểu nhầm là tài sản chung của cha và mẹ tôi, nên cơ quan Thi hành án đã cắt phần này chừa lại cho cha tôi” - bà Hương giải thích.
Bà Nguyễn Thị Tiện kể, chỉ sau khi gia đình bà có đơn khiếu nại, đội thi hành án mới chịu chừa ra phần đất của con gái bà (bà Hương): “Tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại, chứ căn nhà ngói kiểu xưa, cột bằng gỗ gõ đỏ, luôn cả mảnh đất ngang 16m giáp mặt tiền đường 782, nhìn sơ qua ai cũng biết tài sản này có giá trị hơn gấp nhiều lần so với số tiền nợ. Xử như vậy là ép gia đình tôi quá, bản thân tôi cũng không còn chỗ ở”.
Vì đâu nên nỗi…
Trả lời bà Cẩn về việc chậm tiến hành cưỡng chế đối với bà Tiện, ngày 16.12.2013, UBND huyện có Công văn số 153 nêu rõ: Thường trực HĐND tỉnh có tiếp và nhận đơn khiếu nại của bà Tiện, sau khi xem xét đã có Công văn số 40 ngày 15.11.2013 chuyển đơn của bà Tiện đến UBND tỉnh để được giải quyết theo thẩm quyền.
Việc này, UBND huyện cần phải làm văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh. Huyện cũng đã có Công văn số 776 ngày 11.12.2013 báo cáo trường hợp của bà Nguyễn Thị Tiện lên tỉnh, đồng thời kiến nghị tỉnh có ý kiến chỉ đạo để thực hiện. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Gò Dầu sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện.
Ngày 2.10.2017, ông Trần Công Tạo- Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Gò Dầu cho hay, vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua tham khảo nội tình sự việc từ ông Tạo, đồng thời đem so sánh 2 giấy chứng nhận QSDĐ giữa bà Cẩn và bà Hương, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp kéo dài đã dần hé lộ.
Theo sơ đồ kèm theo 2 giấy chứng nhận QSDĐ, đất của bà Cẩn được cấp khi đã trừ mốc lộ giới từ tim đường 782 vào 20m, nhưng đất của bà Hương chỉ trừ vào 13,5m. Trong khi, hai phần đất này cùng tách ra từ một thửa 1.222,8m2 nêu trên, và cùng giáp với đường 782.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà bà Cẩn khiếu nại việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt đường 782. Công văn số 71 ngày 24.10.2013 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Dầu đã giải thích rõ về điều này.
Cụ thể, phần đất 1.222,8m2 được UBND huyện giao cho bà Tiện sử dụng theo Quyết định số 57 ngày 31.7.1996, đất có chiều ngang 23m, giáp với đường 782, và đã trừ lộ giới từ tim đường vào 15,5m. Theo biên bản định giá tài sản và cưỡng chế giao đất trước đó thì bà Trần Thị Cẩn được giao 627m2/1.222,8m2.
Phần diện tích bị cưỡng chế (627m2) có chiều ngang hướng Đông là 16m, chiều dài hướng Bắc giáp bà Tiện là 37,5m, chiều dài hướng Nam 38,5m giáp với hộ ông Trần Văn Hợp. Nhưng phần diện tích này khi được tính đã trừ lộ giới từ tim đường vào đến 26m (vượt hơn so với sổ đỏ đã được cấp?- PV).
Do đó, bà Nguyễn Thị Tiện sẽ còn lại phần diện tích nằm giữa phần đất bị cưỡng chế và đường 782 với kích thước bình quân sâu vào 10,5m, chiều dài giáp đường 782 là 16m.
Vì vậy, phần đất do Nhà nước cưỡng chế giao cho bà Cẩn có tứ cận hướng Đông dài 16m giáp với đất bà Tiện chứ không phải giáp đường 782.
Khi đối chiếu hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, phần diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án nằm trong phần diện tích 1.222,8 m2 do UBND huyện Gò Dầu giao cho bà Nguyễn Thị Tiện sử dụng từ năm 1996. UBND huyện Gò Dầu đã ban hành Quyết định số 1364 ngày 22.12.2011 về việc bồi thường, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng cho bà Tiện là đúng quy định.
Cùng chung một thửa đất và tuyến đường nhưng 2 sổ đỏ có mốc lộ giới khác nhau.
Vợ chồng bà Cẩn không khỏi thắc mắc: “Nếu cơ quan chức năng không cấp sổ đỏ theo kiểu bất thường như trên, làm sao có chuyện đất của chúng tôi nằm tại mặt tiền đường mà lại không có đường vào, lại bị “nhốt” ở giữa phần đất của bà Tiện? Rõ ràng, nghịch lý này chính là cái cớ để phía bà Tiện gây khó khăn cho người được thi hành án trong suốt hơn 14 năm qua”.
Được biết, vợ chồng bà Cẩn đang chuẩn bị hồ sơ để tiếp tục khiếu nại. Về phía gia đình bà Tiện cũng không ngừng “kêu oan” và gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.
Đối với nghi vấn của bà Hương về việc biên bản kê biên không có tên và chữ ký của cha, mẹ và anh em của bà, trong Báo cáo số 605 ngày 11.9.2013 của Cục THADS tỉnh gửi cho Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh có nêu rõ: Khi thực hiện việc kê biên có mặt cả vợ chồng bà Tiện, nhưng không ai chịu ký vào biên bản. Ngoài ra, việc kê biên có đại diện chính quyền địa phương tham dự, biên bản có giao cho bà Tiện một bản.
Trong Công văn số 344 ngày 28.7.2017 của Cục THADS tỉnh gửi cho bà Cẩn có phần nội dung đáng lưu ý: “Chấp hành viên đã tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho bà Cẩn xong. Sau đó, bà Tiện có hành vi tái chiếm lại tài sản nhà, đất đã giao.
Theo quy định, tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan Thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản.
Trong trường hợp tài sản bị tái chiếm, nếu có đơn khiếu nại của đương sự, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ giải thích và hướng dẫn đương sự đề nghị UBND hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, do vụ việc này có khó khăn, phức tạp, nên ngày 26.5.2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh có Văn bản số 1765 ngày 4.7.2017, về việc đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự có phương án hỗ trợ địa phương giải quyết dứt điểm vụ việc”.
Quốc Sơn