Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020:
Thí sinh chỉ được chọn một tổ hợp môn thi
Thứ bảy: 10:47 ngày 23/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự thảo cho phép thí sinh chỉ được chọn một trong hai tổ hợp môn thi và được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi với điều kiện các thiết bị này không thể thu, phát tín hiệu thông tin.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Sau nhiều ngày chờ đợi, ngày 20.5, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo thông tư (kèm theo quy chế) thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để lấy ý kiến đóng góp từ cơ sở. Dự thảo cho phép thí sinh chỉ được chọn một trong hai tổ hợp môn thi và được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi với điều kiện các thiết bị này không thể thu, phát tín hiệu thông tin.

Điểm học bạ chiếm 30% kết quả thi

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình cấp THPT. Kỳ thi còn nhằm lấy kết quả để công nhận tốt nghiệp, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học ở trường phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để làm căn cứ tuyển sinh.

Kỳ thi năm nay có 5 bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp (gồm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội). Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh hệ THPT phải dự thi ba bài thi độc lập và một bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Riêng thí sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ dự thi hai bài thi độc lập là Ngữ văn, Toán và một bài thi tổ hợp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng cá nhân. Về hình thức đề thi, các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp được ra bằng đề trắc nghiệm. Riêng bài thi Ngữ văn, thí sinh thi theo hình thức tự luận.

Đối với công tác tổ chức, theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì để tổ chức thi cho tất cả thí sinh trong tỉnh. Mỗi hội đồng thi có nhiều điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong tỉnh. Giám đốc Sở GD-ĐT căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại Hội đồng thi và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các điểm thi đặt tại trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi.

Thí sinh hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thi chung tại mỗi điểm thi, không xếp riêng thành từng nhóm theo chương trình học. Cũng như kỳ thi năm trước, theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn sử dụng 30% kết quả học bạ của lớp 12 để quy thành điểm, điểm bài thi chiếm 70%.

Dự thảo cũng quy định miễn thi cho một số nhóm đối tượng gồm người được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá. Để được miễn thi, thí sinh phải thoả mãn một số điều kiện, trong đó được triệu tập dự thi vào học kỳ 2 lớp 12, xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực từ loại khá trở lên, có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD-ĐT.

Người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ được miễn thi tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đáp ứng các điều kiện: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên, có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến Sở GD-ĐT trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (có quy định cụ thể) cũng nằm trong nhóm thí sinh được miễn thi.

Kỷ luật nghiêm đối với người vi phạm

Dự thảo cũng quy định các hình thức kỷ luật, biện pháp chế tài đối với những người có chức trách, nhiệm vụ tham gia kỳ thi. Theo tinh thần đó, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi) sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:

Thứ nhất, khiển trách đối với những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm (quy định cụ thể trong thông tư) trong khi thi hành nhiệm vụ. Cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi như để cho thí sinh quay cóp và mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi, chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót, ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT, truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Người nào vi phạm, tuỳ theo mức độ có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau: Ra đề thi sai, trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

Nếu có các hành vi sau sẽ bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự: đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi, làm lộ đề thi, mua, bán đề thi, làm lộ số phách bài thi, sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh, cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm, đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

Công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc…

Vẫn băn khoăn về giảm tải

Sau khi đọc dự thảo của Bộ GDĐT, một số cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục ở Tây Ninh đã có một số ý kiến về bản dự thảo này. Một vị hiệu trưởng cho biết, so với quy chế hiện hành (áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019), cơ bản dự thảo không có nhiều thay đổi.

Sự thay đổi đáng chú nhất của kỳ thi năm nay, xét về số môn thi, tổ hợp môn, là thí sinh chỉ được chọn một tổ hợp môn thi (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội), không còn được phép chọn thi cả hai tổ hợp như những kỳ thi trước. Những nội dung khác trong dự thảo, theo vị hiệu trưởng là không thay đổi nhiều.

Liên quan đến kỳ thi, một vị hiệu trưởng nhiều kinh nghiệm cho biết, ở một số môn học, thực tế nội dung giảm tải không đáng kể. “Nhiều giáo viên Toán, Vật lý, Hoá học… cho biết nội dung giảm tải những môn học này không đáng kể”- vị hiệu trưởng thông tin.

Theo ý kiến này, ở một số môn học, việc tinh giản chương trình chỉ rơi vào một số bài không phải là bài trọng tâm, những bài này có bỏ hay không cũng không ảnh hưởng gì, trong khi những nội dung lẽ ra cần tinh giản thì vẫn giữ nguyên. “Theo tôi hiểu thì hình như Bộ GDĐT không dám bỏ nhiều nội dung, bài học. Tình hình là giáo viên đang khá lo lắng”- vị hiệu trưởng cho biết.

Tương tự, một vị hiệu trưởng khác cũng nhìn nhận, nội dung tinh giản ở lớp 12 thực sự không nhiều. Về nội dung dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT, vị hiệu trưởng này cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Bộ GD-ĐT không cho thí sinh đăng ký dự thi cả hai tổ hợp như những năm trước là do tình hình dịch bệnh Covid- 19.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhìn nhận, nếu cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai tổ hợp thì cơ hội đỗ tốt nghiệp sẽ cao hơn, vì sau khi thi, tổ hợp nào có điểm thi cao hơn sẽ được chọn để tính điểm.

“Tôi nhận thấy, so với kỳ thi năm trước, sự thay đổi của kỳ thi năm nay là các trường đại học không tham gia vào kỳ thi này nữa. Việc thi cử được giao cho địa phương và đội ngũ coi thi hoàn toàn do giáo viên phổ thông đảm nhiệm. Nếu giáo viên THPT không đủ để bố trí thì sẽ điều động cả giáo viên THCS tham gia coi thi ở vòng ngoài, tức giám thị 3, còn gọi là giám thị hành lang”- một vị hiệu trưởng thông tin.

Về vấn đề chuyên môn, vị hiệu trưởng này cho rằng, đánh giá việc tinh giản chương trình tới đâu, tức giảm nhiều hay ít thì cũng tuỳ vào từng môn học và tuỳ cách đánh giá, nhìn nhận của mỗi cán bộ, giáo viên. Việc không cho thí sinh đăng ký cả hai tổ hợp, ý kiến này cho rằng đây có thể là một quyết định hợp lý, vì kỳ thi năm nay chỉ diễn ra trong hai ngày, giảm một ngày so với kỳ thi năm 2019.

“Việc không cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai tổ hợp cũng có cái hay ở chỗ, nếu đăng ký thi cả hai tổ hợp, thí sinh phải dự thi rất nhiều môn và không được phép bỏ bất kỳ môn thi thành phần nào”- vị hiệu trưởng phân tích.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục