Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 24.12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 24 về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Quy chế mới ban hành giải đáp hai vấn đề băn khoăn lâu nay: kỳ thi tốt nghiệp THPT nên có mấy môn thi và những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nếu chưa tốt nghiệp sẽ thi theo chương trình nào.
Sau nhiều lần ban hành dự thảo để lấy ý kiến đóng góp cả trong và ngoài ngành, ngày 24.12.2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 24 về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là năm học đầu tiên, học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Quy chế mới ban hành giải đáp hai vấn đề thắc mắc, băn khoăn lâu nay: kỳ thi tốt nghiệp THPT nên có mấy môn thi và những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nếu chưa tốt nghiệp sẽ thi theo chương trình nào.
Có hai loại đề thi
Theo quy chế mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có hai loại đề thi: một đề thi dành cho học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và một đề thi dành cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp THPT.
“Đối với thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trước năm 2025 nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5.5.2006, Chương trình giáo dục thường xuyên được ban hành kèm theo Quyết định số 50/2006/QĐ-BGDĐT ngày 7.11.2006 và các văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT.
Đối với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh, được chọn dự thi theo đề thi được quy định (trong quy chế) hoặc đề thi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của quy chế thi ban hành kèm theo (Thông tư 24). Từ năm 2026, Bộ GD&ĐT tổ chức thi kỳ thi tốt nghiệp THPT với một loại đề thi duy nhất theo quy định”– Thông tư 24 nêu.
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có hai loại đề thi, học sinh học chương trình nào thi chương trình đó.
Thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn
Trước ban hành quy chế chính thức, Bộ GD&ĐT công bố ba phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó, phương án ba quy định kỳ thi này có hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn.
Năm 2023, khi được hỏi nên thi theo phương án nào, nhiều giáo viên, học sinh ở Tây Ninh bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối đối với phương án ba, tức kỳ thi chỉ bao gồm tổng cộng bốn môn. Quy chế mới ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của giáo viên và học sinh. “Tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn)”– Điều 3 của quy chế nêu.
So với trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm số môn thi và do đó giảm cả số buổi thi, thí sính chỉ còn thi trong ba buổi, tức một ngày rưỡi. Hai môn Ngữ văn và Toán mỗi môn thi trong một buổi, buổi thi còn lại thí sinh làm hai môn thi tự chọn. Để đăng ký tuyển sinh đại học, ngoài môn Ngữ văn hoặc Toán, thí sinh chọn bất kỳ hai môn thi nào trong số các môn tự chọn để hình thành khối thi gồm ba môn theo nguyện vọng cá nhân. Như vậy, bài thi tổ hợp gồm 3 môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 không còn tồn tại.
Những đối tượng được miễn thi
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quy định những đối tượng sau đây được miễn thi:
Người được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá được miễn thi tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đáp ứng các điều kiện sau: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, kết quả rèn luyện cả năm lớp 12 đạt mức tốt, kết quả học tập cả năm lớp 12 đạt mức từ khá trở lên và có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD&ĐT.
Người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ được miễn thi tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đáp ứng các điều kiện: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, kết quả rèn luyện và học tập cả năm lớp 12 đạt mức từ đạt trở lên, có tên trong công văn đề nghị miễn thi, xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến Sở GD&ĐT trước ngày thi tốt nghiệp THPT.
Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung, học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi theo quy định, có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung, được hiệu trưởng trường phổ thông nơi đăng ký học tập xác nhận kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân từng năm ở cấp THPT, có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi theo quy định, có giấy xác nhận bị nhiễm chất độc hóa học và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Lịch sử 25 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm học 1998-1999, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tất cả 6 môn bắt buộc, gồm Toán, Văn (lúc này chưa có tên gọi Ngữ văn), Tiếng Anh và ba môn do Bộ GD&ĐT chọn, ba môn này thường công bố vào đầu tháng 3 hằng năm. Ở giai đoạn đó, kỳ thi chỉ có một mục đích duy nhất: công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
Tất cả các môn thi đều được ra bằng đề tự luận. Tiếp theo, từ năm 2000-2013 (thực hiện Chương trình giáo dục năm 2000 và 2006) kỳ thi gồm bốn môn, ngoài Toán, Ngữ văn là môn thi bắt buộc, thí sinh được quyền chọn hai môn còn lại. Kỳ thi này cũng chỉ nhằm công nhận tốt nghiệp. Giai đoạn này, tồn tại hai kỳ thi riêng biệt, sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi vào đại học, cao đẳng.
Tuyển sinh vào đại học, cao đẳng ở giai đoạn này thực hiện bằng phương thức ba chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả. Cho đến nay, phương thức tuyển sinh vào đại học như trên, tuy chưa thể tinh giản gọn nhẹ như mong muốn nhưng giới chuyên môn đánh giá cao về độ tin cậy của kỳ thi.
Sự thay đổi đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu năm 2014. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó, thí sinh thi tất cả bốn môn nhưng có ba môn bắt buộc, gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. So với trước đó, đề thi năm 2014 chỉ có một sự điều chỉnh nhỏ: môn Ngoại ngữ chuyển hoàn toàn sang thi trắc nghiệm, không còn phần tự luận.
Năm 2015, kỳ thi có tên gọi mới: kỳ thi THPT quốc gia, bỏ chữ “tốt nghiệp”. Tại kỳ thi này, thí sinh thi bốn môn, ngoài ba môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn còn lại thí sinh tự chọn. Năm 2016, thí sinh lần đầu tiên làm bài thi tổ hợp, ngoài ba môn bắt buộc thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh làm một trong hai môn thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
Ba năm tiếp theo, từ 2017-2019, kỳ thi tiếp tục mang tên “kỳ thi THPT quốc gia” nhưng do Sở GD&ĐT chủ trì, có sự hỗ trợ về coi thi, chấm thi của các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi vẫn gồm ba môn bắt buộc và độc lập, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Từ năm 2020-2023, kỳ thi không còn tên gọi “kỳ thi THPT quốc gia” nữa, trở lại tên gọi cũ - kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn sử dụng cho hai mục đích, gồm tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Đối chiếu với quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, số lượng môn thi tốt nghiệp THPT có thay đổi theo từng giai đoạn. Nhưng, việc cho phép học sinh được quyền chọn môn thi, ngoài những môn bắt buộc, đã được thực hiện từ rất lâu. Nếu lùi lại thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn.
Việt Đông