Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thi tốt nghiệp thpt năm 2025 - nhiều giáo viên, học sinh ủng hộ phương án “2+2”
Thứ tư: 08:18 ngày 08/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, giáo viên và học sinh hầu hết tán thành phương án 2+2, không cần thiết thi 5, 6 môn như hai phương án ban đầu.

Học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Văn Thụ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang gấp rút hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm học đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài các phương án đã được công bố trước đây, Bộ có thêm phương án chỉ thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn, nhiều giáo viên, học sinh ở Tây Ninh bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án mới này.

Thi hai môn có nhiều ưu điểm

“Theo 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, tôi chọn phương án 3, tức thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nghiêng về đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh, do đó, học sinh thi theo phương án này là hợp lý nhất”- ông Hoàng Huy Thắng- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong nêu ý kiến.

Lưu Hương Quỳnh- học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Hồng Phong bày tỏ ủng hộ phương án 3, tức chỉ thi 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn, “em chọn phương án 3 bởi vì học ít môn chúng em sẽ có thời gian chuyên tâm học tổ hợp để thi đại học”.

Lưu Hương Giang, học sinh lớp 11 cũng tán thành phương án thi hai môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, “em muốn được thi 2 môn chính và 2 môn phụ. Hai môn phụ em dự định chọn để thi gồm Địa lý và Giáo dục kinh tế - Pháp luật, vì nội dung học nhẹ nhàng, đồng thời em muốn hiểu thêm địa lý thế giới và Việt Nam”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho rằng, cả 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra đã có sự tính toán, mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế. “Tuy nhiên, theo tôi, phương án thứ 3, tức 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là ưu việt nhất. Dù học chương trình mới nhưng vẫn ảnh hưởng đến nhóm thi đại học, tổ hợp môn thi đại học, chủ trương là chúng ta tinh giản bớt nặng nề cho học sinh cũng như phụ huynh”.

Trong vấn đề thi cử, trước đây, Bộ cũng có chủ trương là dồn 2 kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi đại học làm một, để ngoài xét tốt nghiệp thì còn xét đại học. “Theo tôi, phương án 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc là ưu việt, phù hợp với nhóm ngành đại học.

Ví dụ, một học sinh chọn thi khối C, có thể thêm 2 môn tự chọn là Lịch sử hoặc Địa lý, thêm môn bắt buộc là Ngữ văn, thì mình có tổ hợp văn; hay như khối A, ngoài môn Toán, học sinh chọn thêm hai môn liên quan đến tổ hợp thi của mình để tuyển sinh đại học. Về kinh phí, tôi thấy đỡ tốn kém hơn vì 4 môn chỉ thi trong 2 ngày, giảm rất nhiều”- ông Quang nói.

Em Trương Tấn Lộc, học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Văn Thụ “chọn phương án 2+2, vì nhẹ cho học sinh bởi kiến thức trong sách rất rộng. Phương án thi hai môn bắt buộc, 2 môn tự chọn giúp giảm áp lực cho học sinh, để các em có thời gian nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực đã chọn”.

Ông Nguyễn Duy Cường, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hoàng Văn Thụ cũng tán thành phương án thi hai môn bắt buộc cộng hai môn tự chọn. “Tôi ủng hộ phương án 2+2 vì tiết kiệm được thời gian, nhân lực, kinh phí, giảm tải áp lực cho học sinh và giáo viên, phù hợp với việc học sinh chọn tổ hợp môn thi đại học”.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống- chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 cho biết, ông ủng hộ phương án 2+2. Theo ông Thống, phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT nêu lên, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.

Cải cách giáo dục là cải cách thi cử, đừng đưa quá nhiều môn bắt buộc phải thi để học sinh căng mình nhồi nhét, khai thác tối đa trí nhớ để nhớ những kiến thức mà thực ra, chỉ cần một cú “click” là có đầy đủ.

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh chọn phương án thi ba môn

Khác với các ý kiến nêu trên, bà Trần Nguyễn Nguyệt Diễm- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, Sở GD&ĐT đã và đang lấy ý kiến thi tốt nghiệp THPT 2025. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh khảo sát 66 cán bộ, giáo viên về phương án tổ chức kỳ thi này. Kết quả, có 62 giáo viên chọn phương án 2 là thi tốt nghiệp có 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.

“Môn Toán đòi hỏi tư duy nên các em học tốt môn này có thể vận dụng vào nhiều ngành nghề khác nhau. Đối với môn Ngữ văn, đòi hỏi các em phải có kỹ năng lập luận, vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Một môn quan trọng nữa là môn Tiếng Anh giúp các em hội nhập với thế giới.

Do đó, 3 môn này đủ tiêu chuẩn để đánh giá sức học cũng như khả năng phát triển của các em, thêm 2 môn tự chọn nữa thì các em có thể thể hiện được năng khiếu của bản thân. Năm 2025 là năm đầu tiên áp dụng, nếu có thể hãy giảm bớt áp lực cho các em, bớt số môn thi để các em đầu tư các môn sở trường”- bà Nguyệt Diễm phát biểu.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong trong giờ học.

Em Đặng Trần Phương Vy, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh ủng hộ phương án 3 môn chính và 2 môn tự chọn. Vì ngoài những môn thi Vật lý, Hoá học, Sinh học, nếu thêm Lịch sử vào môn thi bắt buộc thì quá nặng đối với các em. Ngược lại đối với ban xã hội, nếu bắt buộc thi Lịch sử, các bạn có lợi thế. Phương Vy đánh giá thi phương án 3 môn bắt buộc cộng 2 môn tự chọn là phù hợp.

Trương Hoàng Khôi, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh bày tỏ: “Em chọn phương án 3+2 vì có Tiếng Anh là môn bắt buộc, ngành nào cũng cần ngoại ngữ, nên em thấy phương án này phù hợp”.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố thêm phương án 3, tức chỉ thi hai môn bắt buộc (Toán đại diện cho nhóm ngành khoa học tự nhiên, Ngữ văn đại diện nhóm ngành khoa học xã hội), trên nhiều diễn đàn, rất đông ý kiến tán thành phương án mới này. Các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, giáo viên và học sinh hầu hết tán thành phương án 2+2, không cần thiết thi 5, 6 môn như hai phương án ban đầu.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của phương án thứ ba là học sinh lớp 12 “rảnh tay” với một số môn học khác, tập trung, toàn tâm toàn ý cho việc củng cố, nâng cao kiến thức những môn thi thuộc tổ hợp các em lựa chọn để vào đại học theo nguyện vọng.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục