Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thị trấn Bến Cầu hôm nay
Thứ bảy: 06:27 ngày 30/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bây giờ, đường về thị trấn Bến Cầu không còn những cảnh “đáng sợ” như xưa, bởi những tuyến đường đã được trải nhựa phẳng phiu, êm ái. Ai muốn đi đường cầu Gò Chai bằng xe máy, đến tỉnh lộ 786 chạy thêm hơn 45 phút là tới nơi. Nếu đi đường Cẩm Giang còn nhanh hơn, chỉ khoảng 30 phút.

Cầu  Bến Đình.

Trước kia, mặc dù từ chợ Cẩm Giang, huyện Gò Dầu đến thị trấn Bến Cầu của huyện Bến Cầu chỉ chừng mười cây số, nhưng ai cũng ngán ngẩm khi phải đi trên con đường sỏi đỏ gập ghềnh, loang lổ những ổ gà, ổ voi.

Vào một ngày năm 1996, tôi được cấp trên phân công phối hợp cùng với anh em đội văn nghệ huyện Bến Cầu đi diễn phục vụ tại một điểm trường ở Cẩm Giang. Máy móc đã có xe ô tô vận chuyển đi vòng đường Gò Dầu qua, còn anh em nhạc công, diễn viên đi xe gắn máy theo đường Bến Đình cho gần, tiết kiệm được xăng nhớt. Sau khi đi ghe qua sông Vàm Cỏ, chúng tôi lên quốc lộ 22B, đi hơn hai cây số là tới địa điểm.

Gần đến giờ diễn, anh em trong đội văn nghệ phải câu điện, ráp âm thanh, máy móc để đúng mười chín giờ bắt đầu biểu diễn. Sắp đến giờ diễn, một anh phụ trách âm thanh mới phát hiện là đã bỏ quên cây đàn organ ở cơ quan. Cả đoàn đều sửng sốt, chỉ biết than trời vì chuyện này giống như đi đánh giặc mà... quên mang súng.

Cán bộ phụ trách đội quyết định phân công chính anh phụ trách âm thanh phải về tận Bến Cầu để lấy bằng được cây đàn. Dù không khỏi e ngại khi phải vượt qua đoạn đường tối om, gập ghềnh hoặc lên ghe vượt sông ban đêm đầy nguy hiểm, anh bạn của tôi cũng đành phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không thể khác.

Chuyện ấy đã khá lâu rồi. Bây giờ, đường về thị trấn Bến Cầu không còn những cảnh “đáng sợ” như xưa, bởi những tuyến đường đã được trải nhựa phẳng phiu, êm ái. Ai muốn đi đường cầu Gò Chai bằng xe máy, đến tỉnh lộ 786 chạy thêm hơn 45 phút là tới nơi.

Nếu đi đường Cẩm Giang còn nhanh  hơn, chỉ khoảng 30 phút. Một ngày cách đây không lâu, tôi đã cùng với vài anh em đi thị trấn Bến Cầu thăm bà con. Chúng tôi đi trên quốc lộ 22B, qua bìa xóm ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, rẽ hướng Bến Đình theo con đường nhựa rộng lớn, qua cầu Bến Đình chừng vài cây số nữa là tới thị trấn Bến Cầu.

Chạy xe chầm chậm trên chiếc cầu cao, nhìn xuống dưới dòng sông phẳng lặng có những chiếc thuyền  ngược xuôi qua lại… lòng tôi bỗng dâng lên niềm vui sướng. Chiếc cầu rộng mười hai mét, gồm mười nhịp, dài đến ba trăm tám chục mét này đã bù đắp lại phần nào nỗi thiệt thòi mấy mươi năm qua của người dân vùng nông thôn Bến Cầu.

 Qua khỏi cầu, bên trái là khu dân cư  ấp B, còn bên phải là khu dân cư ấp Bàu Tép đều thuộc xã Tiên Thuận. Hai bên đường nhiều nhà tường đã mọc lên, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phô vẻ sung túc bằng những bảng hiệu: nhà nghỉ công nhân, đại lý bia, nước ngọt, phân bón…

Thấp thoáng đằng xa, cách đường vài chục mét là những vườn cao su khoe vẻ xanh tươi óng ả trong nắng. Trên đường, những nữ công nhân làm đường, gương mặt ẩn sau lớp khẩu trang nhằm chống chọi với khói bụi công trường đang miệt mài lao động dưới cái nắng gay gắt. Những đôi bàn tay chai sần cần mẫn sắp từng viên đá trên mặt đường. Phía trước họ là những chiếc xe hủ lô nặng nề, chầm chậm lăn bánh, đầm cho mặt đường thêm chắc chắn. Công trình chào xuân 2018 chăng?

Qua khỏi đoạn trên, chúng tôi chạy bon bon trên quãng đường hơn hai cây số nữa là đến khu phố 3, thị trấn Bến Cầu. Đến thăm nghĩa trang liệt sĩ, nơi Bến Cầu bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp cho gần 1. 400 ngôi mộ trở nên khang trang hơn. Trong nghĩa trang, có nhiều cây kiểng xanh tốt, làm ấm lòng những người có con em đang yên giấc ngàn thu tại đây khi họ đến thăm vào mỗi dịp xuân về tết đến.

Anh Út Lãm- người giữ nghĩa trang lui cui pha bình trà thơm đãi khách. Anh là thương binh hạng 1/4, bàn tay trái đã mất đi ba ngón, mắt chỉ còn một bên. Anh tâm sự: “Còn sức khoẻ bao nhiêu tôi ráng phục vụ xã hội bấy nhiêu, ngày thường vẫn quét dọn, ngày lễ càng ít rảnh tay. Ngày nào tôi cũng thức dậy sớm, khoảng năm giờ là lo quét dọn, làm vệ sinh xung quanh sạch sẽ, tưới cây kiểng, rau cải. Dù cây kiểng có công ty cây xanh chăm sóc, nhưng thấy nắng quá tôi cũng tưới để giữ cho cây tươi tốt”.

Một đoạn đường gần cầu Bến Đình đang được thi công.

Dự định của chúng tôi là đi cửa khẩu Mộc Bài, nhưng đi giữa chừng lại thấy... luyến tiếc những con đường thông thoáng, cây kiểng xanh tươi tại trung tâm Thị trấn nên quay lại.

Vừa bước vào trụ sở UBND Thị trấn là gặp anh Trịnh Văn Đực- Phó Chủ tịch Uỷ ban. Vẻ nhanh nhẹn, niềm nở, anh cho biết, ở thị trấn này không chỉ đường lớn mà các con hẻm cũng đều có đèn, nên ban đêm đường sá sáng trưng,  bảo đảm cho người dân đi lại được dễ dàng.

Chúng tôi rảo một vòng qua các ngõ hẻm thấy chúng đều được cứng hoá, láng bê tông, nhiều bóng đèn treo lủng lẳng. Nghe nói có tất cả là 525 bóng đèn, tính chung các ngõ hẻm chiều dài hơn 21.000m, chi phí lắp đặt hơn 262 triệu đồng. Thị trấn Bến Cầu có 1.896 hộ dân, chia thành 68 tổ dân cư tự quản, chính quyền và đoàn thể luôn quan tâm đến đời sống người dân.

Hiện có 100% hộ sử dụng điện, 98% hộ sử dụng nước sạch; năm 2017, địa phương đã xây tặng 6 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT toạ lạc trên địa bàn Thị trấn cũng được xây dựng khang trang, riêng Trường tiểu học Thị trấn đạt chuẩn quốc gia nhiều năm nay.

Ngôi chợ mới xây dựng rộng lớn khang trang, với chi phí hơn 600 triệu đồng đang chờ tiểu thương vào đây mua bán. Rồi đây, bà con tiểu thương và người dân Thị trấn không còn phải ra chợ để mua bán, trao đổi hàng hoá trong không gian chật hẹp, ẩm ướt như trước đây nữa.  

Bộ mặt vùng quê Bến Cầu nói chung, thị trấn Bến Cầu nói riêng nay đã thay hình đổi dạng so với trước kia- một sự đổi thay đáng gọi là kỳ diệu. Vùng quê biên giới này đang thực sự khởi sắc để chào đón mùa xuân.   

THUỲ DUNG

 

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục