Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thị trường cuối năm: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Thứ sáu: 07:18 ngày 04/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021- thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Ðây là cơ hội để thị trường bán lẻ lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Cop.opMart TP. Tây Ninh.

Trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ giảm sút mạnh về doanh số. Nhiều cửa hàng ngưng hoạt động đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ.

Những tháng gần đây, thị trường bán lẻ dần ổn định trở lại. Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh 10 tháng qua ước đạt 52.232,8 tỷ đồng, tăng 2,98% so cùng kỳ năm trước, tập trung ở một số nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Hiện nay, cả nước đang bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn tỉnh đang triển khai các chương trình giảm giá sản phẩm, tặng quà, nhân điểm tích luỹ cho khách hàng thành viên khi mua sắm.

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opmart TP. Tây Ninh cho biết, những tháng đầu năm 2020, thị trường bán lẻ của hệ thống Co.opmart chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, khiến doanh thu giảm 15%-20% so với cùng kỳ.

Trải qua giai đoạn phòng, chống đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, để đạt mức tăng trưởng cao và chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Tân Sửu năm 2021, từ giữa năm, hệ thống Co.opmart đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-4 lần, chủ động nguồn cung dự trữ hàng hoá phục vụ tết. Dự kiến sức mua cao điểm những tháng tết sẽ tăng từ 65% - 75% so với bình quân tháng trong năm 2020.

Ngoài ra, hệ thống Co.opmart có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hoá lên từ 5-10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm thực phẩm tết. Tổng giá trị hàng hoá dự kiến cung ứng cho 2 tháng trước, trong và sau tết được dự trữ là trên 120 tỷ đồng.

Dịp này, Co.opmart Tây Ninh tăng cường sản phẩm nhãn hàng riêng mới cùng với những mặt hàng phục vụ cho mùa tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món… và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác.

Ông Bảo cho biết thêm, trong những tháng cuối năm 2020, Co.opmart sẽ đồng loạt giảm giá hàng tết sớm từ trước 2 tháng để giúp người tiêu dùng có kế hoạch mua sắm các mặt hàng trang trí, vệ sinh nhà cửa, nhu yếu phẩm từ sớm, những ngày cận tết chỉ cần chọn những thực phẩm chế biến sẵn tiện lợi của siêu thị. Theo đó, từ 17.12.2020 đến Tết Nguyên đán 2021, hệ thống Co.opmart luân phiên giảm giá mạnh cho 10.000 sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa, sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang, giỏ quà tết, các loại bánh, kẹo, mứt, gia vị…

Ðể kích cầu tiêu dùng cho những tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng khá, thời điểm này, tại các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, Bách Hoá Xanh, Vinmart, lượng hàng hoá luôn dồi dào, giá cả được giữ ổn định. Các mặt hàng tết khá đa dạng, trong đó ưu tiên các sản phẩm có mức giá bình dân. Nhiều đơn vị bán lẻ hạn chế các mặt hàng nhập khẩu cao cấp như rượu, bánh và tăng cường dự trữ các sản phẩm thiết yếu để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình để kích cầu tiêu dùng như: mở các chương trình khuyến mãi, sử dụng hệ thống tích điểm, tặng quà khi mua nhiều sản phẩm, tăng thời gian bảo hành sản phẩm, giảm phí giao hàng...

Ðể bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường, Sở Công Thương triển khai kế hoạch bình ổn giá hàng hoá dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thời gian thực hiện chương trình đến ngày 31.3.2021. Có 8 mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, nước chấm và rau-củ-quả. Tổng giá trị hàng hoá dự trữ trên 180 tỷ đồng, bao gồm 14.000 tấn gạo, 1.400 tấn đường, 1.400 lít dầu ăn, 1.400 tấn thịt gà, 2.100 tấn thịt heo, 11,2 triệu quả trứng gà, 5.600 tấn rau, củ quả; 700.000 lít nước mắm và 700.000 lít nước tương.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế tổ chức, Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hoá trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung - cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ tết; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hoá kết hợp cung ứng hàng hoá bình ổn thị trường dịp tết cho các địa bàn- nhất là khu vực nông thôn.

Sở Công Thương sẽ tập trung kiểm tra công tác bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức...

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục