Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Siêu thị nhộn nhịp–Chợ truyền thống ảm đạm
Chủ nhật: 21:27 ngày 24/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán, thị trường mua sắm hàng hoá dịp Tết chính thức bước vào cao điểm. Các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá bắt đầu trưng bày các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong ngày Tết. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid–19, thị trường Tết năm nay có sự khác biệt rõ rệt giữa siêu thị và chợ truyền thống. Trong khi tại các siêu thị đã bắt đầu sôi động người mua, thì ngược lại tại các khu chợ truyền thống khá ảm đảm, nhiều tiểu thương lo lắng, và chỉ nhập hàng dè chừng.

Gian hàng bánh kẹo, mứt Tết được trưng bày bắt mắt tại siệu thị Co.opmart Tây Ninh.

Siêu thị nhập hàng sớm, bảo đảm hàng hoá phục vụ người dân

Để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhiều siêu thị đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung từ rất sớm, với cam kết đủ nguồn hàng và kéo dài các chương trình khuyến mãi.

Ông Nguyễn Văn Bảo – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tây Ninh cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, đồng thời để hàng hóa Tết không bị đẩy giá lên cao trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op đã chuẩn bị một lượng hàng hóa thiết yếu lớn phân bổ đều đến các siêu thị trên cả nước, có thể phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020.

Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Riêng siêu thị Co.opmart Tây Ninh, đơn vị cũng đã chủ động lượng hàng hoá phục vụ Tết trước 2 tháng, nhằm giảm áp lực mua sắm dồn vào những ngày cuối năm. Hiện tại, sức mua hàng hoá tại siêu thị đã tăng dần và ổn định, cụ thể tăng 50% so với ngày thường và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu các mặt hàng nhu yếu phẩm, bánh kẹo, các sản phẩm phục vụ Tết,...

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, siêu thị cố gắng giữ giá và giảm giá, áp dụng chương trình giảm giá sớm và khoa học để giảm áp lực mua sắm cho người dân. Trong đó, siêu thị thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết và mười ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Các hoạt động khuyến mãi như tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng,… cũng sẽ được tổ chức liên tục.

Giá cả các mặt hàng phục vụ Tết có thay đổi so với năm trước. Cụ thể, các loại nước ngọt như: Coca cola, Pepsi, Tea+, Fanta, Mirinda,... có giá dao động từ 120 – 225 nghìn đồng/ thùng; các loại bia giá giảm nhẹ như: Bia 333, Tiger, Heniken, Budweiser, Sài Gòn các loại... có giá từ 234 – 416 nghìn đồng/ thùng. Mặt hàng bánh kẹo Tết cũng đa dạng chủng loại, thương hiệu từ hàng Việt đến hàng nhập khẩu.

 

Trong đó, các thương hiệu Việt như: Kinh Đô, Bibica, Orion, Phạm Nguyên, ... được nhiều khách hàng ưa chuộng, có giá từ 55 – 220 nghìn đồng/ hộp; các loại bánh nhập khẩu như: Danisa, Hyperion, Royal Dansk, Copenhagen, LU,... có giá từ 130 – 350 nghìn đồng/ hộp, tuỳ trọng lượng.

Ngoài ra, siêu thị còn bán các mặt hàng đặc trưng trong dịp Tết như các loại dưa món: củ kiệu ngâm chua, cà pháo tôm chua, hành, tỏi chua ngọt,... đến từ các thương hiệu Vissan, Cầu Tre, Samigel, CP Nam Phong, Co.op mart Select... và các loại mứt, các loại hạt được nhập hàng số lượng lớn với hai thương hiệu chính là Xuân Hồng và Co.opmart Select với giá cả phải chăng, hợp lý.

Về mặt hàng thịt heo, siêu thị đã có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Nguồn cung thịt gia súc phần lớn đơn vị khai thác là hàng địa phương, đồng thời có sự chuẩn bị dự trữ thịt nhằm dự phòng và bình ổn giá cả cho đợt cao điểm Tết. Hiện tại giá thịt heo tại siêu thị có giá từ 123 – 199 nghìn đồng/kg, tùy loại thịt.

Hiện tại đã có khá nhiều khách hàng đến siêu thị mua sắm tết cho gia đình. Cô Trần Thế Phượng (ngụ Thị xã Hoà Thành), một người dân đang mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Tây Ninh cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid – 19, kinh tế gia đình có phần giảm so với năm ngoái nên năm nay gia đình cô mua sắm tết cũng đơn giản và tiết kiệm. Để gia đình vẫn có không khí ngày Tết, cô tranh thủ mua bánh mứt, một số thực phẩm khô sớm vì sợ mua cận tết sẽ hết hàng. Nhiều năm qua cô vẫn luôn tin tưởng mua hàng ở các siêu thị vì sự đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Tại hệ thống các siêu thị Bách Hoá Xanh (BHX), hàng hoá phục vụ Tết cũng đã được trưng bày, trang trí bắt mắt để người dân dễ dàng lựa chọn. Theo đại diện Bách Hoá Xanh, để phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân trong dịp Tết, tổng lượng hàng hoá đã được BHX tăng cường ở nhiều mặt hàng: rau củ quả, thịt heo, thuỷ - hải sản,...; thực phẩm đông lạnh; bia, nước ngọt. Với mặt hàng thịt heo, BHX nhập khẩu dự phòng lượng hàng dự trữ lớn nhằm đảm bảo cung cấp nhu cầu sử dụng của người dân trong dịp Tết.

Mùa Tết đến gần, nhiều loại hàng hoá trên thị trường đồng loạt tăng giá. Song BHX cho biết các sản phẩm của siêu thị sẽ áp dụng chương trình “khoá giá”, giá rẻ ngang chợ và cố định trong dịp Tết. Bên cạnh đó, siêu thị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi “sâu”, mua 1 tặng 1, tặng quà hấp dẫn,... giúp bà nội trợ thoả sức mua sắm mà không lo về giá.

Dịp này, nhiều mặt hàng bán chạy được BHX giảm giá “sâu” giúp người mua tiết kiệm trong mùa Tết: Bia Budweiser giá chỉ , bia Heniken 405 nghìn đồng/thùng, bia Becks 190 nghìn đồng/thùng, Trà ô long Tea+ 120 nghìn đồng/ thùng, Fanta 144 nghìn đồng/thùng,  gạo 75 – 145 nghìn đồng/túi 5 kg,...

Chị Lê Thị Thu (ngụ phường 4, thành phố Tây Ninh) cho biết: “Tôi thường xuyên mua sắm hàng hoá ở BHX vì giá cả tốt, nhiều mặt hàng, nhiều chương trình khuyến mãi giúp người dân mua hàng tiết kiệm trong dịp Tết. Ngoài ra, siêu thị còn trang hoàng sạch sẽ, nhân viên tư vấn nhiệt tình tạo cho cho khách hàng cảm giác hài lòng khi mua sắm”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân, doanh nghiệp làm quà tặng, các siêu thị đồng loạt tung ra thị trường nhiều giỏ hàng tết với nhiều tên gọi, sản phẩm thiết yếu dùng trong dịp Tết, nhiều giá bán để người tiêu dùng lựa chọn.

Người dân mua sắm Tết tại Siêu thị Co.opmart Tây Ninh.

Năm nay do những tác động từ dịch Covid – 19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên xu hướng quà tặng có nhiều chuyển biến. Theo ông Nguyễn Văn Bảo – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tây Ninh, các giỏ hàng năm nay được siêu thị tinh giảm về số lượng các mặt hàng và tập trung vào các giỏ quà có phân khúc giá từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/giỏ để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng chiết khấu cho những đơn hàng số lượng lớn lên đến 15%, cao hơn so với những năm trước.

Ngoài ra, các siêu thị cũng đẩy mạnh chương trình giao hàng tận nơi để đẩy nhanh lượng tiêu thụ hàng hoá và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid – 19. Ông Nguyễn Văn Bảo – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tây Ninh cho biết, hiện siêu thị Co.opmart Tây Ninh có dịch vụ giao giỏ quà Tết miễn phí toàn quốc “Gắn kết tình thân, tết xa thêm gần”.

Thực phẩm khô, lên men được nhiều khách hàng lựa chọn dùng trong dịp Tết.

Đây là chương trình rất phù hợp tình hình dịch bệnh hiện tại và là dịch vụ độc quyền độc đáo của Saigon Co.op thực hiện riêng cho hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc với mục đích tối đa hóa tiện ích cho người tiêu dùng. Với dịch vụ này, chỉ cần đặt hàng online hoặc đến siêu thị gần nhất, khách sẽ dễ dàng gửi quà Tết về quê, các tỉnh thành xa để biếu tặng người thân, bạn bè, đối tác mà không phải vận chuyển phức tạp và phát sinh chi phí.

Nhân viên siêu thị trang trí gian hàng Tết.

Tương tự, Bách Hoá Xanh đã triển khai dịch vụ mua sắm online trên kênh mua sắm của BHX và tăng cường nhân viên giao hàng tận nơi cho khách hàng trên dịp Tết với mức phí giao hàng hợp lý. Đây là dịch vụ nhằm tăng cường lượng tiêu thụ hàng hoá trong mùa Tết, phù hợp với chủ trương phòng chống dịch Covid – 19 của địa phương và cả nước – Đại diện BHX cho biết.

Đìu hiu chợ truyền thống, tiểu thương nhập hàng dè chừng

Trước sự cạnh tranh của các hệ thống siêu thị hiện đại cùng với sự ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều tiểu thương ở các khu chợ truyền thống e dè nhập hàng bán tết, có người còn sang lại hàng quán, chuyển sang buôn bán, kinh doanh các mặt hàng hoặc làm ngành nghề khác.

Đại diện Ban quản lý Chợ Long Hoa thuộc Công ty Cổ phần xây dựng và Phát triển Đô thị Tây Ninh cho biết, thời gian qua trước sự ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tình hình mua bán của bà con ở chợ khá chậm. Chợ vắng khách, tiểu thương bán chủ yếu cho khách du lịch. Một số tiểu thương đã bỏ hoặc sang sạp khiến khu chợ càng thêm vắng vẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiểu thương vẫn cố gắng bám trụ, nhập hàng dè chừng bán qua mùa Tết.

Cô Trần Thị Phượng Liên, một tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ Long Hoa lo lắng chia sẻ, trong năm 2020, cô đã bỏ rất nhiều hàng hoá vì hết hạn sử dụng, không bán được. Dự định không bán dịp Tết nhưng vì kinh doanh lâu năm, đã có khách quen cô vẫn cố gắng đầu tư gian hàng bánh mứt tết để bán giữ khách. Tuy nhiên, cô chỉ dám nhập mỗi loại vài ký bán cầm chừng chứ không dám nhập nhiều vì sợ tồn hàng, sau tết khó bán.

Bánh mứt được bày bán nhiều ở chợ.

Cùng hoàn cảnh, cô Nguyễn Thị Thuý Loan, tiểu thương bán bánh kẹo ở chợ thành phố Tây Ninh cho biết, mọi năm cuối tháng 11 âm lịch là cô đã mở gian hàng bánh mứt nhưng năm nay cận Tết cô mới dám mở hàng và nhập hàng ít hơn 50% so với năm ngoái vì sợ tồn hàng. Hiện tại, chợ khá vắng vẻ và thưa khách đến mua sắm tết. Nhiều tiểu thương ở chợ khá lo lắng về tình hình mua bán này. Cô chỉ hy vọng những ngày cận tết sẽ đông khách hơn và dịch bệnh không bùng phát để người dân yên tâm mua bán.

Hiểu sự khó khăn của tiểu thương, nhiều nhà sản xuất, đại lý phân phối bánh kẹo, mứt tết cũng đồng loạt giảm giá thành để tiểu thương buôn bán nhẹ nhàng hơn. Theo cô Loan, nhờ các đại lý phân phối và nhà sản xuất giảm giá, giá bánh kẹo, mứt tết, các loại hạt cũng theo đó giảm giá nhẹ. Cụ thể: các loại hạt như hạt điều, hạt dẻ, bí, dưa, hướng dương,... có giá từ 140 – 300 nghìn đồng/kg; các loại mứt truyền thống như mứt chùm ruột, khoai lang, gừng, bí, mứt me,... có giá từ 60 – 150 nghìn đồng/kg; các loại bánh kẹo có giá từ 80 – 150 nghìn đồng/kg.

Một người dân mua bánh mứt tết tại chợ thành phố Tây Ninh.

Cô Nguyễn Thị Thanh (ngụ phường 2, Thành phố Tây Ninh) người đến mua bánh mứt tại Chợ Tây Ninh cho biết, nhiều năm qua cô luôn mua bánh mứt tại chợ vì giá cả phải chăng và nhiều tiểu thương đã có ý thức kinh doanh hàng hoá an toàn vệ sinh thực phẩm, bán hàng hoá đều có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cộng với thấy các chị em mua bán khó khăn tôi cũng đến mua ủng hộ để các chị có động lực mua bán.

Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, chợ truyền thống, sản phẩm bánh kẹo cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng tạp hoá, tiện lợi và kênh thương mại điện tử. Trong đó, ở các kênh online, sản phẩm cũng được người bán giới thiệu khá bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau. 

Để người người dân lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết, Sở Công Thương Tây Ninh khuyến cáo người dân nên Mua sản phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn mác, nếu là sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo.

Nội dung trên nhãn sản phẩm phải có đầy đủ các thông tin: Tên sản phẩm, thành phần, tên cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, thông tin cảnh báo, hạn sử dụng,... Đặc biệt, đối với các loại mứt, không nên mua các loại mứt lẻ, không được bao gói sẵn vì những loại mứt bán lẻ không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng và bày bán không đảm bảo vệ sinh. Nên mua thực phẩm tại các siêu thị hoặc những cửa hàng có uy tín như Vinmart TNH+, Bách Hóa Xanh,...

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Bách Hoá Xanh trên đường Nguyễn Văn Rốp (Thành phố Tây Ninh).

Theo ông Hồng Văn Hoàng – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, trước tình trạng hàng hoá trên thị trường ngày càng nhiều vào dịp Tết, để đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, cũng như tạo điều kiện để người dân yên tâm mua sắm, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương triển khai việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đồng thời, đơn vị còn tham mưu UBND tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp cùng đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các cớ ở sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết như gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, mứt, thuốc tân dược, các mặt hàng liên quan công tác phòng chống dịch Covid – 19,... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng sức khoẻ cho người tiêu dùng; đảm bảo ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh khuyến cáo, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục