Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thiên nhiên hồn hậu
Thứ sáu: 09:05 ngày 09/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thiên nhiên vẫn còn vô số điều để cho ta khám phá. Như tôi, vài ngày trước, vào ngày nóng nhất thì được thấy cả bầy chim én chập chờn bay liệng sát mặt sông, lao xuống nước rồi lại vút lên làm nước bắn lên tung toé. Tưởng chúng tìm bắt mồi, nhưng hoá ra không phải…

Đàn chim ở khu phố 4, phường 3. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Ðang mùa dịch bệnh, nếu như con người tăng cường cảnh giác, buộc phải cách ly hay giãn cách, thiên nhiên vẫn luôn mở rộng vòng tay hồn hậu ở quanh ta… Xem tivi, thấy ở vài thành phố lớn nhiều người có sáng kiến du lịch tại chỗ hay kỳ nghỉ tại nhà.

Trên một sân thượng, người ta đem lều lên cắm trại. Thiên nhiên là bầu trời, là vơ vẩn mây bay; là những chậu hoa kiểng hay thùng xốp trồng rau đã có. Trải thêm một tấm đệm xanh giả làm bãi cỏ. Cả nhà cắm trại, vui chơi bên nhau trong cảm giác an toàn.

Tây Ninh vừa qua kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng cả nước. Tôi nhớ mùa thi năm trước, cũng giữa mùa dịch lây lan. Các đội thanh niên tình nguyện Tiếp sức mùa thi vẫn bày những chiếc bàn dài trước các điểm thi.

Trên bàn có nước rửa tay sát khuẩn; có phát khẩu trang khi ai cần, cả nước uống và đồ ăn nhẹ. Ðài TTV11 tối ngày 6.7 cho biết các đội Thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng. Toàn tỉnh có gần 9.700 thí sinh thi ngay trong đợt 1.

Vậy là có tới mấy chục ngàn ước mơ hy vọng của thí sinh và những người thân. Dù có dịch hay không, thì người ta vẫn phải sống, làm việc và thực hiện những điều mơ ước. Sau đợt “vượt vũ môn” này, các em sẽ như những bầy chim bay đến nhiều miền trên đất nước.

Nhắc đến bầy chim, là tôi lại nhớ đến vườn chim ở khu phố 4, phường 3. Vài năm trước, tôi từng gặp một nhóm các em học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cũng ra ngắm vườn chim. Trong số ấy, chắc là có những em đã học hành, hay làm việc ở một nơi nào đó xa quê hương. Có lúc nào, các em nhớ đến một hoàng hôn lộng lẫy, xao xác những cánh cò bay vào buổi chiều hôm ấy?

Giờ đang là mùa chim di trú bay về phương Nam làm tổ sinh con. Vườn chim trở nên thưa vắng. Nhưng lại có thêm nhiều bầy chim bản địa bay về. Như chim sáo, cồng cộc, hay cò ruồi, cò lửa... Và còn nữa, nhiều bầy chim sẻ gặp người đi là táo tác bay lên bụi cây keo tai tượng ở dọc đường.

Thiên nhiên vẫn còn vô số điều để cho ta khám phá. Như tôi, vài ngày trước, vào ngày nóng nhất thì được thấy cả bầy chim én chập chờn bay liệng sát mặt sông, lao xuống nước rồi lại vút lên làm nước bắn lên tung toé. Tưởng chúng tìm bắt mồi, nhưng hoá ra không phải…

Vài bữa sau, nhằm ngày có mưa trời mát, tôi ra. Lại đã thấy bầy chim én tung mình bay cao, không màng gì đến mặt nước nữa rồi. Thì ra chúng cũng tự biết giải nhiệt cho mình bằng cách tắm sông.

Cũng ngày nắng nóng nhất ấy, lần đầu tôi gặp cả một đôi chim bìm bịp. Quả thật là “Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau” như một nhà thơ đã viết. Mọi khi chỉ gặp chúng loạt soạt bay ra từ bụi rậm mọc mé sông. Kỳ lạ chưa, nay lại thấy chúng nối đuôi nhau đi ở trên đường. Như một kiểu đôi gà rừng tôi thấy khi lên rừng Chàng Riệc.

Tôi từng ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều đàn chim ri, sẻ đá bay về phố Nguyễn Ðình Chiểu cạnh chợ đêm thành phố Tây Ninh. Ðấy là khi bóng chiều vừa xuống, đèn còn chưa kịp bật lên. Mặc cho những người bán hàng kê sắp bàn ghế lịch kịch trên hè đá công viên; nhiều đàn chim vẫn vun vút bay về, chao lượn rất nhanh rồi lẫn vào trong vòm lá dầu sẫm tối.

Vậy mà có lần tôi cũng gặp đàn chim ấy, bay về phố rất đông người là Lê Lợi. Chúng nghỉ qua đêm trên những tán cây dầu cao ngất bên đường. Có hôm tôi lại nghe nhiều tiếng chim hót ríu ran ngay tại sân một cơ quan khi chiều vắng. Ngó xem, thì thấy vài đôi chào mào đã từ đâu đến.

Có cả chích choè ruồi, loại chim có đuôi xoè ra như chiếc quạt. Chúng trò chuyện râm ran một lúc rồi thôi, khi bóng chiều loang. Vậy là thành phố của tôi vẫn luôn có một thiên nhiên hồn hậu. Là cây xanh toả bóng. Là chim và vô số loại côn trùng rả rích suốt đêm. Có khi con người phải học cách chúng sống để vượt qua dịch bệnh. Bởi chúng đã tồn tại qua hàng triệu năm, bất chấp thiên tai dịch bệnh và cả nạn săn bắt của con người trong quá khứ.

Ðiều thú vị gần đây nhất của tôi là một con sóc nhỏ, tôi thấy trong vườn của Chi cục Kiểm lâm trên phố 30.4 lúc nào cũng tấp nập người xe. Mặc cho xe cộ ầm ì qua lại, chú sóc vẫn thản nhiên lúc thì nhặt hạt trên bãi cỏ, lúc leo lên cây bằng lăng có thân cây loang lổ ánh bạc màu gốm sứ.

Sóc này là loại hiếm thấy, vì chúng chỉ nhỏ như trái cau, cái đuôi dài như một bông lau xám, còn trên lưng có sọc màu đen. Dân gian thường gọi chúng là con nhan, tôi đã gặp một lần ở cây bồ đề đình Thái Ninh, nên nhớ. Ôi, chú nhan bé nhỏ của tôi! Em sẽ là một ví dụ tuyệt vời về thiên nhiên hồn hậu ở quanh tôi.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục